Thu học phí qua thẻ: Phụ huynh phản ứng dữ dội, giáo viên tức tưởi bật khóc
Phụ huynh (PH) phản ứng dữ dội, giáo viên (GV) chủ nhiệm tức tưởi bật khóc, hiệu trưởng chưa rõ cách triển khai nhưng vẫn phải triển khai… là những chuyện bi hài trong ngày họp PH đầu năm tại nhiều trường học ở TP.HCM. Chuyện này liên quan kế hoạch triển khai chiếc thẻ học đường (s-smart card, viết tắt là SSC) dùng cho PH khi thanh toán học phí.
Phụ huynh phản ứng
Chị N.P.T. ngụ ở xã Tân Hiệp, H.Hóc Môn gọi đến Đường dây khẩn của báo Phụ Nữ TP.HCM, cho biết: “Tôi đi họp PH cho con ở trường THPT Nguyễn Hữu Cầu về mà mất ăn mất ngủ. Cô chủ nhiệm nói năm nay trường không thu học phí bằng tiền mặt nữa, mà cha mẹ phải thanh toán qua thẻ với ngân hàng (NH). Chúng tôi toàn là dân lao động, cả ngày đi làm thuê, lấy đâu thời gian ra NH. Có người cả đời chưa từng cầm cái thẻ NH, chưa từng ra tới NH, giờ nhà trường ép dùng thẻ, chúng tôi không biết làm sao, nên ai cũng phản đối”.
Theo lời chị T., trong cuộc họp PH đầu năm mới đây, khi nghe phương thức thu học phí qua thẻ, nhiều PH đã phản ứng gay gắt, khiến cô giáo chủ nhiệm lớp đã bật khóc tại chỗ.
Theo thông báo của cô chủ nhiệm, trong năm tháng đầu năm học, PH sẽ được miễn phí tiền mở thẻ và thanh toán qua NH Quân Đội (MB). Sau đó, mức phí hàng tháng cho mỗi thẻ là 20.000đ. Từ ngày 1 đến ngày 10 hàng tháng, PH phải đóng học phí qua NH, nếu đóng muộn sẽ bị tính theo lãi suất của NH. Nhiều PH bức xúc: “Cách làm này chẳng khác nào đẩy chúng tôi vào cảnh nợ nần. Học phí 100.000 đ/tháng nhưng tiền thẻ mỗi tháng lên tới 20.000đ”.
Anh N.V.L., một PH của học sinh (HS) Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu phân tích: “Tôi là dân đi làm công ty nên thấy cách làm này tốt, hướng đến sự tiện lợi, văn minh, thậm chí là sẽ có lợi cho những PH không xoay được học phí đúng hạn; nhiều PH chọn phương án đóng học phí một lần cho cả năm học, không phải đi lại lắt nhắt. Nhưng đây cũng chính là một điều vô cùng bất tiện cho các gia đình nghèo, người lao động. Thứ nữa, với việc mất tiền trong thẻ như thời gian qua, làm sao trường và NH có thể đảm bảo quản lý tài khoản của hàng ngàn HS như vậy, đó là chưa kể khi mất thẻ thì phải mất tiền làm lại”.
Nhiều phụ huynh lo lắng khi nhận được thông báo yêu cầu đóng học phí qua thẻ. Ảnh minh họa
Hầu hết PH các trường ở H.Bình Chánh như THPT Bình Chánh, THPT Lê Minh Xuân cũng không ủng hộ hình thức thu tiền này vì sự bất tiện và tốn phí hàng tháng.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc triển khai thu học phí qua thẻ NH nói trên thuộc đề án thẻ học đường của Sở GD-ĐT TP.HCM. Đề án này được Sở GD-ĐT ký kết hợp tác với NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM và Công ty văn hóa Ngôi Nhà Xanh từ giữa năm 2014, giúp HS thanh toán học phí mà không sử dụng tiền mặt, bắt đầu triển khai thí điểm từ năm học 2014-2015 ở 16 trường THCS và THPT với tổng số tính đến cuối tháng 11/2015 là hơn 13.000 thẻ.
Đợt triển khai mới này “quy mô” hơn, với kế hoạch phát hành một triệu thẻ tại 24 trường THPT cho khối lớp 10, 11; dự kiến đầu năm 2017 sẽ tiếp tục phát hành một triệu thẻ cho HS các trường tiểu học và THCS. Không chỉ có các trường nội thành, các trường khu vực khó khăn, ngoại thành như Hóc Môn, Bình Chánh cũng được triển khai.
Ông Nguyễn Minh Triết, Hiệu trưởng Trường THTT Nguyễn Hữu Cầu cho biết: “Phản ứng của PH trong buổi họp đầu năm là có thật. Phản ứng này gây một áp lực không nhỏ với các GV chủ nhiệm. Chúng tôi xin nói rõ, việc triển khai thu học phí qua NH là thực hiện theo đề án của Sở GD-ĐT được UBND TP.HCM chấp thuận theo công văn số 3835/ UBND ban hành ngày 7/8/2014 của UBND TP.HCM. Trong cuộc họp PH cuối năm 2015-2016, ban quản lý đề án của Sở đã tham dự và thông tin rõ, nhưng có lẽ PH nghĩ năm học 2016-2017 còn xa, nên không quan tâm lắm. Không ngờ buổi họp đầu năm, PH lại đồng loạt phản ứng. Đây cũng là tình hình chung của 24 trường tham gia đề án”.
Ông Lê Thanh Tòng, Hiệu trưởng Trường THPT Bà Điểm, H.Hóc Môn lắc đầu: “Tới giờ này, tôi còn chưa hình dung hết việc triển khai này chi tiết ra sao. Miễn phí năm tháng đầu, sau đó thu bao nhiêu phí mỗi tháng? Triển khai thu lần đầu ra sao? Hiện, trường vừa nhận hơn 600 thẻ NH của HS khối 10 và 11. Với 1.200 HS còn lại, nhiều PH chưa cung cấp thông tin để mở thẻ. Điều khiến chúng tôi đau đầu là trường ở huyện ngoại thành, đa số là dân lao động nghèo, chưa từng biết chiếc thẻ NH là gì nên đâm ra lo lắng”.
Chưa vội được đâu!
Theo thông tin từ Công ty Ngôi Nhà Xanh, đơn vị được Sở GD-ĐT giao làm đầu mối thực hiện đề án thì thẻ học đường SSC là thẻ dành cho HS, có tên và mã số HS.
Vào kỳ đóng tiền, trung tâm thông tin SSC sẽ thông báo đến PH khoản phí và học phí của HS để PH chuyển tiền vào thẻ SSC bằng nhiều hình thức: chuyển khoản (qua tin nhắn - SMS banking, qua điện thoại - mbanking, qua internet - ebanking…), thu tận nhà, đóng tại các NH, đóng tại trường, hoặc thanh toán qua mPOS (thiết bị cà thẻ trên điện thoại thông minh), thu qua POS (máy cà thẻ cố định) tại trường… Số tiền phí và học phí quy định mà PH nộp sẽ được tự động chuyển về tài khoản của nhà trường; thông tin chuyển về trung tâm dữ liệu SSC để đối soát, báo cáo và thông báo cho PH đã hoàn tất quá trình đóng tiền.
Ngoài ra, PH cũng có thể chuyển tiền tiêu vặt (ăn trưa, mua sách, dụng cụ học tập…) cho con vào SSC, thẻ này chỉ được chấp nhận mua hàng qua máy POS tại các điểm quy định trong trường học, không rút được tiền mặt. Các khoản mua sắm sẽ được thông báo vào tài khoản thẻ, giúp PH kiểm soát được việc chi tiêu của con khi cần thiết…
Nếu hiện thực hóa được những tiện ích như trên thì thẻ SSC thật sự tiện lợi cho HS và PH. Tại các nước phát triển, thẻ này cũng được sử dụng rất tiện lợi cho HS. Nhưng đó là khi đã đồng bộ được những ứng dụng của thẻ. Trở lại thẻ SSC của TP.HCM, sở dĩ PH phản đối là bởi sau vài năm thí điểm, thẻ cũng chỉ mới dừng lại ở chức năng đóng học phí, các tiện ích còn lại khá mờ nhạt.
Một PH của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong kể: “Nghe thông báo các tiện ích khi làm thẻ, tôi làm ngay. Thẻ của con tôi có giá trị từ tháng 9/2015 nhưng đến giờ tôi vẫn phải đưa tiền mặt cho con đi đóng, vì trường chưa có máy cà thẻ. Tiện ích đầu tiên, đơn giản nhất còn chưa sử dụng được thì chờ đến bao giờ mới có những tiện ích khác".
Không chỉ vấp phải sự phản đối từ phía người học, nhiều GV cảm thấy khổ sở khi trường được chọn là trường thí điểm thực hiện thẻ SSC. Việc tập huấn, họp hành triển khai thẻ làm mất thời gian của GV, trong khi đó họ lại phải ra sức thuyết phục, giải thích với PH vì sợ PH nghi ngờ GV bắt tay với NH để hưởng hoa hồng…
Nếu áp dụng thẻ SSC để thu học phí trong năm nay, các trường sẽ phải tăng thêm đầu việc. Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu hiện tại đang phải chuẩn bị hai phương án để triển khai việc thu tiền: PH tự nộp qua thẻ hoặc nộp trực tiếp tại phòng tài vụ của trường.
Phải thừa nhận rằng thẻ học đường có lợi cho HS và PH, nhưng đó là ở thì tương lai. Còn hiện tại, khi mà điều kiện và hoàn cảnh của một bộ phận dân cư chưa cho phép, cơ sở vật chất và việc ứng dụng công nghệ của thẻ còn chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ… thì việc thực hiện sẽ khó đạt hiệu quả.
Theo Phụ Nữ TP.HCM
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Bật xi nhan nhưng không rẽ, xi nhan nhầm hướng có bị phạt không?
- 12 trường hợp dù đi đúng tuyến vẫn không được hưởng BHYT, 5 trường hợp trái tuyến lại được chi trả 100%
- Ngành học "khó nhằn" nhưng không sợ thất nghiệp: Lương có thể tới 40 triệu đồng/tháng
- Năm học 2022-2023: Học phí tại Hà Nội có thể tăng gấp đôi
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua