Dòng sự kiện:

Trẻ con tử tế, nhân ái từ bản năng nhưng vì sao lớn lên ích kỷ?

16:45 13/11/2015
Chúng ta thường nghĩ trẻ con “ích kỷ” khi chúng không thích người khác lấy đồ của mình hay thấy người lớn yêu đứa trẻ khác hơn mình... Thế nhưng khoa học lại chỉ ra rằng trẻ tử tế, nhân ái hơn người lớn rất nhiều.

[mecloud]Zk9Il7565Q[/mecloud]

Một lần Caroline Williams (nhà báo của BBC) dẫn cậu con trai đến rạp hát xem chương trình làm về Bắc Cực với những bông tuyết được dựng từ giấy xé nhỏ, diễn viên mặc bộ trang phục chú gấu và lăn lộn trên sân khấu.

Chương trình thì không có gì đặc biệt. Nhưng điều ngạc nhiên xảy ra sau khi chương trình kết thúc. Khi diễn viên rời sân khấu và mọi người lục tục dọn đồ đi về thì một người phụ nữ mang lên sân khấu một cái hộp và để đó. Vài giây sau, những đứa trẻ trong khán phòng chạy ào lên, nhặt những mẩu giấy tuyết và cho vào trong hộp.

 

Không có bất kỳ người lớn nào bảo chúng làm việc đó. Chúng chỉ đơn giản là nhặt giấy và cho vào hộp. Cảnh tượng này khiến rất nhiều bậc phụ huynh ngạc nhiên. Lũ trẻ chỉ hùa theo nhau như một trò chơi hay chỉ đơn giản muốn thể hiện mình là những đứa trẻ ngoan và giúp đỡ được người khác?

Chúng ta thường nghỉ khả năng cuối cùng là ít xảy ra nhất. Bởi ở nhà, chính con bạn còn thường bị la mắng vì không chịu dọn phòng.

Tuy nhiên theo nhà tâm lý học Felix Warneken (đến từ Đại học Harvard), khả năng thứ ba lại lớn hơn cả. Qua việc nghiên cứu “hành vi giúp đỡ” của trẻ nhỏ từ 14 tháng tuổi đến 5 tuổi, ông kết luận rằng: trẻ em có ý thức về sự giúp đỡ hơn bất cứ ai.

“Nhiều người cho rằng người lớn dạy trẻ nhỏ lòng vị tha, bao dung bởi chúng sinh ra vốn “ích kỷ”, nhưng nghiên cứu đã cho thấy câu chuyện không đơn giản như vậy”, Warneken cho biết.

Ông đã từng đặt ra câu hỏi “Nếu vô tình làm rơi thứ gì đó thì liệu các em có trả lại cho tôi không?” Nhiều người đã nói với ông là “không thể nào, chúng sẽ giữ lại”. Nhưng Warneken đã thử và… các em đã giúp ông.

Kể từ đó, ông phát hiện ra rằng những đứa trẻ 14 tháng tuổi sẽ tự động giúp đỡ một người đang gặp khó khăn hay tỏ ra lo lắng thấy rõ, thậm chí cả khi chúng phải dừng lại hoạt động yêu thích đang làm. Những đứa trẻ 2 tuổi sẽ giúp người khác mà không có mục đích gì cả.

Có thể thấy, các em không hề tính toán trong hành vi giúp đỡ của mình. Thí nghiệm với đứa trẻ 20 tháng tuổi nhận được phần thưởng vì đã giúp đỡ người khác cho kết quả không khác gì những em không được phần thưởng. Hay nói cách khác, phần thưởng không khiến các em “tử tế” hơn, mà tự bản thân các em đã có bản năng đó.

Điều này đặt ra câu hỏi: điều gì xảy ra khi chúng ta lớn lên? Có rất nhiều người lớn trong câu chuyện của Caroline Williams, nhưng rõ ràng chẳng ai làm gì cả. Chẳng lẽ lòng vị tha, bao dung, tính giúp đỡ đồng loại giảm sút khi chúng ta trưởng thành? Có vẻ chúng ta mất dần sự quan tâm đến người khác khi lớn lên, nhưng nhà tâm lý học Martin Hoffman ở Đại học New York lại không cho rằng như vậy: Không có bằng chứng cho thấy người lớn ít đồng cảm hơn trẻ nhỏ.

Thay vào đó, dường như khi trưởng thành, chúng ta biết “cách” giúp đỡ người khác theo một quá trình phức tạp hơn. Chúng ta vận động não bộ và thúc đẩy quá trình lựa chọn. Chúng ta hành động theo lý trí và tính toán hành động cần thiết.

Chẳng hạn trong câu chuyện của Caroline Williams, rất có thể người lớn biết rằng có những người được trả lương để dọn sân khấu và không có lý do gì để can thiệp vào chuyện đó.

 

Trẻ nhỏ đã thực sự vị tha và giúp đỡ người khác một cách vô điều kiện trong một khoảng thời gian ngắn trước khi chúng bị buộc phải lớn lên. Sự hồn nhiên ngây thơ luôn là điều đáng quý giá nhất. Áp lực từ kỳ vọng của cha mẹ, từ nhà trường và thầy cô và chính những thói hư tật xấu của người lớn phản chiếu lại sẽ thay đổi điều đó.

Đinh Hương

Nguồn: Gia đình Việt Nam