Dòng sự kiện:

Trẻ mắc chứng tăng động: Cách trị tốt nhất

16:24 30/06/2015
Một nghiên cứu cho thấy, có 6,6% học sinh tiểu học mắc chứng tăng động giảm chú ý, học sinh trung học cơ sở là 4,29%, phổ thông trung học là 2,63%. Bệnh xuất hiện trong mọi tầng lớp xã hội và thường được phát hiện trước 7 tuổi. 70% trẻ vẫn tiếp tục biểu hiện hội chứng này cho đến tuổi trưởng thành.

 

 

 

Nguyên nhân gây tăng động, giảm chú ý ở trẻ

Theo thống kê của Khoa Tâm bệnh (Bệnh viện Nhi Trung ương) thì số lượng trẻ mắc chứng tăng động ngày càng gia tăng. Thực tế, bệnh tăng động ở trẻ khi mới bị rất khó phát hiện, chỉ khi bé đã mắc một thời gian thì mới có biểu hiện rõ rệt.

Tại khoa Tâm bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình cứ khoảng 20 trẻ đến khám, chữa bệnh hằng ngày thì 3-4 trẻ mắc chứng tăng động. Đây là một con số thực sự đáng lo ngại trước tình trạng ngày càng gia tăng của căn bệnh này.

Theo bác sĩ Quách Thúy Minh, Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Tình trạng trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý mà bố mẹ lại nhầm tưởng con hiếu động là thường xuyên xảy ra. Bởi cùng một biểu hiện nhưng về bản chất hai hiện tượng này lại hoàn toàn khác nhau. Trẻ hiếu động chứng tỏ khỏe mạnh về thể chất và phát triển các kỹ năng vận động tốt. Trẻ tăng động thì chỉ hành động theo ý thích cá nhân, không hề quan tâm đến môi trường xung quanh, tiếp thu lệch lạc và có hiện tượng khó diễn đạt về ngôn ngữ.

Nếu các bậc phụ huynh không thực sự chú ý quan tâm sát sao đến trẻ thì khó phát hiện là điều dễ hiểu.

Cũng theo bác sĩ Minh thì trẻ bị mắc rối loạn tăng động giảm chú ý ngoài yếu tố do sinh học như yếu tố di truyền, bị tổn thương não trước hoặc sau sinh… thì môi trường sống cũng tác động nghiêm trọng đến trẻ.

Khảo sát của nhiều tổ chức y tế cho thấy, những em bé sống ở nơi chật chội, ồn ào sẽ rất dễ mắc chứng tăng động. Những hành vi về lối sống, hay tác động từ hoàn cảnh sống như trẻ sinh ra trong môi trường thiếu thốn tình cảm, cha mẹ ly hôn, thường xuyên cãi vã hay bạo lực gia đình… sẽ nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Tại khoa Tâm bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình cứ khoảng 20 trẻ đến khám, chữa bệnh hằng ngày thì 3-4 trẻ mắc chứng tăng động.

Biểu hiện của bệnh

Trẻ mắc chứng bệnh tăng động, giảm chú ý (Attention deficit and hyperactive disorder, viết tắt là ADHD) thường có một số biểu hiện rõ nét. Tuy nhiên, trẻ chỉ có một hoặc vài triệu chứng trong một giai đoạn nào đó. Điều đáng chú ý là, những trẻ mang bệnh lý này thường thông minh hơn những trẻ bình thường (đánh giá IQ). Chúng đặc biệt nhạy bén, có năng lực sáng tạo và trí tưởng tượng vượt trội, một tinh thần và thể chất không hề mệt mỏi.

Các triệu chứng thường xuất hiện sau tuổi mẫu giáo, nhưng gây bất lợi rõ ràng từ 6 tuổi trở đi, vì đây là lứa tuổi trẻ phải tiếp thu nhiều kiến thức và quá trình này đòi hỏi khả năng chú ý của trẻ.

Các chuyên gia y tế có chia biểu hiện bệnh thành hai giai đoạn khác nhau. Với trẻ 1 tuổi, trẻ hay khóc và khóc rất lâu; cho trẻ ăn khó khăn; trẻ hiếu động và ngủ ít; có hành vi gây hấn như nắm tóc, đấm đá, tấn công người khác; dễ cáu giận.

Với trẻ trên 1 tuổi, các dấu hiệu vận động dễ nhận ra bởi những người xung quanh. Trẻ mắc bệnh thường khó tập trung, dễ xao nhãng bởi những tác động bên ngoài, như tiếng ồn hoặc sự chuyển động. Thường thì những trẻ mắc chứng này đều có mức độ hoạt động không ngừng, lúc nào cũng cựa quậy và rất khó ngồi yên được một lúc lâu. Chúng không chú ý đến một hoạt động cụ thể mà luôn luôn di chuyển sự chú ý sang nhiều hoạt động liên tiếp.

Phần lớn những trẻ này thường tỏ ra bốc đồng và hăng hái. Chúng luôn tìm một việc gì đó để làm mà không cần biết việc chúng đang làm là việc gì và thường làm hỏng việc. Tính bốc đồng của chúng thường đưa đến những hoạt động sai lầm, chẳng hạn như nói dối, ăn cắp, đánh nhau…

Người ta thường dùng từ “vụng về” để chỉ trẻ mắc ADHD bởi chúng gặp trở ngại từ những việc thường ngày như mặc áo, đánh răng, rửa mặt… Gặp khó khăn trong phối hợp động tác thông thường cũng rất hay thấy, làm trẻ chậm tiếp thu và không thể thực hiện được những hành động tự chủ một mình như đi xe đạp, nhảy lò cò, nhảy dây, nhảy cao hoặc kém phát triển các kỹ năng như đá bóng hoặc bắt bóng. Trẻ mắc chứng này còn đặc biệt gặp khó khăn trong việc lưu giữ thông tin, do đó, khi học trẻ rất nhanh quên.

Đa số trẻ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý thường có biểu hiện ương ngạnh. Chúng thường phản kháng lại sự thay đổi của môi trường xung quanh hoặc của những sự việc mà chúng đã quen thuộc. Và rất miễn cưỡng phải chấp nhận sự thay đổi.

Trẻ bị hội chứng tăng động giảm chú ý thường có khuynh hướng hay gây gổ, sinh sự với người khác. Do đó, chúng sẽ thường xuyên bị hăm dọa hơn những trẻ khác. Để phản ứng lại chúng có thể có hai thái độ: hoặc là tự rút lui, hai là tìm cách gây hấn. Điều này ảnh hưởng tới tính tự tin của trẻ khi chơi chung với bạn bè cùng lứa. Chúng thường tỏ ra thiếu tự tin, ở mức độ nghiêm trọng, chúng sẽ mắc chứng hoang tưởng.

Ở trẻ mắc ADHD, giấc ngủ của chúng hay bị xáo trộn. Những trẻ ngủ say thường bị ác mộng hoặc bị mộng du, trong khi những trẻ khó ngủ thì lại hay giật mình thức giấc. Chúng cũng thường bị rối loạn ăn uống. Trẻ hiếu động sẽ thèm ăn thèm uống nhiều hơn trẻ thường, vì chúng cần rất nhiều năng lượng để hoạt động. Cũng có trẻ ít ăn hoặc rất kén ăn, chỉ có thể ăn được một số thức ăn mà chúng ưa thích. Phần lớn những trẻ bị hội chứng tăng động giảm chú ý thường bị rối loạn thèm ăn ngay từ khi còn bé.

Một nét khá nổi bật trong phần lớn những trẻ bị hội chứng tăng động giảm chú ý là chúng diễn đạt từ ngữ chậm. Những trẻ này phát triển khả năng nói bình thường như những trẻ khác vào những năm đầu, nhưng về sau thì phát triển chậm lại, đặc biệt là trong cấu trúc câu và diễn đạt bằng lời nói, có thể trẻ phát âm rất khó khăn và có trẻ nói lắp.

Một nghiên cứu cho thấy, có 6,6% học sinh tiểu học mắc chứng tăng động giảm chú ý, học sinh trung học cơ sở là 4,29%, phổ thông trung học là 2,63%.

Làm gì khi trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý

Một nghiên cứu cho thấy, có 6,6% học sinh tiểu học mắc chứng tăng động giảm chú ý, học sinh trung học cơ sở là 4,29%, phổ thông trung học là 2,63%. Bệnh xuất hiện trong mọi tầng lớp xã hội và thường được phát hiện trước 7 tuổi. 70% trẻ vẫn tiếp tục biểu hiện hội chứng này cho đến tuổi trưởng thành.

Hội chứng tăng động, giảm chú ý (Attention deficit and hyperactive disorder, viết tắt là ADHD) là một tình trạng bệnh lý thần kinh biểu hiện ở trẻ có mức độ chú ý và hoạt động, xung động không phù hợp với lứa tuổi cũng như mức độ phát triển của trẻ. Trẻ có biểu hiện vận động tăng bất thường đi kèm với phản ứng hung hăng và khả năng chú ý giảm gây trở ngại cho việc học tập. Trẻ không có khả năng tự chủ do đó không thể tự lập kế hoạch, tổ chức cũng như hoàn thành những hoạt động phức tạp. Bệnh thường gặp ở trẻ nam. Điều đáng ngại là hiện nay cộng đồng vẫn còn mù mờ về căn bệnh này.

Liều thuốc hạnh phúc gia đình

Khoa Nhi, Bệnh viện Châm cứu Trung ương là một trong những cơ sở tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc chứng tăng động, chiếm khoảng 30% lượng điều trị của cả khoa. Hiện châm cứu đang là phương pháp được đông đảo phụ huynh lựa chọn cho trẻ mắc chứng bệnh tăng động và liên quan đến hệ thần kinh.

Tuy nhiên, theo ThS. BS Đặng Hoàng Tuyên - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, việc điều trị chứng tăng động ở trẻ sẽ hữu hiệu hơn nếu có sự hợp tác của các bậc phụ huynh. Dẫn lời, bác sĩ Tuyên ví dụ trường hợp của chị Hiền (Trần Hưng Đạo, Hà Nội) cũng từng có con mắc chứng tăng động. Đưa con đến bệnh viện điều trị khi bé đã có biểu hiện nặng, xác định điều trị phải mất một thời gian dài mới mong có thể bình phục. Khi phát hiện con bị bệnh nặng chị Hiền hy sinh chuyển sang làm một công việc nhẹ nhàng hơn để có thời gian dành cho con. Trong thời gian điều trị, làm theo các hướng dẫn của bác sĩ về chăm sóc trẻ bị tăng động, chị đã kiên trì bắt đầu từ những bài tập nhỏ dành cho con.

Ban đầu chỉ là những bài tập đơn giản như giúp bé diễn đạt được những câu chữ thông thường, tiếp đến là nâng dần tính phức tạp bằng việc tách bé ra khỏi mọi nguồn chú ý xung quanh để tập trung vào trò chơi mà mẹ bày ra. Như một giáo viên hướng dẫn, chị Hiền kiên nhẫn dẫn con vào những trò chơi có sự biến đổi về hành động để kích thích sự chú ý của trẻ như: Hãy nhìn tôi, cùng với đó thì mỗi lần khuôn mặt chị đều phải có một điểm chú ý để bé nhìn thấy, rồi tăng lên những biện pháp cao hơn như: cùng cười nào, cùng nhăn nào… rồi đến trò chuyện để con nhìn thẳng vào người đối diện… Kết hợp với phương pháp châm cứu trị liệu và bằng sự kiên trì của người mẹ, hiện nay con chị Hiền đã bình phục.

Đối với những bệnh liên quan đến khiếm khuyết về mặt tâm lý và bệnh tinh thần ở trẻ thì vai trò của giáo dục là quan trọng chứ không hẳn y học là yếu tố tiên quyết. TS Trần Phương Đông, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho rằng: “Dù chưa rõ nguyên nhân chính xác từ đâu xuất hiện chứng tăng động ở trẻ, nhưng trong quá trình nghiên cứu chúng tôi thấy rõ, ngoài yếu tố di truyền thì hiện tượng sang chấn sau sinh từ 2-3 tuổi đầu đời cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ mắc chứng tăng động. Thực tế đối với những trẻ có đời sống gia đình vui vẻ, được bố mẹ quan tâm về tình cảm sẽ rất ít bị mắc chứng tăng động. Vậy nên, xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc, quan tâm lẫn nhau cũng là một biện pháp hữu hiệu tránh được bệnh tăng động cho trẻ”.

Cũng theo TS Đông thì trẻ mắc chứng tăng động được phát hiện càng sớm, càng có khả năng điều trị triệt để, bằng không nếu phát hiện muộn sẽ khó phục hồi. Hiện nay, đã có những chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, các bà mẹ nên tìm hiểu kỹ trước và sau quá trình sinh đẻ để có biện pháp phòng ngừa tốt nhất chứng tăng động cho trẻ. Trong trường hợp sau sinh, biện pháp tốt nhất là xây dựng môi trường sống lành mạnh, có sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình sẽ phần nào tránh được chứng tăng động ở trẻ.

Ngọc Anh (Tổng hợp)/ĐSPL