Dòng sự kiện:

Trẻ em tập đu dây từ cao ốc thoát hoả hoạn

14:00 22/10/2015
Sau nhiều vụ cháy cao ốc, một nhóm phụ huynh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) đã cho con tham gia buổi học "thoát lửa" tại Đại học Phòng cháy Chữa cháy.

 

Mở đầu buổi học kỹ năng này, nhóm giảng viên đưa học sinh vào phòng kín và yêu cầu tất cả nhắm mắt để nghe kể chuyện. Sau đó, họ bất ngờ tạo ra đám cháy giả (bằng khói không độc) và hô hoán để các bé chạy ra ngoài. Cửa chính bị kẹt khiến cảnh tượng chen lấn hỗn độn. Có em bật khóc vì quá sợ hãi. 

Buổi học được tổ chức tại Lương Sơn, Hòa Bình (cơ sở 2 của Đại học Phòng cháy Chữa cháy). Với trang thiết bị đầy đủ và đảm bảo an toàn, các giảng viên liên tiếp tạo ra những tình huống giả định như vượt chướng ngại vật hay đu dây thoát hiểm từ nhà cao tầng để rèn kỹ năng thoát hiểm cho học sinh.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng nhóm phụ huynh, là người đầu tiên tham gia màn đu dây thoát hiểm. Chị cho biết, nhóm thường xuyên tổ chức cho các con đi chơi, dã ngoại vào dịp cuối tuần. Đây là lần đầu tiên có buổi dã ngoại kết hợp học tập kỹ năng phòng cháy chữa cháy.

Khuôn mặt căng thẳng của bạn Nguyễn Hoàng khi lần đầu bị treo lơ lửng ở tầng 3. Sau khi xuống mặt đất an toàn, Hoàng tỏ ra thích thú và muốn trải nghiệm thêm lần nữa.

Hầu hết các bé tham gia buổi học đều là học sinh lớp 5. Số khác ít tuổi hơn được phụ huynh đưa đi cùng. Tất cả được dạy cách vượt qua nỗi sợ hãi để thoát hiểm. 

Buổi học diễn ra với sự hướng dẫn của các sinh viên Khoa chữa cháy. Họ cho biết, lính cứu hỏa còn phải tập nhảy từ tầng 4, cứu người bằng thang chuyên dụng... Việc cứu người thoát nạn sẽ rất khó khăn nếu bản thân người dân không được trang bị kỹ năng cần thiết.

Bé Ngân mới 6 tuổi nhưng vẫn mạnh dạn tham gia màn đu dây từ tầng cao xuống mặt đất. Chị Thùy Dương, mẹ của bé, bảo, gia đình ở tầng 14 của một chung cư trên phố Trần Bình. "Sau khóa học này, tôi sẽ đề nghị chung cư lắp đặt thêm hệ thống dây cáp và ròng rọc để tăng cơ hội thoát hiểm cho cư dân", chị Dương chia sẻ.

Thượng úy Nguyễn Danh Luân, giảng viên Khoa chữa cháy, cho biết, các khóa học Phòng vệ thông minh thường xuyên được nhà trường tổ chức phối hợp với các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội. 

Anh Luân chia sẻ về những hiểm họa cháy nổ có thể xảy ra tại trường học và bày tỏ lo lắng khi nhiều học sinh còn thiếu kỹ năng thoát hiểm.

Sau những tai nạn cháy nổ, nhiều phụ huynh cảm thấy an tâm hơn khi được trang bị thêm kỹ năng thoát hiểm cho bản thân và các con của mình. 

Theo Zing

Xem thêm video: [mecloud]y8EqxXPeNO[/mecloud]


TAG