Dòng sự kiện:

Tìm ra 3 học sinh Việt liên quan đến trang Facebook mạo danh IS

17:40 03/12/2015
Bộ Công an vừa thông báo kết quả điều tra truy tìm 3 học sinh sử dụng mạng xã hội Facebook, mạo danh thành viên tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS).

 

 

 

 [mecloud]cTiZpwiNGJ[/mecloud]

Theo tin tức từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, ngày 2/12, cơ quan chức năng của Bộ Công an đã có thông báo kết quả điều tra về trang Facebook mạo danh thành viên tổ chức khủng bố Nhà nước hồi giáo tự xưng (IS) để đe doạ, kích động khủng bố.

Cả 3 người này được xác định đều là học sinh và ở độ tuổi 13, 14 tuổi.

Trang web mạo danh thành viên IS làm nhiều người Việt Nam lo ngại. (Ảnh chụp lại màn hình).

Cụ thể, từ ngày 17 đến ngày 27/11, theo chỉ đạo của Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; Cục An ninh mạng đã phối hợp với Công an các tỉnh Bình Định, Đắk Lắk và Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành xác minh, truy tìm đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook, mạo danh thành viên tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) để đe dọa, kích động khủng bố.

Qua điều tra, đã làm rõ đối tượng là 3 học sinh của các trường Trung học cơ sở Võ Xán, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định; trường Trung học cơ sở Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk và trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

3 học sinh này đã trực tiếp thực hiện hành vi chiếm dụng trái phép tài khoản facebook “Timz Zhunusov”, thay đổi ảnh đại diện (avatar) bằng hình ảnh một thành viên IS và đăng nội dung kích động, đe dọa tấn công khủng bố bằng tiếng Ả Rập (sử dụng Google Translate để dịch từ tiếng Việt).

Hành vi của 3 học sinh đã vi phạm pháp luật nhưng do các học sinh ở lứa tuổi từ 13 đến 14 tuổi, nhận thức hạn chế, khai báo thành khẩn, thừa nhận sai phạm, ăn năn, hối hận và cam kết không tái phạm nên Bộ Công an đã giao Chính quyền địa phương, gia đình và Nhà trường có biện pháp quản lý, giáo dục.

Nói về việc làm này, trao đổi trên báo Thanh niên, Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam, cho rằng khâu quản lý lỏng lẻo đã góp phần sinh ra tình trạng bạn trẻ lên mạng phát ngôn bừa bãi.

“Việc không có một bộ quy tắc ứng xử cũng như quy định chặt chẽ về các phát ngôn trên các trang mạng xã hội là điều kiện thuận lợi cho những ‘anh hùng bàn phím’ tự do ‘bình loạn’. Không loại trừ khả năng thích ‘làm nổi”, ‘chơi trội’ và ‘té nước theo mưa’. Trong trường hợp này là nhằm thoả mãn nhu cầu tự khẳng định và mong muốn được nhiều người biết đến”, thạc sĩ Đào Lê Hòa An nói.

Cũng theo ông Lê Hòa An: "Việc đụng chạm đến tín ngưỡng và niềm tin tôn giáo luôn là điều cấm kị trong giao tiếp ứng xử. Thực tế cho thấy đã có nhiều hậu quả không hay khi niềm tin tôn giáo bị xúc phạm, nó không đơn thuần là mâu thuẫn giữa cá nhân với cá nhân mà là cả một cộng đồng. Vì vậy, cần nghĩ suy thật cặn kẽ, thấu tình đạt lý trước khi đăng tải bất cứ điều gì trên mạng xã hội", ông Đào Lê Hòa An nói thêm.

Khánh Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

[mecloud]ZZZKwOoGTy[/mecloud]