Dòng sự kiện:

Trẻ mắc bệnh hô hấp tăng đột biến vì sao?

22:35 27/07/2015
Trong những ngày gần đây, số bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng đột biến. Các bác sĩ (BS) cảnh báo, đây là thời điểm bệnh lý hô hấp vào mùa.

Theo tin tức từ báo Phụ nữ, mấy ngày gần đây, tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 và BV Nhi Đồng 2 số trẻ bị viêm đường hô hấp nhập viện điều trị đang tăng vọt. 

Theo ghi nhận của PV, dù là cuối tuần, nhưng khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1 vẫn đông nghịt bệnh nhân. Từ phòng cấp cứu đến hành lang, cầu thang… của khoa đều không còn chỗ trống. Các nhân viên y tế tất bật cấp cứu, chăm sóc bệnh nhi.

Tại phòng cấp cứu số 1 của khoa Hô hấp, bé N.T.H. (ba tháng tuổi, ngụ Long An) được mẹ dùng khăn lau mát toàn thân và bé đang phải dùng máy trợ hô hấp. Chị Trần Thị Ngọc Trang, mẹ bệnh nhi cho biết, bé sốt cao gần 10 ngày qua, vẫn chưa có dấu hiệu giảm. “Trước đó, bé khò khè, ho nhẹ. Ngờ đâu ngày hôm sau bé sốt tới 39-400. Vào đây, BS bảo bé bị viêm đường hô hấp biến chứng viêm phổi”, chị Trang mệt mỏi nói.

Chị Trần Thị Ngọc Trang (ngụ Long An) có con đang điều trị ở Khoa Hô hấp, BV Nhi đồng 1 chia sẻ với PV Tiền Phong, bé đã nhập viện 10 ngày nhưng vẫn không hạ sốt do biến chứng viêm phổi nặng, phải thở máy. Theo chị Trang, cách đây khoảng 1 tháng, con gái chị chỉ ho khò khè và sốt nên nghĩ bé bị cảm thông thường rồi đưa đi khám ở phòng mạch tư. Uống thuốc mà bé vẫn không bớt, ngày càng sốt cao, gia đình đưa bé lên Bệnh viện Nhi đồng 1 thăm khám mới biết bé bị viêm đường hô hấp nặng chuyển sang viêm phổi và phải điều trị cấp cứu.


Chị Trang bên con gái 3 tháng tuổi bị biến chứng hô hấp viêm phổi nặng tại Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: Tiền Phong

Tại khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 2, số trẻ mắc bệnh hô hấp cũng đang tăng dần. Không ít bệnh nhi phải nằm võng ngoài hành lang.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, gần đây số trẻ đến khám, điều trị các bệnh lý hô hấp đã tăng lên. Đối với lượng bệnh ngoại trú, bệnh lý hô hấp chiếm vị trí đông hàng đầu tại khoa khám bệnh. Số bệnh điều trị nội trú cũng tăng khoảng 100-200 ca/ngày. “Bình thường các tháng trước chỉ khoảng 200-250 ca nội trú/ngày. Hiện giờ mỗi ngày có từ 300-400 ca, ngày cao điểm có thể vượt con số hơn 400 ca nên Khoa Hô hấp quá tải trầm trọng”, bác sĩ Hùng nói.

Thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho thấy, nếu như trong tháng 5 có hơn 62.300 lượt trẻ khám, chữa bệnh hô hấp thì tháng 6 có 65.800 lượt trẻ, tức đã tăng lên 3.500 lượt. Chỉ tính trong 2 tuần đầu tháng 7 này, số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp đến khám đã là hơn 34.000 lượt. Theo bệnh viện này, tháng 5/2015 có 2.890 ca nhập viện, đến tháng 6/2015, có 3.316 ca hô hấp nhập viện, cao hơn tháng trước 426 ca, và nửa đầu tháng 7 đã có gần 1.800 trẻ vào viện vì bệnh lý hô hấp.

BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, BV Nhi Đồng 1 cảnh báo, khoảng 90% đối tượng bị lây bệnh là các trẻ ốm yếu, suy dinh dưỡng, mắc bệnh lý như tim mạch, trẻ dưới hai tuổi… Triệu chứng trẻ bị bệnh lý hô hấp thường gặp là: sốt cao, hắt hơi sổ mũi, chảy nước mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, nhức mỏi.

Trao đổi trên VnExpress, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từng cho biết, nếu trẻ chỉ ho, sốt, sổ mũi mà vẫn ăn chơi bình thường thì cha mẹ có thể tự điều trị và theo dõi trẻ ở nhà. Có thể uống các thuốc ho thông thường, sốt thì hạ sốt, cho trẻ ở chỗ thoáng mát. Nếu trẻ thở nhanh, sốt cao lên, ăn uống kém, mệt mỏi nhiều thì cần đưa con đến bệnh viện kịp thời.

Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý viêm phổi ở trẻ sơ sinh diễn tiến nặng rất nhanh và biểu hiện không rầm rộ như trẻ lớn nên dễ bị bỏ qua. Bệnh ở trẻ lớn có những biểu hiện điển hình là sốt cao, ho nhiều; còn trẻ dưới 6 tháng tuổi đây không phải là dấu hiệu quan trọng. Nhiều bé thậm chí không sốt, không ho, nhưng đã bị viêm phổi rất nặng. Đặc biệt trẻ sơ sinh dưới 30 ngày tuổi khi bị viêm phổi thậm chí thân nhiệt còn hạ một chút.

Theo báo Phụ nữ, để phòng bệnh cho trẻ sơ sinh, trước hết, nên cho trẻ bú mẹ trên sáu tháng. Theo nghiên cứu, trẻ bú mẹ trên sáu tháng đầu sẽ giảm được nguy cơ viêm phổi. Nhằm phòng bệnh, tránh cho trẻ ra môi trường nắng nóng, nơi gió lùa, hạn chết sử dụng quạt, máy lạnh. Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh. Tránh cho trẻ tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp và những chỗ đông người ngột ngạt, có khói thuốc lá.

Bên cạnh đó, cần tăng cường dinh dưỡng với thực đơn cân đối các nhóm dưỡng chất cho trẻ; tiêm vắc-xin cho trẻ để phòng chống các loại bệnh. Phụ huynh cần lưu ý, trẻ em ở lứa tuổi dưới 24 tháng khi mắc bệnh, cần theo dõi kỹ, điều trị, xử trí sớm và đúng nhằm ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm: suy hô hấp, viêm phổi…

Mai Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin