Dòng sự kiện:

Trẻ khó thích nghi, hòa nhập: Cha mẹ phải làm gì?

22:04 30/06/2015
Trẻ em cần được rèn luyện sớm về khả năng thích nghi, hòa nhập với môi trường mới xung quanh từ đó khả năng giao thiệp của trẻ với người thân, bạn bè, thầy cô, xã hội… được mở rộng. Đó là điều kiện tốt để thành đạt hơn trong tương lai.

 

 

 

Thích nghi là một kỹ năng sống quan trọng vì nếu kỹ năng giao tiếp là bước đầu để tiếp xúc với môi trường bên ngoài cùng với những con người khác với mình, thì thích nghi chính là bước tiếp theo để có thể hòa nhập hoặc phản ứng lại với môi trường bên ngoài.

Đứa trẻ nếu có kỹ năng giao tiếp tốt có thể đạt được những thành công với những người chung quanh trong việc tham gia vào các hoạt động cùng với họ, là bố mẹ ông bà hay các bạn bè của chúng. Thế nhưng nếu trẻ không có khả năng thích nghi thì cũng khó mà đạt được những kết quả tốt cho cuộc sống của mình.

Các kỹ năng thích nghi cần thiết

Có thể nói, điều mà hầu hết các bà mẹ quan tâm trong việc chăm sóc con em là một chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất cho trẻ và môi trường sống an toàn và vệ sinh. Nhưng bảo vệ sức khỏe và giúp cho trẻ phát triển không phải là việc cung cấp cho trẻ những loại thức ăn bổ nhất và một môi trường sống sạch nhất, mà chính là việc giúp cho trẻ có khả năng phát triển trong mọi điều kiện sống một cách thực tế nhất. Điều đó chỉ có thể có được khi trẻ có khả năng thích nghi tốt với các nguồn thực phẩm và môi trường xung quanh.

Trẻ em cần được rèn luyện sớm về khả năng thích nghi, hòa nhập với môi trường mới xung quanh từ đó khả năng giao thiệp của trẻ với người thân, bạn bè, thầy cô, xã hội…

Kỹ năng thích nghi với thực phẩm :

Một trong những điều khiến nhiều phụ huynh lo lắng nhất chính là việc cung cấp cho trẻ những thức ăn phù hợp và một không gian sống hợp vệ sinh. Sự lo lắng đó là hợp lý, tuy nhiên có nhiều người lại đặt ra những chuẩn mực cao trong việc chọn lọc thức ăn, hoặc có những hiểu biết không đúng trong việc xây dựng khẩu phần cho trẻ, khiến trẻ trở nên chán ăn hay kén ăn. Vì thể những kiến thức trong việc giúp trẻ có thể ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, có thể ăn với một mức độ vệ sinh vừa phải là điều nên được đặt ra.

Ngay từ bé, phụ huynh nên cho trẻ bú một vài loại sữa khác nhau, để tránh tình trạng quá lệ thuộc vào một thương hiệu hay một khẩu vị nhất định. Có thể chính trẻ sẽ tỏ ra thích hợp với một loại sữa nào đó, nhưng chúng ta cũng nên tìm cách tập cho trẻ uống các loại sữa tương tự để từng bước sẽ thay đổi và đa dạng hóa nguồn sữa và thức ăn cho trẻ.

Việc thay đổi sữa và đa dạng hóa các loại thực phẩm khác ( như rau củ quả, thịt, cá trứng, xương…) vừa giúp cho trẻ có khả năng thích nghi tốt với các loại thực phẩm và cũng khiến trẻ thích ăn và dễ ăn hơn.

Chúng ta thường có quan điểm là tiền nào của đó, cái gì càng đắt thì càng tốt. Điều này có thể đúng với một số loại vật dụng như các thiết bị máy móc điện tử nhưng không đúng nếu áp dụng vào các loại thực phẩm. Có nhiều nguồn dinh dưỡng vừa rẻ lại vừa bổ mà nếu chịu khó tìm kiếm hay chế biến, chúng ta hoàn toàn có thể giúp cho con phát triển với một chi phí vừa phải.

Đôi khi trẻ có những sở thích hơi đặc biệt về ăn uống, chỉ thích ăn vài loại thực phẩm nhất định, uống vài loại sữa hay thức uống nhất định – Điều đó thường là do chính chúng ta vô tình tập cho trẻ khi còn bé, vì thế một mặt chúng ta vẫn chấp nhận và tôn trọng những sở thích này nhưng vẫn nên tập cho trẻ có khả năng ăn uống đa dạng, vì nếu không có khi những sở thích về ăn uống của trẻ sẽ gây ra những khó khăn, rắc rối đặc biệt là trong các chuyến đi chơi xa.

Chúng ta cũng nên biết rằng một chút thiếu vệ sinh, thiếu sạch sẽ …cũng không gây ra tác hại nào, mà lại tạo cho trẻ có một sức đề kháng tốt hơn, tránh được tình trạng chỉ cần uống chút nước lã, ăn chút rau sống là đau bụng, đi cầu.

Một vài kỹ thuật giúp cho bé ăn uống dễ dàng hơn:

- Tập cho bé tham dự bữa cơm gia đình để trẻ cảm nhận được niềm vui khi ăn

- Ngược lại, nếu bé hay mất tập trung khi ăn thì lại nên cho bé ăn ở chỗ yên tĩnh, chỉ có một hai người ở cạnh bé khi ăn.

- Có thể vừa ăn vừa chơi một trò chơi nhẹ nhàng, nhưng đừng để trò chơi lôi cuốn trẻ.

- Có thể làm một cái lịch “ăn uống” trong tuần với trẻ trên 3 tuổi. Bữa nào trẻ ăn được thì sẽ gắn một bông hoa và một khuôn mặt tươi cười, bữa nào bé khó ăn, không tập trung ăn thì sẽ có một khuôn mặt mếu. Đến cuối tuần làm tổng kết và khen ngợi bé về các khuôn mặt cười và tặng cho trẻ một món quà nho nhỏ. Nhưng nếu nhiều khuôn mặt buồn thìcũng không nên trách mắng, mà nên khuyến khích “: Mẹ biết là còn sẽ làm tốt hơn…”

Chúng ta cũng nên tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng sức khỏe hay việc bé mọc răng, nếu như bé tỏ ra chán ăn hay không muốn ăn một cách khá đột ngột.

Đứa trẻ nếu có kỹ năng giao tiếp tốt có thể đạt được những thành công với những người chung quanh trong việc tham gia vào các hoạt động cùng với họ,

Kỹ năng thích nghi với môi trường

Với môi trường sống cũng thế, một môi trường bẩn thỉu và ô nhiễm là không thể chấp nhận được, nhưng một không gian quá sạch sẽ cũng không phải là một điều kiện tốt cho sự phát triển của trẻ.

Điều đầu tiên mà chúng ta nên tập cho trẻ là kỹ năng thích nghi với sự thay đổi thời tiết. Ở Miền Nam với hai mùa mưa nắng, đôi khi sáng nắng chiều mưa hay trong những lúc giao mùa từ nắng chuyển sang mưa đột ngột, hay có khi vừa mưa vừa nắng rất dễ gây cho trẻ những bệnh ho, sốt … Tình trạng nhập viện hàng loạt của trẻ em do biến đổi thời tiết là điều hầu như năm nào cũng xảy ra. Điều này đồng nghĩa với việc đa số trẻ vẫn chưa được gia đình “rèn luyện” cho khả năng chịu đựng tốt hay có khả năng thích nghi cao. Vì thế, việc cho trẻ dãi dầu mưa nắng trong một mức độ nào đó, cũng như từng bước nâng cao sức chịu đựng của các em, cũng là một biện pháp giúp trẻ thích nghi cao và tránh được tình trạng đau ốm lặt vặt, thậm chí có thể đưa đến những tổn thương không đáng có.

Trong mùa nắng, các em không cần phải mặc quần áo quá kín đáo, khi ở nhà trẻ nam có thể mặc áo thun 3 lỗ, trẻ nữ mặc áo 2 dây, quần ngắn và nên được cho đi chơi, đi dạo nơi các công viên thường xuyên, nên cho trẻ vận động, chạy chơi một cách tự nhiên trong các sân chơi hay các khu chung cư tương đối an toàn về mặt giao thông.

Trẻ có thể nghịch cát, đất trong một chừng mực vừa phải vì điều đó giúp cho các em vừa thỏa mãn được tính năng động, vừa nâng cao khả năng đề kháng. Dĩ nhiên là nên có sự giám sát của người lớn, nhưng chúng ta chỉ can thiệp khi có những dấu hiệu của sự nguy hiểm, còn đối với một vài cú vấp ngã của trẻ thì cứ để cho trẻ tự đứng lên, điều đó không chỉ giúp trẻ mạnh dạn và tự tin hơn mà còn cho chúng ta tráng được những sự mè nheo của trẻ.

Kỹ năng thích nghi với đám đông

Chúng ta nên biết rằng con người có hai loại tính khí chính là tính hướng nội và tính hướng ngoại, và trong mỗi loại tính cách đó lại có 4 nhóm cá tính khác nhau. Các nhóm này thường có sự phối hợp để tạo nên những mẫu người có cá tính khác nhau.

Vì vậy, việc tập cho trẻ làm quen với đám đông phải dựa trên tính cách của các bé, bố mẹ nên hiểu con thuộc loại tính khí nào! Với trẻ hướng ngoại thì chúng ta không cần lo ngại, vì trẻ thường có xu thế thích đám đông, thích sự ồn ào vui vẻ, náo nhiệt, thích các hoạt động tập thể. Còn với trẻ hướng nội thì trẻ sẽ ngại tiếp xúc với đám đông, có vẻ như dụt dè nhút nhát. Nhưng các em cũng có những ưu điểm để có thể thành công, đôi khi còn tốt hơn cả trẻ hướng ngoại nếu được sự định hướng đúng cách của bố mẹ.

Chúng ta có thể giúp con quen dần với đám đông qua việc cho trẻ đi chơi công viên, tham gia các hoạt động ở nhà thiếu nhi, và đưa con đến nhà sách, siêu thị để có thể chọn lựa các loại sách hay những món đồ dùng cho gia đình. Cũng có thể tập cho trẻ việc đi mua hàng cùng với bố mẹ, tập cho trẻ cầm tiền trả cho người bán và khi trẻ lớn hơn, trên 6 tuổi thì tập cho trẻ đi mua những món lặt vặt cho gia đình.

Ngoài ra, trong việc hòa nhập với xã hội, chúng ta cũng cần tập cho trẻ những thói quen ứng xử với một phong cách văn minh, lịch sự:

- Thói quen biết xếp hàng : Đây là một thói quen mà hầu hết người lớn chúng ta không có khi tham gia vào các hoạt động chung. Nhưng hãy cố gắng làm gương và tập cho trẻ có thói quen xếp hàng ngay từ nhỏ để dẩn dần thay đổi được một cách ứng xử kém văn hóa nơi công cộng là sự chen lấn nhau.

- Thói quen bỏ rác vào thùng rác: Ngay tại gia đình chúng ta cũng nên có nhiều thùng rác, mỗi phòng nên có 01 chiếc, để trẻ thấy việc bỏ rác là 1 thói quen trong nhà. Khi đi chơi ngoài công viên, cũng cần bỏ rác và hướng dẫn cho trẻ bỏ rác vào các thùng rác công cộng để hình thành thói quen này.

- Thói quen biết nói xin lỗi và cám ơn : Ngay từ bé, chúng ta cũng cho trẻ thấy cách ứng xử như vậy của người lớn, và khi giao tiếp với trẻ, chính bố mẹ cũng cần biết nói xin lỗi và cám ơn con – Như thế, trẻ sẽ cảm nhận được một cách tự nhiên các cách ứng xử này.

Khả năng tương tác, hòa nhập của trẻ với người bạn mới phụ thuộc vào tính cách của mỗi trẻ. Nếu một đứa trẻ khó khăn khi giao tiếp, tương tác với bạn bè, thầy cô, có một số cách mà cha mẹ có thể làm để giúp trẻ.

Rèn luyện trẻ

Trẻ em cần được rèn luyện sớm về khả năng thích nghi, hòa nhập với môi trường mới xung quanh từ đó khả năng giao thiệp của trẻ với người thân, bạn bè, thầy cô, xã hội… được mở rộng. Đó là điều kiện tốt để thành đạt hơn trong tương lai.

Khả năng tương tác, hòa nhập của trẻ với người bạn mới phụ thuộc vào tính cách của mỗi trẻ. Nếu một đứa trẻ khó khăn khi giao tiếp, tương tác với bạn bè, thầy cô, có một số cách mà cha mẹ có thể làm để giúp trẻ.

Theo bà Efriyani Djuwita, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Đại học Indonesia thì cha mẹ có thể trao đổi giáo viên của trẻ về sự khó khăn trong giao tiếp, thích nghi của trẻ với bạn bè, thầy cô. Bằng cách đó thầy cô giáo ở trường có thể có phương pháp hợp lý để giúp trẻ giao tiếp với môi trường xung quanh.

Rèn luyện ở trường học

Cha mẹ có thể cung cấp các thông tin tham khảo về trẻ cho các giáo viên, và những gì họ nên làm để giúp đỡ trẻ em có sự giao lưu, hòa nhập xã hội. Vì vậy, trẻ có thể giao lưu một cách tự nhiên trong môi trường đầy sự hỗ trợ mà không cảm thấy bị áp lực và bắt buộc. Bằng cách đó, trẻ trở nên thân quen, gần gũi và thoải mái khi giao tiếp với bạn cùng lớp.

Ví dụ, hãy yêu cầu trẻ em tương tác với những người đã quen. Có thể con bạn sẽ dễ dàng tương tác với một người bạn mà trẻ biết hơn là những người khác.

Dần dần hãy giới thiệu con bạn với các bạn bè khác, những người mà trẻ biết khi vào trường mới.

Rèn luyện ở nhà

Sau khi ở trường về, cha mẹ nên tìm hiểu câu chuyện của con ở trường học ví dụ như bầu không khí lớp học thế nào. Hỏi xem trẻ quen những bạn bè nào ngồi cùng bàn? Tên bạn là gì… Chú ý hướng trẻ đến những điều tích cực bằng những từ ngữ khen ngợi trẻ và bạn bè, cô giáo của trẻ, tạo hứng thú và niềm vui cho trẻ về môi trường mới. Khuyến khích trẻ nói về trường học của mình bằng những gợi ý cụ thể.

Khi con trẻ tỏ ra không hòa nhập với những người bạn mới, hãy khuyến khích trẻ ngày tiếp theo hỏi xem các bạn ở lớp tên gì, ví dụ lớp trưởng, lớp phó tên gì, cô giáo tên gì, hay các bạn ngồi cùng bàn… Cha mẹ cần tích cực giúp trẻ thiết lập mối giao tiếp cởi mở càng sớm càng tốt đối với trẻ đang thích nghi với môi trường mới.

Ngọc Anh (Tổng hợp)/ĐSPL