Dòng sự kiện:

Trẻ biết yêu sớm, cha mẹ nên làm gì?

17:43 23/06/2015
“Ở lớp con có bạn A xinh lắm, con rất yêu bạn ý. Có lần con còn hôn bạn ý nữa”.

Nếu có một ngày bạn được con tin tưởng và chia sẻ câu chuyện bí mật “nhất cuộc đời” của con về người mà con thích ở trường lớp hay cô bạn hàng xóm. Bạn đừng vội lo lắng và cho rằng con đã “biết yêu” quá sớm. Đặc biệt bạn không nên nạt lại con bằng những câu nói: “Mẹ cấm con không được yêu bạn đó” hay “Mới con nít 3 tuổi đầu đã yêu” hoặc “dạy dỗ” bé bằng những đòn roi “nhớ đời”. Bởi những câu nói, biện pháp đó không những khiến tình cảm mẹ con bị “sứt mẻ” mà càng thôi thúc trong lòng bé ý muốn cưỡng lại lời mẹ nói. Tâm lý trẻ con là như thế.

Bạn phải hiểu rằng, đối với trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học, yêu - thích bạn khác giới là việc bé phát triển hoàn toàn "bình thường”. Với trẻ lúc này, nhìn thấy bạn xinh xắn, mặc đồ màu sắc đẹp, sạch sẽ, hay thấy bạn tốt với mình,… là đã có thể “yêu” rồi. Chỉ có điều, định nghĩa từ “yêu” của con hoàn toàn khác xa với khái niệm “yêu” của người lớn. Đơn giản là con cảm nhận non nớt điều đó giống như yêu-ghét, thích-không mà thôi.


Hãy lắng nghe và khuyên bảo thay vì cấm đoán con yêu sớm

Đặc biệt, đối với con trẻ, những thói quen, hành động của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến chúng, vì thế đa phần tính cách, nhân sinh quan của trẻ sẽ bắt đầu hình thành trong suốt quá trình này và định hình rõ ràng khi lớn lên. Khi trẻ được sống trong một gia đình hạnh phúc, thấy bố mẹ, ông bà hay yêu thương, chăm sóc nhau, trẻ sẽ học hỏi và sớm biết quan tâm, thể hiện tình cảm với người khác. Ngược lại, khi tính khí bố hung hăng, mẹ hay quát mắng, ít thể hiện sự yêu thương, trẻ cũng sẽ có xu hướng sống ích kỷ, nóng nảy hơn trẻ khác.

Ngoài ra, biểu hiện này của trẻ cũng là một dấu hiệu của tính cách - có những trẻ đa cảm, thích kết bạn, cũng có trẻ hướng nội, khép kín, rụt rẻ hơn... Chúng ta nên ghi nhận, quan sát để có những biện pháp giáo dục thích hợp với trẻ.

Vậy, cha mẹ nên làm gì khi con thổ lộ “chuyện tình cảm” riêng tư của chúng?

Cha mẹ phải cảm thấy vui và may mắn nếu như con mình mạnh dạn chia sẻ những điều như thế với mình. Điều đó có nghĩa là bé tin tưởng và coi cha mẹ là một người mà mình có thể “trút bầu tâm sự”. Việc làm này của trẻ sẽ khiến chúng ta hiểu được những gì con đang suy nghĩ và có những định hướng rõ ràng cho con. Tránh trường hợp quá khắt khe và không hiểu con, con sẽ không tin tưởng và chia sẻ bất kì điều gì với cha mẹ.

Thông thường người lớn hay "suy bụng ta ra bụng trẻ con" để cho rằng chuyện “yêu đương” của trẻ con cũng "vớ vẩn" giống như người lớn, trong khi đó chỉ là chuyện quan tâm đến cái "dễ thương" cái đẹp giống như quan tâm đến một con búp bê. Từ sự suy diễn đó, những người lớn trong nhà rất hay chọc ghẹo trẻ. Chính việc chọc ghẹo, sẽ làm cho trẻ "ghi vào bộ nhớ" và sau này khi thực sự biết yêu là gì trẻ sẽ không muốn "khoe" những tình cảm, tâm sự của mình ra nữa.

Ngoài tình huống coi chuyện trẻ nói là tức cười để chọc ghẹo trẻ, thì nhiều cha mẹ lại tỏ ra hốt hoảng, lo lắng nên vội vàng ngăm cấm, la mắng trẻ. Điều này vô hình chung làm cho trẻ sợ hãi. Trẻ chưa biết yêu là gì, chưa hiểu hết những cảm xúc của mình nhưng đã bị la mắng. Và trẻ biết rằng bị la mắng nghĩa là mình đã làm sai, làm điều không đúng. Như vậy, dần dần trẻ sẽ trở nên thiếu tự tin, hoang mang với chính cảm xúc của mình, sợ hãi với người lớn nên càng giấu kín… điều đó rất nguy hiểm, có thể làm trẻ suy nghĩ lệch lạc.

Ta không ngăn cản, trêu chọc, cấm đoán hay khuyến khích, khen ngợi mà nên dựa vào đó giúp trẻ có những hiểu biết tốt đẹp hơn về tình bạn và cũng có thể xem đó là cách động viên để trẻ trở nên tốt và ngoan hơn.

Sự gần gũi, thường xuyên trò chuyện của cha mẹ sẽ giúp trẻ cởi mở, chia sẻ nhiều hơn, từ đó cha mẹ cũng có những định hướng dạy dỗ con dần dần để hướng tới những điều đúng đắn.

Theo chuyên gia Phan Bích Thủy (chuyên gia về Đào tạo và Dịch vụ Sức khỏe Sinh sản, Tổ chức Concept Foundation), khi con “tâm sự chuyện yêu”, cha mẹ hãy nói chuyện với con thật thoải mái. “Bản thân tôi là người rất thích nói chuyện đùa cùng con, khi con gái tôi đến tuổi yêu, tôi thường hỏi con ‘Có cậu bạn nào trong lớp vướng vào lưới của con chưa?’. Và khi thấy tôi nói chuyện thoải mái như vậy, con cũng tâm sự với tôi rất dễ dàng. Đây cũng chính là thời điểm chúng ta nói cho biết về cái hay, cái dở, cái được, cái mất khi con yêu tuổi học trò”, chuyên gia Thủy cho biết.

VŨ NGA (Tổng hợp)/theo ĐSPL