Dòng sự kiện:

Thương tâm cảnh sống cuối đời cô độc của các "nô lệ tình dục" trong thế chiến II

18:50 17/08/2015
Hơn 200.000 phụ nữ đã bị ép buộc trở thành "nô lệ tình dục" trong thế chiến II. Sau khi chiến tranh đã kết thúc, họ vẫn không thể làm lại cuộc đời và phải sống những tháng ngày còn lại trong cô độc.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những người phụ nữ lớn tuổi này vẫn còn nguyên ảm ảnh về chuỗi ngày làm "phụ nữ giải khuây", một tên gọi khác của "nô lệ tình dục". Đa phần họ là người Trung Quốc và Hàn Quốc. 

Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một khảo sát, song chỉ có thể xác định nơi ở của hơn 20 cựu "phụ nữ giải khuây" hiện còn sống và đang ở Trung Quốc. Hầu hết đều đang ở trong tình trạng "tinh thần tồi tệ". 


70 năm đã qua, người phụ nữ này vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau. Đôi mắt mờ đục của bà trĩu nặng nỗi buồn. 
Bước ra khỏi chiến tranh với tổn thương tinh thần nặng nề, thể xác bị chà đạp và nỗi đau lớn nhất là không thể sinh con, họ lặng lẽ sống nốt những năm tháng còn lại của cuộc đời. Điều đáng nói, họ không nhận được bất cứ một khoản bồi thường hay một lời xin lỗi nào từ những kẻ đã đày đọa, đã cướp đi thiên chức thiếng liêng của người phụ nữ - làm mẹ, đã cướp đi cả cuộc sống của họ. 

Gil Won-ok, sinh ra tại Bắc Triều Tiên vào năm 1927. Bà được đưa đến một nhà thổ quân đội Nhật Bản tại Trung Quốc vào năm 1940, sau đó bà bị bệnh giang mai và bác sĩ đã phải cắt bỏ đi tử cung của bà. Kể từ đó, bà mất hoàn toàn khả năng sinh con. 
Còn ở Hàn Quốc, 8 cựu nô lệ tình dục đã qua đời trong năm nay trong nỗi cô đơn và bao uất ức dồn nén không được giải tỏa. 

Bức ảnh trên chụp người phụ nữ tên Hao Yuelian - một nô lệ tình dục. Bà cũng không còn khả năng sinh con và chỉ có một cô con gái nuôi. Bức ảnh được chụp tại phòng của bà với bốn phía tường treo toàn tranh em bé, như một ước vọng thầm kín đeo đẳng bà suốt cuộc đời. 

Juxiang Hao bị bắt cóc khi mới 15 tuổi. Hiện bà đang sống cô đơn trong một ngôi nhà xập xệ.
Đa số các "nô lệ tình dục" bị quân Nhật bắt cóc và phải trở thành "phụ nữ giải khuây" từ khi mới 15, 16 tuổi. Nếu may mắn, họ có thể được gia đình chuộc về sau khoảng 20 ngày đến 1 tháng. Nhưng chừng ấy thời gian cũng đã đủ để khiến họ "thân tàn ma dại" và phải chịu hậu quả khốc liệt.
Những người kém may mắn phải sống cuộc đời ô nhục trong nhiều năm ròng rã. Mỗi ngày phải giải quyết nhu cầu sinh lý cho 15 binh sĩ Nhật. Họ đều bị Giang mai, phần lớn phải cắt bỏ tử cung để giữ lại mạng sống, và không thể sinh con. 
Đây là nơi đã chứng kiến biết bao vụ lạm dụng tình dục trong thế chiến II. 

Gia đình bà Ren Lane cũng mong mỏi sự hỗ trợ tài chính từ phía Chính phủ Trung Quốc, nhưng chưa một lần nào bà được thăm hỏi hay hỗ trợ.  Bà bị bắt cóc năm 15 tuổi và phải làm nô lệ tình dục trong suốt 20 ngày. Mẹ bà đã đem tài sản mình để chuộc lại con gái. Bà khá may mắn so với những phụ nữ "giải khuây" khác vì sau khi được giải thoát, bà đã kết hôn và có 3 người con trai, 1 người con gái. 

Kim Bok-dong bị bắt cóc khi bà mới 15 tuổi.

Ngày ngày bà tham gia biểu tình trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul.
Bị bắt cóc khi mới 15 tuổi. Đã hơn 50 năm trôi qua, bà Kim Bok-dong vẫn còn nguyên những ký ức kinh hoàng về chuỗi ngày sống trong nhà thổ. Bây giờ, lý do duy nhất níu giữ bà với cuộc sống là đấu tranh cho nhân phẩm đã bị chà đạp một cách man rợ. 
Cứ mỗi thứ tư, bà lại cùng những người phụ nữ cùng cảnh ngộ và đông đảo phụ nữ Seoul biểu tình trước Đại sứ quán Nhật tại Seoul để yêu cầu chính phủ Nhật Bản công khai xin lỗi. Ngời phụ nữ già tâm sự, bà cần một lời xin lỗi thành tâm không chỉ cho mình mà còn cho rất nhiều "phụ nữ giải khuây" đã phải chết trong nỗi cô đơn, nỗi đau không con cái cùng nỗi uất ức dồn nén suốt cả cuộc đời. 

Hàng trăm ngàn phụ nữ Hàn Quốc, Triều Tiên đã bị bắt làm nô lệ tình dục

Bất chấp nỗ lực biểu tình của những nô lệ tình dục từ thế chiến II, không chỉ một lần Chính phủ Nhật Bản đã khéo léo từ chối nhận trách nhiệm xin lỗi thay cho tiền nhân. 

Đầu tháng 3 vừa rồi, trước làn sóng biểu tình lan rộng của các nô lệ tình dục Trung Quốc và Hàn Quốc từ thế chiến II, ông Yoshihide Suga, Bộ trưởng phủ Thủ tướng Nhật Bản một lần nữa khẳng định, vấn đề này đã được chính phủ Nhật trình bày nhiều lần. Nhật sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để các nước hiểu rõ về lập trường của Nhật.

Phát biểu được đưa ra sau khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye lên tiếng đề nghị Chính phủ Nhật Bản thừa nhận sự thật lịch sử dù đúng hay sai. Bà cũng yêu cầu Nhật Bản phải công khai xin lỗi những người phụ nữ đã bị binh lính Nhật ép buộc làm "nô lệ tình dục" trong chiến tranh. 

Tổng thống Park Geun-Hye nhấn mạnh, Hàn Quốc chỉ còn lại 53 "phụ nữ giải khuây" còn sống và họ đều đã bước qua tuổi 90. Họ chỉ có một mong mỏi là được phục hồi danh dự trước khi nhắm mắt. 

Về phía Nhật Bản, năm 1993, Tổng thư ký Nội các Nhật Yohei Kono đã gửi lời xin lỗi đến các nạn nhân bị binh lính Nhật ép làm nô lệ tình dục trong chiến tranh. Tuy nhiên năm ngoái, Thủ tướng Shinzo Abe lại yêu cầu "kiểm tra lại lời xin lỗi".

Các chính trị gia bảo thủ, trong đó có c ông Abe cho rằng chính phủ Nhật không có lỗi và không cần nhận trách nhiệm cho "vết nhơ" sử dụng nô lệ tình dục trong quá khTokyo cũng tuyên bố tiền bồi thường dành cho các nạn nhân  được chi trả theo Hiệp ước Nhật – Hàn năm 1965.

Phía Nhật cũng chỉ trích chính phủ Hàn Quốc vì đã sử dụng phần lớn tiền bồi thường cho các dự án cơ sở hạ tầng chứ không trao cho các nạn nhân.  

Chưa hết, Thị trưởng thành phố Osaka, một chính trị gia đang lên tại Nhật Bản, ông Toru Hashimoto cũng công khai phát biểu: Hệ thống nô lệ tình dục trong lịch sử là điều "cần thiết".

E rằng, lời từ chối thẳng thừng của Tokyo sẽ khiến bất hòa âm ỉ giữa hai Chính phủ càng dâng cao. Một số nhà bình luận thời sự quốc tế nhận ra, kể từ khi nhậm chức (năm 2013), tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye rất lơ là việc gặp gỡ Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật. 

Trong bối cảnh này, nếu không có sức ép lớn hơn từ dư luận quốc tế, có khả năng những người phụ nữ đáng thương phải làm "nô lệ tình dục" cho lính Nhật trong chiến tranh sẽ không có cách nào đòi lại công lý. 

Xem thêm

[mecloud]qN5OVZk7Bt[/mecloud]

SÔNG THAO

Nguồn: Người đưa tin


TAG