Dòng sự kiện:

Trẻ bị xâm hại tình dục có thể tự sát sau nhiều năm

Phu Nu Online
09:00 10/04/2017
Tại Việt Nam, trong ba năm gần đây, trung bình mỗi năm có hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em được ghi nhận, cứ tám giờ lại có thêm một trẻ bị XHTD.

Làm sao giúp trẻ nhận diện kẻ xấu, tự bảo vệ mình? Phụ huynh cần trang bị gì cho mình và cho con để tránh những tình huống đáng tiếc?

“Hội chứng người ngủ” là gì?

XHTD trẻ em không chỉ giới hạn vào các tiếp xúc cơ thể mà còn bao gồm cả những hành vi không tiếp xúc, như: khoe bộ phận sinh dục cho trẻ thấy, kể cho trẻ nghe về tình dục, cho xem phim, truyện khiêu dâm, tìm cách hướng dẫn, kích thích tình dục trẻ, rình xem trộm hoặc sử dụng hình ảnh khiêu dâm trẻ em… Nhiều người thắc mắc: “Với những hình thức XHTD này, trẻ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?”.

Bác sĩ (BS) CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê - Chủ tịch Hội đồng Nhi khoa, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, cảnh báo: "Bất kỳ hình thức XHTD nào cũng đều gây ảnh hưởng xấu cho trẻ. Có nhiều phương thức như đụng chạm hoặc không đụng chạm, như dùng lời nói hoặc tranh ảnh khiêu dâm khiến trẻ bị sốc, hưng phấn tình dục, quen với tình dục.

Cho trẻ nghe hay nhìn người khác làm tình; bắt trẻ đứng ngồi theo tư thế gợi dục để chụp ảnh; cho trẻ xem sách báo khiêu dâm. Từ đó, làm cho trẻ dần trở nên tự nguyện quan hệ tình dục".

Hầu hết những kẻ XHTD là nam giới; người quen biết, họ hàng hoặc bạn của gia đình, hàng xóm, hiếm khi là do người lạ. Điều này có thể diễn ra trong thời gian dài, thậm chí là nhiều năm. Vì thế, xâm hại trẻ dù không đụng chạm vẫn là rất nguy hiểm.

Còn khi trẻ bị XHTD đụng chạm trực tiếp đến bộ phận sinh dục thì dù là bé trai hay gái đều có thể bị tổn thương bộ phận sinh dục hoặc rách trực tràng, âm đạo, nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản và tâm lý lâu dài sau này.

Nguy hiểm hơn, đã có nhiều trường hợp trẻ bị XHTD nhưng sau đó không hề có biểu hiện gì, vẫn đi học sinh hoạt bình thường, rồi đột nhiên tự tử. “Đây là hiệu ứng người ngủ (Sleeper Effects). Lúc ban đầu bình thường nhưng sau đó nhiều năm thì các triệu chứng bộc phát, có thể dẫn đến tự tử.

Một số trường hợp trẻ bị XHTD, ảnh hưởng ngắn hạn xuất hiện trong hai năm đầu tiên, tùy thuộc vào hoàn cảnh cũng như tuổi của trẻ khi bị XHTD. Tuy nhiên, ảnh hưởng có thể kéo dài nhiều năm sau cho đến tuổi trưởng thành với những biểu hiện thành bệnh trầm cảm; tự hủy hoại cơ thể; nghiện rượu, nghiện ma túy; gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống tình dục sau này”, BS Lê phân tích.

Cha mẹ hãy dạy trẻ cách tự bảo vệ mình, tránh bị xâm hại tình dục (Ảnh minh họa)

Che giấu, thủ dâm

Làm sao để các em chịu chia sẻ? Bà Nguyễn Yên Thảo - Chi hội trưởng Chi hội Khoa học tâm lý - giáo dục Nhịp Cầu Hạnh Phúc, cho rằng: “Nhiều phụ huynh không lắng nghe con, thường quát con “im đi” mỗi khi trẻ lên tiếng nên khi có chuyện gì, trẻ cũng ngại chia sẻ. Mối tương quan của em với người thân trong gia đình rất quan trọng.

Phụ huynh phải tạo được lòng tin cho con, hãy tôn trọng, lắng nghe các em, phân tích cho con những hành vi nào là đùa hay có ý đồ; xem mối tương quan để đề phòng. Nếu thấy trẻ có những hành vi bất thường, như: chui dưới gầm bàn, trốn vào góc tối... cần tìm hiểu và đưa trẻ đến gặp BS tâm lý, vì đã có trẻ cùng quẫn đến tự sát”.

Mặt khác, có những trẻ sau khi bị XHTD lại có xu hướng thích thủ dâm, sờ soạng bộ phận sinh dục. BS Hạnh Lê lý giải: “Tình trạng này là rối loạn về hành vi và tâm thần ngắn hạn hoặc dài hạn sau khi bị XHTD (có hành vi tình dục không đúng mực).

Nếu không được hỗ trợ, những đứa trẻ này có thể trở thành kẻ đi XHTD khi chúng lớn lên, gây ảnh hưởng tới cộng đồng. Cần nâng đỡ trẻ bằng tình cảm của gia đình, bạn bè; giúp trẻ hiểu rõ giá trị của bản thân; giúp trẻ loại bỏ mặc cảm tội lỗi và nên đưa trẻ đến BS tâm lý để điều trị”.

Các báo độngvà quy luật bàn tay

Theo BS Hạnh Lê, phụ huynh cần giúp con hiểu rằng một số bộ phận của cơ thể là những phần đặc biệt kín, chỉ thuộc về mình con. Dạy từ lúc trẻ 3-5 tuổi cách phân biệt sự khác nhau về cơ thể con trai, con gái… những bộ phận này không ai được phép đụng tới. Và trẻ cũng không nên sờ vào những bộ phận kín đáo của người lớn ngay khi người ta yêu cầu trẻ làm như vậy.

Hãy giải thích rằng nếu một ai đó đề nghị trẻ xem những bộ phận kín hoặc xem các tranh ảnh về những bộ phận kín là sai trái. Dạy trẻ biết nói “không” trước những hành vi sàm sỡ và hét to để yêu cầu sự giúp đỡ. Trẻ cũng có thể cắn hoặc đánh lại khi cần. Hãy sử dụng búp bê hoặc chơi trò đóng kịch để chỉ cho trẻ thấy bạn đang muốn nói điều gì.

Giúp trẻ hiểu rằng không phải lúc nào cũng phải nghe theo lời người lớn hơn. Khi trẻ đã học được cách nói “không”, phụ huynh có thể tạo ra các tình huống mà trẻ không phải nghe lời người lớn. Dạy trẻ biết cần nhờ sự giúp đỡ ở đâu, cần có ít nhất ba người mà trẻ có thể đến nói những vấn đề mà chúng gặp phải.

Hãy khuyến khích con bạn kể cho bạn hoặc một người lớn khác ngay khi ai đó làm điều gì mà trẻ cảm thấy khó chịu. Đó có thể là mẹ hoặc bố, chị gái hoặc anh trai, cô, dì, hàng xóm của trẻ hoặc bất kỳ người nào mà cả bạn và con bạn tin tưởng.

“Dạy trẻ biết rằng không ai được quyền đụng chạm vào “chỗ riêng tư” của trẻ, biết hành vi XHTD là phạm pháp, trẻ có quyền tự vệ và được bảo vệ. Dạy cho trẻ biết thân thể là “tài sản riêng” của mình và biết nhận diện năm báo động: nhìn - nói - chạm - ôm - bắt cóc. Cha mẹ nên gần gũi và nói chuyện tế nhị với con, khuyến khích con đặt câu hỏi về những vấn đề sâu kín”, BS Lê nhấn mạnh.

Bà Yên Thảo tư vấn thêm: dạy con hiểu vùng riêng tư gồm: ngực, tam giác giữa hai chân (dương vật - âm vật, gọi đúng tên), mông (một số vùng nhạy cảm khác là miệng, vùng đùi trong) và ba bước cảnh báo, gồm: cảnh báo nhìn (người khác nhìn chằm chằm vào vùng riêng tư của con hoặc yêu cầu con nhìn vùng riêng tư của họ, người khác cho con xem những phim ảnh, sách báo có hình ảnh vùng riêng tư khiến con xấu hổ).

Cảnh báo nói/nghe (người khác nói về vùng riêng tư với con, thường là nói nhỏ vào tai hoặc hỏi con những điều thầm kín về vùng riêng tư của con khiến con xấu hổ). Cảnh báo chạm (người khác đụng chạm vào vùng riêng tư của con hoặc muốn con đụng chạm vùng riêng tư của họ bằng bất cứ bộ phận nào trên cơ thể).

Nguồn: Gia đình Việt Nam