Dòng sự kiện:

Thương tâm: Tiếng khóc của em bé trên lưng thi thể mẹ chết đuối

16:14 16/07/2015
Lúc đó, thấy phụ nữ kia nằm sấp trên mặt nước, toàn thân tôi lạnh toát, người sững lại vì thấy thương cho hai mẹ con. Phát hiện thấy cháu bé vẫn còn sống nên tui mới vội vã cùng hàng xóm đưa cháu bé kia vào bờ.

Ngày 26/6, khi đi tìm ốc tại lòng hồ Kinh Môn, chị Hồ Thị Niên (mẹ bé Hân) không may bị chết đuối. Một số người đi chài lưới phát hiện thi thể chị nổi trên mặt nước, trên lưng vẫn địu một đứa trẻ khoảng hơn 2 tuổi.

Bé Hân trong tay chị cả. Mẹ đã mất nửa tháng rồi nhưng em vẫn chưa quen ngủ một mình nên vẫn khóc đòi mẹ.

 

Ngay lập tức, mọi người đã cởi tấm vải buộc chéo trên người chị Niên và cứu được bé Hân khi đó chỉ còn thở được từng hơi yếu ớt, người tím tái. Thi thể người phụ nữ được đưa vào bờ và sau đó được xác định là chị Hồ Thị Niên (38 tuổi, trú tại bản Ba De, xã Linh Thượng, huyện Gio Linh). Cháu bé được địu trên lưng là con gái út của chị.

Nửa tháng đã qua, trong ngôi nhà của người mẹ xấu số, em Hồ Thị Hoành, chị gái Hân cho biết: “Từ ngày mẹ mất, em Hân thường hay khóc và đòi mẹ, dỗ mãi mới chịu nín. Nhiều bữa em không chịu ăn, mà chỉ nằm ngủ mê mệt trên giường”.

Có lẽ, những ngày tháng lớn lên trên lưng mẹ, đi hết nơi này sang nơi khác đã làm cho cháu Hân quen với cảm giác được ẵm, bồng. Nay mẹ đột ngột ra đi đã tạo ra sự hụt hẫng, thiếu thốn tình thương của mẹ.

Chị Nên mất để lại 6 con thơ dại. Hoành, con lớn nhất của chị mới học đến lớp 9. Nhà lại đông con nên Hoành phải nghỉ học để ở nhà theo cha lên rẫy cạo mủ cao su thuê. "Vì vậy, các em phải tự chăm sóc lẫn nhau. Mẹ em hôm thì đưa Hân lên rẫy, hôm thì đi mò cua, bắt ốc, không may hôm ấy lại gặp nạn”.

Người đã cứu cháu Hân khỏi bàn tay “thần chết” là ông Nguyễn Văn Sỏ (trú tại thôn Tiến Kim, xã Gio Bình, huyện Gio Linh). Nhiều năm nay, vợ chồng ông Sỏ thường xuyên ra hồ Kinh Môn thả lưới kiếm sống nên ông rất thông thuộc địa hình khu vực này.

Chị Nên mất để lại 6 con nheo nhóc.

Ông Sỏ kể lại: “Khoảng hơn 3h sáng ngày 26/6, tui ra hồ Kinh Môn để gom lưới như mọi lần. Khi đang dong ghe ra giữa hồ thì nghe tiếng động lạ. Tui vội quay lại nghe ngóng thì phát hiện một người phụ nữ ngoài 30 tuổi, địu con trên lưng rồi bước ra từ trong bụi. Tui cất tiếng hỏi thì người phụ nữ ấy trả lời rằng đang đi bắt ốc”.

Sau khoảng hơn một giờ, ông Sỏ quay về nhà để ngủ tiếp. Tuy nhiên, vừa đặt lưng xuống giường thì một người hàng xóm chạy vào thông báo là có người chết đuối trên hồ. Ông vùng dậy chạy theo ra hồ, chèo ghe theo hướng người kia chỉ dẫn. Đến cách bờ khoảng hơn trăm mét, ông bỗng nghe tiếng khóc yếu ớt của một đứa trẻ.

“Lúc đó, thấy phụ nữ kia nằm sấp trên mặt nước, toàn thân tôi lạnh toát, người sững lại vì thấy thương cho hai mẹ con. Phát hiện thấy cháu bé vẫn còn sống nên tui mới vội vã cùng hàng xóm đưa cháu bé kia vào bờ, còn người mẹ thì không may đã chết từ lúc nào không hay” – kể đến đây, giọng ông Sỏ bỗng trầm lại.

Trong quan niệm của nhiều người làm nghề chài lưới, họ rất kỵ việc cứu người chết đuối. Bởi nhiều người nghĩ rằng, cứu người chết thì người cứu sẽ phải thế mạng. Hồ Kinh Môn nơi chị Niên gục chết cũng đã từng xảy ra nhiều vụ đuối nước, nhiều người đã chết ở đây. Tuy nhiên, ông Sỏ đã mạnh mẽ vượt qua “lời nguyền” mang đậm yếu tố dị đoan ấy và sẵn sàng cứu người trong cơn hoạn nạn.

Các con trước di ảnh của mẹ.

Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đến việc cứu người là quan trọng nhất, bởi chỉ chậm chút nữa thôi thì cháu bé kia sẽ không chịu nổi cái đói, cái lạnh sau chừng ấy thời gian được mẹ mẹ địu theo, ngâm mình dưới nước. Mẹ em không may đã chết, nếu mình phát hiện mà không cứu kịp thời thì thấy thật là tàn nhẫn”, ông Sỏ nói.

Sau khi đưa được cháu bé vào bờ, ông Sỏ bế cháu bé về nhà, gọi vợ dậy khuấy nước gừng và lấy sữa cho uống. Khoảng ít lâu thì đứa bé tỉnh lại. Còn thi thể của chị Niên cũng được ông và mọi người đưa lên bờ và báo cơ quan chức năng tại địa phương.

Theo lãnh đạo UBND xã Linh Thượng, gia đình anh Hồ Văn Qúy (chồng chị Niên) thuộc diện nghèo của xã. Chị Niên phát bệnh tâm thần từ mấy năm nay. Hiện gia đình đang gặp rất nhiều khó khăn. Mọi sinh hoạt phụ thuộc vào anh Quý, nhưng anh này không có việc làm ổn định, nên thu nhập bấp bênh.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Anh Hồ Văn Quý (bố cháu Hân), bản Ba De, xã Linh Thượng, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị

Điện thoại của anh Hồ Văn Hường (anh em với anh Quý): 0975.321.207

TRƯỜNG GIANG (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin