Dòng sự kiện:

Trẻ luôn cảm thấy cô đơn, sống khép kín

02:00 01/08/2015
Trẻ cần được quan tâm, đôi khi chỉ là sự quan tâm nhỏ thôi cũng có thể ảnh hưởng, thậm chí thay đổi vận mệnh của trẻ.

- Bố ơi, bố chơi với con một lúc nhé?

- Con phiền quá. Con không thấy bố đang bận hay sao mà còn chơi bời cái gì?

- Mẹ kể chuyện con nghe đi!

- Ngoan nào con! Mẹ đi làm cả ngày rất mệt rồi, con tự chơi một mình nhé!

Những câu nói trên giữa trẻ và cha mẹ nghe rất quen tai, liệu có phải nó rất hay xuất hiện trong gia đình bạn?

Bạn hãy hiểu rằng bọn trẻ không thích những ông bố bà mẹ chỉ mang cho chúng thức ăn ngon và tiền bạc. Trẻ cần được quan tâm, đôi khi chỉ là sự quan tâm nhỏ thôi cũng có thể ảnh hưởng, thậm chí thay đổi vận mệnh của trẻ.

Cách gì để giúp trẻ thoát khỏi sự cô độc?

Hãy tạo không khí gia đình vui vẻ để trẻ có thể bộc bạch hết tâm tư, nguyện vọng, để tất cả những khó khăn trở ngại đều có thể giải quyết trong tiếng cười. Tạo cho trẻ một tính cách cởi mở ngay tại gia đình mình sẽ giúp trẻ dễ mở lòng giao lưu với bạn bè hơn khi đến trường.

Hãy để trẻ cùng làm việc nhà. Cha mẹ có thể chia sẻ việc nhà với con, bàn trước với trẻ, để trẻ vui vẻ hợp tác với bố mẹ trong một số việc gia đình. Trẻ giúp mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa… có thể giúp trẻ dễ hợp tác với bạn bè hơn khi đến trường.

Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ trẻ. Đôi khi cha mẹ cũng có những phiền phức trong lòng, nếu có thể hãy chia sẻ cùng con cái, tìm kiếm sự an ủi từ trẻ, nhờ trẻ đưa ra ý kiến của mình. Như vậy trẻ dần hình thành được thói quen tìm kiếm sự chia sẻ từ người khác. Ở lớp nếu gặp khó khăn trẻ có thể mạnh dạn nhờ bạn bè giúp đỡ.

Khi phát hiện trẻ có nỗi lòng, trở nên ít nói, cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân, sau đó giúp trẻ nhìn nhận sự việc một cách cởi mở nhất, tìm lại sự tự tin của bản thân.

Tường Vy (Tổng hợp)

Nguồn; Người đưa tin