Dòng sự kiện:

Trẻ dễ tự kỷ và kém thông minh vì nghiện... smartphone

20:50 14/12/2015
Việc cho trẻ liên tục sử dụng smartphone làm cản trở rất nhiều các kỹ năng như tư duy logic, phát triển cảm xúc và hành vi với thế giới xung quanh.

Ngày nay, việc sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng... trong các gia đình là khá phổ biến. Những thiết bị công nghệ hiện đại này không chỉ hỗ trợ cho người lớn mà còn đang được sử dụng như là trò chơi, cách dỗ dành cực hiệu quả đối với trẻ nhỏ. Một em bé đang khóc ngằn ngặt, chẳng cần dỗ dành gì nhiều, bố mẹ chỉ cần bật video trong điện thoại lên là bé có thể nín ngay và chăm chú xem hàng tiếng đồng hồ - quả là tiện lợi và đơn giản.

Thế nhưng, mấy ai biết được những tác hại "giật mình" từ việc lạm dụng công nghệ cho trẻ nhỏ.

Trẻ dễ tự kỷ và kém thông minh vì nghiện... smartphone. Ảnh minh họa

Gọi là máy tính bảng, điện thoại ‘thông minh’ nhưng nếu để trẻ sử dụng quá đà và quá sớm những thiết bị này sẽ khiến trẻ... kém thông minh. Khi con trẻ say đắm chìm trong thế giới của màn hình máy tính, điện thoại thông minh thì việc giao tiếp thực sự ngoài đời thực với bố mẹ và mọi người xung quanh sẽ bị giảm đi. Chính điều này sẽ giảm cơ hội trẻ được phát triển các kĩ năng cần thiết để phát triển não bộ. Một cơ quan não bộ muốn phát triển khỏe mạnh cần phải thường xuyên được tương tác thật với những con người thật chứ không phải với màn hình không cảm xúc.

ThS tâm lý học Đinh Thị Ngọc Oanh – cán bộ Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em N-T Nguyễn Khắc Viện cảnh báo: Trẻ còn rất nhỏ, ham khám phá, thời gian từ 1 -7 tuổi của trẻ phải được tiếp xúc và khám phá môi trường xung quanh. Nếu cứ để trẻ chỉ tiếp xúc với máy, dần dần sẽ khiến trẻ mất khả năng giao tiếp, chậm nói. Đây là một trong những dấu hiệu của bệnh tự kỷ.

Các nhà nghiên cứu tại khoa y Ðại học Boston (Mỹ) cho biết việc sử dụng quá nhiều các thiết bị di động khi còn nhỏ tuổi sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và hành vi của trẻ.

Ngoài ra, theo một nghiên cứu khoa học, trong giai đoạn từ 1-3 tuổi, trẻ càng dành nhiều thời gian bên màn hình máy tính, điện thoại thì càng giảm khả năng tập trung, trí nhớ khi lên 7 tuổi.

Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hà, bậc phụ huynh không nên cho bé tiếp xúc với thiết bị công nghệ, tivi trước 3 tuổi. Để trẻ có thể phát triển một cách hài hòa về thể chất lẫn trí tuệ, cha mẹ cần phải là nhân tố quan trọng nhất để giúp bé hòa nhập với môi trường xung quanh, cho bé tiếp xúc với con người thật, việc thật chứ không đơn thuần là những đồ chơi ảo trên điện thoại, tivi.

[mecloud]Cr2cRNXs18[/mecloud]

Sau 3 tuổi, cha mẹ có thể cho con xem tivi, chơi game trên điện thoại, thiết bị di động song cho con chơi phải có sự kiểm soát của cha mẹ về chương trình, trò chơi nào là hợp lý, trong khoảng thời gian là bao nhiêu…

Phụ huynh nên dành thời gian chơi với bé, kéo bé ra khỏi chỗ ngồi và "cai nghiện" dần dần Iphone, Ipad cho bé. Cha mẹ là người đưa cho bé phương tiện này để chơi, việc đánh mắng, tước đoạt đi đồ chơi của bé ngay lập tức là điều không nên làm. Cha mẹ cần phải "cai nghiện" cho bé dần dần, trò chuyện để bé hiểu, và tìm kiếm những trò chơi tích cực để bé cùng tham gia.

Minh Sang (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

>> Video đang được xem nhiều nhất:

[mecloud]lDCfBBEWME[/mecloud]