Dòng sự kiện:

Thương tâm: Con nhập viện tâm thần vì mẹ ép học quá sớm

17:31 23/10/2015
Nhiều em bé đã phải quên đi tuổi thơ của mình khi cha mẹ bắt con học rất nhiều thứ, từ đàn, hát, vẽ, tiếng Anh... từ khi mới lên 3.

Do kỳ vọng con phải giỏi hơn mình nên từ lúc 3 tuổi, nhiều ông bố bà mẹ đã bắt con học rất nhiều thứ, từ đàn, hát, vẽ, tiếng Anh và những môn học khác.

Thông tin trên báo Trí thức trẻ, bé N.H.A mới 6 tuổi con chị L.H (Đống Đa- Hà Nội) từ nhỏ đã chậm chạp hơn những đứa trẻ khác. Vì lo con không học được bằng bạn, ngay khi con gần 3 tuổi, chị L.H đã cho con đi học chữ, học đàn, học tiếng Anh với cô giáo nước ngoài.

Tối nào chị L.H cũng bắt con đánh vần, đọc, viết. Nếu con viết sai bố mẹ lại tức giận quát tháo khiến con bé sợ run người. Một thời gian sau đó, cháu bé bỗng trở nên xanh xao, khó ngủ, có khi còn gặp ác mộng khóc thét cả đêm.

Sau đó chị L.H được cô giáo cho biết ở lớp cháu không thích chơi đùa với bạn, chỉ nép mình ở góc lớp, mặt buồn rầu. Thấy tình hình không ổn nên chị L.H cho con đến bệnh viện Tâm thần để khám, bác sĩ kết luận cháu bị rối nhiễu tâm trí do căng thẳng mà nguyên nhân mắc bệnh chính là từ bố mẹ quá kỳ vọng vào con mình.

Theo TS. Tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý, nhiều bố mẹ con mới vài ba tuổi đã bắt học tất cả các chương trình của đứa 6-7 tuổi, khiến nó quá tải. Khi dạy con chúng ta phải đánh giá từng tháng tuổi thì học những gì, ngoài ra cũng phải căn cứ vào thể trạng, tâm trí của từng đứa trẻ nữa. Nếu bố mẹ ép con học quá thì chúng sẽ bị rối nhiễu tâm trí rất khó chữa.

Báo VnExpress cho biết, theo thống kê của tiến sĩ Ngô Thanh Hồi, giám đốc một bệnh viện tâm thần ở Hà Nội, gần 20% trẻ dưới 16 tuổi gặp vấn đề sức khỏe tâm thần. Năm 2011 Bệnh viện Tâm thần TP HCM tiếp nhận 25.000 lượt trẻ trong độ tuổi đi học đến khám và điều trị. Năm 2012 tăng lên 28.000 ca, năm 2013 hơn 32.000. Đến 2014 con số này tăng liên tục, bình quân mỗi tuần từ 600 đến 700 ca với nhiều biểu hiện tâm thần khác nhau.

Bố mẹ bận việc, trẻ lấy tivi làm bạn. Ảnh: Trí thức trẻ

Lý giải tình trạng trẻ học càng nhiều kết quả càng tệ, thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh ví căn bệnh các em đang gặp phải chính là chứng “táo bón kiến thức” thường gặp khi học thêm quá nhiều. Vì sức ép từ bố mẹ, trẻ phải nhồi nhét kiến thức liên tục mà không có thời gian "tiêu hóa". Việc thọ giáo quá nhiều chiêu thức của các sư phụ cũng khiến các em bị "tẩu hỏa nhập ma", rối trí.

Để giải quyết vấn nạn trên, theo các thành viên của nhóm Quan tâm giáo dục gồm những giáo chức có học vị, không có cách nào khác ngoài phương án giảm tải việc học. Cần dạy trẻ cách học hiểu thay vì ghi nhớ. Có như vậy mới giúp các em thoát được sức ép, tránh những kết cục đau lòng như trường hợp cách đây vài năm, một học sinh đã bị tâm thần ngay sau khi kết thúc môn thi đại học đầu tiên. Lý do đơn giản là vì 'Câu hỏi đó quen lắm mà không nhớ cách giải. Không làm được câu đó em không sống nổi với sự trách mắng của mẹ'".

Theo báo Hoa học trò, bố mẹ không nên đặt quá nhiều kỳ vọng hay áp lực lên con cái, quan tâm nhiều hơn đến phương pháp học tập cũng như sức khỏe của con, khi thấy con có dấu hiệu lạ (giấc ngủ lâu hoặc ít ngủ, cáu giận, bực bội, không chịu vệ sinh tắm rửa, ăn uống thì thất thường…) thì cần theo dõi sát sao rồi đưa đi kiểm tra sức khỏe sớm. Các thầy cô, nếu hằng ngày thấy học sinh, sinh viên của mình có biểu hiện bất thường thì cũng phải thông báo ngay cho phụ huynh để cùng nhau phối hợp tìm hiểu, đề ra một chế độ học hành hợp lý và ít áp lực hơn.

Khánh Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

>> Video đang được xem nhiều nhất:

[mecloud]KPvss5brXt[/mecloud]