Dòng sự kiện:

Thơ 'Xin đổi kiếp này' của nữ sinh lớp 8 khiến dân mạng 'lặng người'

20:55 17/11/2016
Bài thơ “Xin đổi kiếp này” của học sinh Nguyễn Bích Ngân (Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) vừa được đăng tải trên diễn đàn dành cho những người làm báo đã khiến dân mạng "lặng người".

Mới đây, bài thơ “Xin đổi kiếp này” của em Nguyễn Bích Ngân, học sinh lớp 8A1, trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) được chia sẻ trên mạng khiến nhiều người bất ngờ.

Nếu đổi được kiếp này tôi xin hóa ruộng đồng/ Thử nếm vị thuốc sâu, thử sặc mùi hóa chất/ Thử chịu bão giông, thử sâu rày khô khát/ Thử ngập mặn, triều cường, núi lửa, sóng thần dâng”.

Đó là hai khổ đầu trong bài thơ Xin đổi kiếp này của nữ sinh này.

Đọc bài thơ Xin đổi kiếp này, phần lớn dân mạng tỏ ra ngạc nhiên, không biết tại sao một cô bé 14 tuổi lại có suy nghĩ sâu sắc như vậy.

Độc giả Mạnh Cường (Hà Nội) tỏ ra băn khoăn, không biết có ai sửa bài góp ý gì cho em không, học sinh mới lớp 8 mà trăn trở thế này, thực sự không tin nổi.

Độc giả Son Pham chia sẻ anh không thể tin học sinh lớp 8 có thể viết nên những dòng chữ phản ánh thực tế của xã hội, khiến người lớn phải suy ngẫm.

Bạn đọc Vũ Huy cũng chia sẻ, đúng là khó tin đây là những suy nghĩ của một cháu học sinh mới lớp 8, hy vọng thế hệ này sẽ giúp ích cho đất nước. Ngoài ra, nhiều độc giả cũng tỏ ý nghi ngờ đây không phải văn phong của một học sinh lớp 8.

Theo cô Nguyễn Quỳnh Nga – giáo viên chủ nhiệm và cũng là giáo viên môn văn lớp 8A1 – cho biết, Nguyễn Bích Ngân là học sinh giỏi của trường suốt từ năm lớp 6 đến giờ và cô bé học rất tốt môn văn. Điểm tổng kết môn văn các năm của em đều từ khoảng 8,5 trở lên. Đây đúng là bài thơ của em Ngân, học sinh của cô.

Nhận xét về bài thơ này, cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, bài thơ xúc động bởi cả tầm tư tưởng và chiều sâu xúc cảm.

Cô Tuyết phân tích: Bài thơ kết cấu trùng điệp theo tứ " xin đổi kiếp này" để bao quát bức tranh toàn cảnh của môi trường thiên nhiên, xã hội đang bị hủy hoại đau đớn bởi chính sự tham lam, tàn ác của con người, từ sông biển núi rừng tới không khí, cây xanh đồng ruộng...

Đồng thời, chính từ chiều rộng khá bao quát ấy, em đã xuất phát từ tứ thơ độc đáo " xin đổi kiếp này" để cảm nhận, để trải nghiệm những đau xót kiệt cùng của sông biển đất trời khi hàng ngày hàng giờ bị con người tàn phá.

Nỗi đau xót thấm thía vị trải nghiệm làm bật lên câu hỏi nhức nhối về trách nhiệm, về lương tâm của con người trong cách ứng xử với môi trường sống - mối quan hệ nhân quả hiện hữu nhỡn tiền khiến bài thơ như một thông điệp với sức mạnh cảnh báo mãnh liệt nhất.

Một giáo viên ở Quảng Bình cũng vô cùng ngạc nhiên với tác giả bài thơ. Cô thốt lên: “Nếu đúng của em học sinh này viết ra thực sự, không có sự chỉnh sửa của người lớn, quả khâm phục về tài năng và trái tim của em ấy”.

Nguyễn Bích Ngân – nữ sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) – tác giả bài thơ làm “dậy sóng” cộng đồng mạng chia sẻ, em không thường xuyên làm thơ, và tự nhận xét mình là người lãng mạn.

Bích Ngân nói rằng, em không làm thơ thường xuyên, tất cả vốn liếng có lẽ chỉ từ 7-8 bài thơ, vì làm thơ phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc. Những bài thơ mà Ngân viết cũng chỉ để giãi bày cảm xúc cá nhân và chỉ chia sẻ cho ông ngoại.

Ngân chia sẻ, tính cách thể hiện ra bên ngoài của em có phần khép kín nhưng cũng có phần mạnh mẽ bên trong.

“Con thích nghe nhạc Hàn, và chỉ duy nhất nhóm Big Bang vì con luôn thích cái gì đó mãnh liệt, mạnh mẽ. Bản thân các anh trong nhóm Big Bang cũng là những người suy nghĩ có chiều sâu. Con thích cái cảm giác họ đem lại” – Ngân nói.

Ngoài nghe nhạc Big Bang, Ngân còn thích chụp ảnh và vẽ.  Và vẽ thì  vẽ ra nháp là nhiều, chứ ít khi vẽ bức nào hoàn chỉnh. Chụp ảnh thì chỉ chụp bằng điện thoại thôi.

“Con đặc biệt thích chụp dưới những bóng cây, chứ không phải cây có màu sắc, mà là khi con đứng dưới bóng cây chụp lên, chỉ có một nền trời xanh trắng và bóng cây màu đen, có cảm giác như những nét vẽ, trông rất sống động”- Ngân chia sẻ.

 Khánh Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam