Trẻ bị bạo hành: Thương tổn tâm lý có thể tồn tại vĩnh viễn
Nhiều cư dân mạng sau khi xem đoạn clip "Bé Ngọc Anh bị mẹ nuôi buộc hai tay lên xà nhà vì ăn trộm sữa" ở Vĩnh Phúc đã tỏ ra vô cùng bất bình, thậm chí phẫn nộ trước hành động tàn nhẫn của người mẹ nuôi, chỉ vì đứa trẻ ăn cắp một hộp sữa để uống. Điều này thật quá đáng và thiếu tình người.
Bé Ngọc Anh bị mẹ nuôi treo lên xà nhà. Ảnh từ clip.
Thật xót xa thay! Rồi những vết hằn đau thấu xương ấy cũng sẽ lành lặn trên da cô bé, những giọt nước mắt sợ hãi của một đứa trẻ ngây thơ sẽ ngừng rơi, thân thể bé nhỏ, bị ngược đãi nhiều lần sẽ bình yên hơn khi họ hàng bé đón bé về nơi “chôn nhau cắt rốn” nhưng không ai chắc rằng “vết thương tâm hồn” nơi bé Ngọc Anh sẽ lại lành lặn như ban đầu, cái chốn đáng sợ, cái xà nhà treo mình ngày kia sẽ ngủ yên hay lại kéo đến làm bé sợ hãi mỗi lần nghĩ về, mỗi đêm trong giấc ngủ?
Thực tế, trong công tác tư vấn và hỗ trợ tâm lý nhiều năm qua, chúng tôi gặp không ít thân chủ vì sợ hãi, vì ám ảnh quá khứ bạo hành mà tiều tụy, luôn hoảng sợ và gần như bất ổn hoàn toàn trong một thời gian dài, hệ lụy kéo theo trong suốt cả đời sống cá nhân, xáo trộn gần như mọi thứ trong cuộc sống vốn yên bình của mình trước đó.
Chúng ta phải thừa nhận rằng, trong các vụ bạo hành, đặc biệt là những trường hợp nghiêm trọng, nỗi đau thân xác là nỗi đau thứ yếu, nỗi đau nặng nề chi phối bất kì một đứa trẻ bị bạo hành nào lại chính là nỗi sợ hãi, là sự ám ảnh luôn thường trực trong tinh thần. Hay nói khác đi, đó là những thương tổn tâm lý có khả năng tồn tại vĩnh viễn.
Một đứa trẻ, nhất là trẻ nhỏ, bị bạo hành bởi bất kì ai, sau những trận bạo hành có thể sẽ chẳng có nổi giấc ngủ ngon, các khó khăn về mặt tâm lý không mời cũng có thể tự đến như: ám ảnh sợ, trầm cảm, rối loạn hành vi, tưởng tượng tiêu cực, mặc cảm, khép mình, ngại giao tiếp xã hội, cảm giác bất an… Tất cả sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành, phát triển nhân cách và nhiều mặt trong đời sống cá nhân của trẻ sau này.
Và một đứa trẻ bị bạo hành bởi chính người nuôi dưỡng như Ngọc Anh càng có nguy cơ gặp khó khăn lớn hơn trong tương lai. Bởi trong quan niệm của mỗi người nói chung, mỗi đứa trẻ nói riêng, người nuôi dưỡng chính là người gần gũi, thân thuộc và đáng tin cậy nhất nhưng niềm tin ấy một khi bị sụp đổ thì việc hàn gắn sẽ khó khăn vô cùng!
Cảm giác thiếu niềm tin và mất an toàn ấy của Ngọc Anh dễ dàng di chuyển sang bất kì một người nào khác có hành vi, lời nói, ngoại hình như mẹ nuôi của mình, những người xung quanh dễ có nguy cơ “trở nên đáng sợ hơn” với bé, từ đó sự thiết lập các mối quan hệ, giao tiếp xã hội sau này không thể không gặp trở ngại, thậm chí vì điều này bé có thể tự cô lập chính mình trong một vỏ ốc, một vòng tròn tự tạo mà không phải ai cũng có thể kéo bé ra hay phá vỡ vòng tròn ấy được trong khi ngoài kia là thế giới rộng lớn cần bé bước ra để khám phá.
Một đứa trẻ bị bạo hành thông thường dễ cảm thấy mình có “hình ảnh bản thân rất thấp”. Khoảng thời gian 5 - 6 năm đầu đời là thời gian trẻ được học tập mọi thứ từ thế giới xung quanh, trong đó có cả cách người khác nhìn nhận, yêu thương và đối xử với trẻ.
Chính sự nhìn nhận, cách người lớn yêu thương, đối xử giúp trẻ hình thành được một hình ảnh lành mạnh về chính mình. Hình phạt đối với trẻ nhỏ khi trẻ làm sai là cần thiết nhưng hình phạt cần được cân nhắc ở mức răn đe nhẹ nhàng, cảnh cáo phù hợp, “đúng người đúng tội” có phân tích, giải thích và định lượng khoa học về thời gian, mức độ phạt… với mục đích để trẻ sửa chữa tốt hơn chứ không phải để sự trẻ sợ hãi hay tổn thương.
Nếu trách phạt không khéo trẻ dễ lầm tưởng và cảm nhận trẻ luôn có lỗi, luôn sai, không đủ tốt và không đáng được mọi người yêu thương. Kèm theo đó, xu hướng tự dằn vặt, tự ngược đãi bản thân cũng là điều tất yếu như là một di chứng của tuổi thơ bị bạo hành. Điều này hết sức tai hại.
Khi người lớn ý thức được những điều này mới càng cảm thương và lo lắng thay cho những cô bé, cậu bé bị bạo hành nghiêm trọng như Ngọc Anh. Điều mà bất kì ai cũng cần làm để đẩy lùi tệ nạn này chắc chắn không gì hay hơn là nói không với bạo lực, bạo hành trẻ em, lên tiếng mạnh mẽ khi phát hiện các trường hợp bị bạo hành và dang tay ôm ấp những đứa trẻ kém may mắn trên cơ sở phối hợp với gia đình, nhà trường và các nhà chuyên môn tâm lý, giáo dục để tìm ra giải pháp ngăn chặn và chữa lành phù hợp cho các cá nhân đã bị bạo hành.
Trên hết là hãy yêu thương và luôn luôn quan tâm đến con em chúng ta nhiều nhất có thể là liệu pháp quan trọng để bảo vệ trẻ.
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Phương Thảo Vy
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Lao động Việt ở Ả Rập Xê Út tố bị bóc lột, bạo hành
- Bé gái 13 tuổi ở Hải Phòng bỏ nhà đi vì bị bố mẹ bạo hành
- Có một thứ bạo hành đáng sợ - 'Bạo hành cảm xúc' trẻ
- Đình chỉ điểm giữ trẻ tự phát có bảo mẫu bạo hành trẻ trong giờ ăn
- 'Chiêu' bảo vệ con không bị bạo hành khi đi nhà trẻ
- Cha mẹ chọn sai trường mầm non có thể vô tình đẩy con vào 'vòng bạo hành'
- Bật xi nhan nhưng không rẽ, xi nhan nhầm hướng có bị phạt không?
- 12 trường hợp dù đi đúng tuyến vẫn không được hưởng BHYT, 5 trường hợp trái tuyến lại được chi trả 100%
- Ngành học "khó nhằn" nhưng không sợ thất nghiệp: Lương có thể tới 40 triệu đồng/tháng
- Năm học 2022-2023: Học phí tại Hà Nội có thể tăng gấp đôi
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua