Dòng sự kiện:

Tranh cãi bản dịch "Nam quốc sơn hà" trong sách Văn

14:00 10/11/2015
Bản dịch bài thơ "Nam quốc sơn hà" trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 tập I, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khiến một số người băn khoăn, tranh cãi.
 [mecloud]riLxtas7s8[/mecloud]

"Nam quốc sơn hà" - bài thơ vốn được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam với những câu thơ quen thuộc nay đã được dịch khác đi.

Bài thơ: “Nam quốc sơn hà" ("Sông núi nước Nam”) từng được dịch là:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.


Bản dịch bài Sông núi nước Nam được in trong SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1 của NXBGDVN.

Ở trang 62 sách Ngữ văn lớp 7 tập I, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) sử dụng bản dịch:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.

Như vậy, từ 4 câu thơ quen thuộc với hàng triệu học sinh, phụ huynh nay đã được “cải biên” 3 câu thơ sau so với bản dịch trước. Theo nhận định của nhiều phụ huynh, bản dịch sau trúc trắc, khó đọc và không hay như bản cũ.

Thầy Trần Trung Hiếu – giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, không đồng tình với bản dịch mới. Theo thầy Hiếu, tác phẩm này đã quá quen thuộc mà nhiều người đã thuộc từ thuở học sinh phổ thông.

“Dù ý nghĩa không thay đổi so với bản dịch lâu nay nhưng bản dịch mới sẽ xa lạ và phức tạp về ngôn từ tiếng Việt”, thầy Hiếu nhận định.

Cô giáo Nguyễn Phương – giáo viên dạy Ngữ văn lớp 7 tại Hà Nội - chia sẻ: Có nhiều cách tiếp cận một tác phẩm văn học. Tuy nhiên, đọc bản mới Sông núi nước Nam thấy trúc trắc, khiến học sinh khó tiếp thu. Trong khi đó, bản dịch cũ đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân Việt.

“Tôi nghiêng về ý kiến ủng hộ văn bản cũ. Khi tôi tham khảo ý kiến nhiều người, họ cũng nhận định rõ ràng văn bản cũ hay hơn, mặc dù ý nghĩa của bài thơ không thay đổi”, nữ giáo viên nói.

Theo giáo sư sử học Dương Trung Quốc, một bản gốc tiếng hán có thể dịch ra nhiều bản tiếng nôm là chuyện bình thường, quan trọng là tìm ra bản hay hơn.

"Cá nhân tôi thấy bản dịch nào đã đi vào nhận thức của mọi người thì không nên thay đổi. Nếu dịch lại phải dựa trên một chuẩn nhất định và giải thích tại sao thay đổi", ông Quốc nói.

Bình luận về bản dịch bài thơ "Sông núi nước Nam" đang gây tranh luận, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng các bản dịch hoàn toàn có quyền thay đổi câu chữ nhưng phải giữ nguyên nội dung ý nghĩa. Trong khi đó, bản dịch cũ bài thơ “Sông núi nước Nam” trong sách giáo khoa trước đây cũng chỉ là một bản dịch chứ không phải nguyên mẫu.

“Vấn đề là hầu hết các phụ huynh học và đã thuộc bản dịch cũ nên quen thuộc. Bản dịch mới không có lỗi gì”, TS Vũ Thu Hương phân tích.

Đánh giá trên quan điểm cá nhân, TS Hương cho rằng bản dịch cũ bài thơ “Sông núi nước Nam” đạt giá trị ở 2 câu đầu nhưng cách dịch 2 câu cuối lại chưa tải hết được ý đẹp của câu thơ.

Vì vậy, vị chuyên gia giáo dục này cho rằng các em học sinh nên được tiếp cận nhiều bản dịch khác nhau của bài thơ “Sông núi nước Nam” để có thể tự cảm nhận bài thơ một cách chính xác nhất.

“Tôi kiến nghị các tác giả sách giáo khoa nên đưa vào nhiều bản dịch hơn nữa của một bài thơ chữ Hán để các em học sinh có cái nhìn đa chiều hơn về mọi vấn đề”, TS Hương nói.

Lam Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

>> Mời quý độc giả xem thêm video đang hot trên Yêu Trẻ Thơ:

[mecloud]CdaiNcqVhh[/mecloud]