Dòng sự kiện:

Trẻ em rất hiếu động, có thể bị bỏng do sử dụng túi sưởi

17:27 29/01/2016
Trẻ em rất hiếu động, nếu chúng đùa nghịch và vô tình bị bỏng thì rất đáng tiếc bởi nhiệt độ nước trong túi sưởi rất cao.

[mecloud]qyfe2HakBK[/mecloud]

Trong những ngày miền Bắc chìm trong đợt rét tê tái, nhu cầu sử dụng túi sưởi tăng cao, nhất là đối với những gia đình có trẻ nhỏ. Thế nhưng, có nhiều tai nạn nghiêm trọng xảy ra với trẻ nhỏ do túi sưởi bục vỡ.

Mới đây, một bé gái 17 tháng tuổi bị bỏng khá nghiêm trọng phần thân dưới được đưa đi cấp cứu trong bệnh viện sản nhi Nghệ An. Nguyên nhân do khi bé gái này sử dụng túi sưởi, không may bị bục, khiến em bỏng chi dưới, bẹn, mông và sinh dục.

Điều đáng nói đây không phải là trường hợp đầu tiên bệnh nhi bị bỏng do sử dụng túi sưởi. Trước đó, vào năm 2011, dư luận cũng từng xôn xao về trường hợp của bé Nguyễn Thị Huyền, 8 tuổi ở Tuyên Quang bị bỏng 15%, trong đó 3% bỏng sâu độ III, IV và phải tiến hành phẫu thuật ghép da. Được biết, khi túi sưởi đang được cắm điện sạc đã bất ngờ bị vỡ, khiến nước sôi trong đó bắn vào người bé, khiến bé bị bỏng sâu vùng bẹn.

Có nhiều tai nạn nghiêm trọng xảy ra với trẻ nhỏ do túi sưởi bục vỡ. Ảnh minh họa

 

Túi sưởi gồm có cực điện làm nóng trong môi trường nước muối loãng, có rơle khống chế nhiệt ở khoảng 60-70 độ tùy loại sản phẩm. Khi thiết kế, thường có bộ phận an toàn cách điện và không cách nhiệt (đó là các lớp vải nhựa giữ nước bên trong) giúp nhiệt tỏa ra sưởi ấm.

Theo các chuyên gia, túi sưởi là thiết bị tiềm ẩn nguy cơ nổ rất cao. Nhiều loại túi sưởi không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, nguy cơ rò rỉ, chập cháy dây điện rất lớn. Ngoài ra, sự cố có thể xảy ra khiến túi sưởi bị nổ khi người dùng không sử dụng túi sưởi đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Trẻ em rất hiếu động, nếu chúng đùa nghịch và vô tình bị bỏng thì rất đáng tiếc bởi nhiệt độ nước trong túi sưởi rất cao. Đặc biệt không được dùng vật nhọn để chọc túi sưởi tránh trường hợp vỡ, rách rồi rỏ rỉ nước trong túi sưởi, rất nguy hiểm. Không cho trẻ chạy nhảy, ngồi lên túi sưởi hay để trẻ dùng để ném nhau như đồ chơi.

Nước trong túi sưởi là một dạng dung dịch khác hẳn so với nước lọc thông thường vì thế tránh tuyệt đối không đổ nước trong túi sưởi ra để thay bất kỳ 1 loại dung dịch gì vào túi để tránh sự cố nguy hiểm.

Khi sử dụng túi sưởi bố mẹ cũng nên lưu ý:

Túi khi cắm điện nên đặt ở những nơi bằng phẳng, chỗ cắm điện hướng lên trên. Để an toàn hơn, người lớn nên lót 1 miếng vải bên dưới túi sưởi khi cắm điện. Nên nhớ tuyệt đối không được vừa dùng và cắm điện. Thỉnh thoảng trong lúc cắm điện nên lắc nhẹ cho dung dịch trong túi nóng đều.

Chú ý cắm dây vào ổ cắm điện trên túi trước rồi mới cắm vào ổ điện. Khi rút túi sưởi thì rút dây điện khỏi ổ cắm trước rồi mới rút phích cắm ở túi ra sau.

Khi mua túi sưởi, nên chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chú ý mua loại dây dẫn điện an toàn - có đường kính lớn, 7 đến 8 cm, còn điện cực nhỏ, kiểm tra xem dấu niêm phong trên túi sưởi còn nguyên vẹn không, điện có thể bị rò rỉ không, điểm sạc điện có bị nứt không…

Khánh Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

>> MỜI ĐỘC GIẢ XEM VIDEO ĐANG HOT:

[mecloud]z6gQ2XHsBo[/mecloud]