Dòng sự kiện:

Thử nghiệm dạy con tại nhà, đừng tưởng dễ!

14:00 08/12/2015
Dù home-school - mô hình không đến trường còn mới ở Việt Nam, nhưng không ít phụ huynh vẫn muốn tự dạy con mình từ kiến thức trong sách giáo khoa đến các kỹ năng sống.

Dạy con tại nhà, tại sao?

Homeschool (học tại nhà) là một mô hình giáo dục đã được biết đến nhiều ở phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Tại Việt Nam, với quan điểm còn coi trọng bằng cấp, việc cho con học tại nhà chưa phải là mô hình được phụ huynh lưu tâm.

Một số ý kiến cho rằng, home-school ở Việt Nam dành cho những trẻ khó hòa nhập cộng đồng và gia đình có điều kiện. Tuy nhiên, những người trong cuộc cho rằng, điều này không đúng. Theo phụ huynh, home-school ra đời khi bố mẹ và các con có mục tiêu khác với trường học, nên lựa chọn một hình thức phù hợp hơn.

Dù mô hình không đến trường còn mới ở Việt Nam, nhưng không ít phụ huynh vẫn muốn tự dạy con mình từ kiến thức trong sách giáo khoa đến các kỹ năng sống. Xu hướng này đang ngày càng thu hút sự chú ý của các bà mẹ ở thành phố lớn, có điều kiện kinh tế, nhất là khi mạng Internet phát triển như hiện nay.

Với một số bậc phụ huynh Việt liều lĩnh thử nghiệm hình thức home-school, việc giáo dục trong những năm đầu đời là để xây dựng nên nhân cách cho một đứa trẻ. Bé cần được bố mẹ dành nhiều thời gian để chỉ bảo và hướng dẫn mọi điều trong cuộc sống hơn. Điều đó, thật khó để có thể tìm thấy trong môi trường giáo dục mầm non hiện tại của chúng ta hiện nay, vì cô giáo cũng không thể theo sát để nhắc nhở và chỉ bảo cho con những điều vẫn còn chưa tốt hay những điều con không nên làm.

Quan điểm của họ là hướng con trở thành người có ích cho xã hội, thậm chí có thể không vào đại học, thế nên việc dạy con học ở nhà cũng phải tôn trọng nhu cầu học của từng trẻ. Các bậc phụ huynh chú trọng nhiều hơn tới việc dạy con những kỹ năng sống khi con còn nhỏ tuổi, ví dụ như: dạy con bơi, dạy con phơi đồ, dạy con chụp ảnh, dạy con yêu từng cái mầm con nhú lên mỗi ngày, dạy con đi rong ruổi phố phường để tìm hiểu vị trí các quận huyện, dạy con rằng, một em bé cần phải học phép lịch sự khi yêu cầu người khác làm điều gì đó giúp mình...

Song song với đó, các bậc phụ huynh thường dùng chương trình home-school của Mỹ bằng hình thức học qua video, sau đó tự làm bài tập. Các bài giảng có độ dài từ 15-30 phút, thời gian học mỗi môn 30-45 phút. Sau đó, nếu con cố gắng, cha mẹ sẽ tạo điều kiện cho các cháu du học, khi đó sẽ hoàn thành bài thi chuẩn hóa quốc tế.

Thông thường, phần học thuật của chương trình được thiết kế rất sâu sắc để các con có nền tảng kiến thức tốt mà cách thầy cô dạy qua VCD không nhàm chán. Giáo trình có xu hướng giúp học sinh tự học, tự lập chứ không lệ thuộc người dạy.

“Google là một “kho thư viện toàn năng” nếu bạn biết cách sử dụng và hiện nay, các phương pháp “home-school” đều được chia sẻ rất rộng rãi.

Thử thách

Nhìn những thành công ban đầu của con khi có thể sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, biết chơi đàn, thành thạo các kỹ năng sống... tưởng dễ dàng nhưng thực chất bố mẹ phải trải qua nhiều khó khăn.

Nhiều năm nghiên cứu phương pháp này, một phu huynh khuyên rằng:

  • Các gia đình cần xác định rõ mục tiêu và mong muốn khi chọn home school;
  • Cần tìm được chương trình phù hợp;
  • Tạo môi trường thực tế, sáng tạo;
  • Nên áp dụng mô hình của những người đã thành công trên thế giới;
  • Tạo được cộng đồng cho con.

Dư luận dường như còn chưa quen với việc bố mẹ không cho con đến trường, vì thế nhiều bậc phụ huynh bị cười nhạo khi áp dụng hình thức này.

Để việc giáo dục con tại nhà hiệu quả, điều khó nhất là cha mẹ phải dành nhiều thời gian cho - điều mà trong xã hội này thường được ưu tiên sau công việc. Thậm chí, một trong hai bố mẹ phải hy sinh sự nghiệp mới có thể chu toàn cho các con.

Trong bối cảnh hiện tại, với cơ chế, luật định, cũng như điều kiện phát triển xã hội ở Việt Nam, người học dễ gặp những rủi ro. Hiện chưa có văn bản cụ thể chấp nhận hình thức home school, nên có thể dẫn đến tình huống, sau thời gian dạy tại nhà, bố mẹ muốn con vào trường học thì không có văn bản chứng nhận đã tốt nghiệp cấp học.

Lam Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam