Dòng sự kiện:

Trẻ sẽ rất vui sướng nếu cha mẹ thường xuyên nói điều này

19:58 30/08/2015
Những câu nói kèm theo hành động nhỏ sẽ tạo sự gắn bó giữa cha mẹ và con hơn.

Ba/mẹ yêu con lắm!

Khi nói câu này với con, bạn hãy nắm tay, vuốt tóc hay ôm con thật chặt hoặc trao cho con một nụ hôn. Con sẽ có cảm giác được yêu thương mà chính chúng ta cũng dâng tràn xúc cảm. 

Dạ, có ba/mẹ đây!

Bạn đừng cho là ngược đời. Nhất là khi trẻ vừa biết nói, nên tạo cho trẻ có những ấn tượng về những ngôn từ đầu tiên mà nó sẽ phải nói thường xuyên, như dạ, thưa, vâng... Đầu óc non nớt của trẻ sẽ cảm nhận được ngay rằng: ba mẹ còn dạ với mình thì tất nhiên phải dạ khi ba mẹ gọi thôi!

Con của ba/mẹ ngoan lắm!

Thay vì thường xuyên la rầy con thì tốt hơn hết là thường nêu những ưu điểm của con, để chúng phát huy. Đồng thời, lựa một lúc thích hợp, bạn nhẹ nhàng nhắc lại những khuyết điểm để chúng sửa chữa.

Bạn ấy giỏi và con cũng rất giỏi

Đôi khi tìm những cách so sánh những cái giỏi của con bạn với cái hay của những đứa trẻ khác để động viên con, đồng thời kích thích sự phát triển của trẻ (để được giỏi như bạn).

Con tự đứng lên được mà, không sao đâu!

Sự bình tĩnh quan sát (nếu con ngã không quá nặng) và động viên con tự đứng lên là cách giúp trẻ thấy sự té ngã đó không quá nghiêm trọng và có thể vượt qua một cách dễ dàng.

Cảm ơn con!

Câu nói này sẽ làm cho trẻ cảm thấy mình trở nên quan trọng và kích thích chúng “nhiệt tình” làm những việc khác. Lời cảm ơn còn giúp chúng có thói quen cảm ơn khi được ai đó giúp đỡ.

Ba/mẹ xin lỗi con!

Đừng ngại ngùng nói lời xin lỗi con khi quên làm việc gì cho con, hoặc làm sai. Điều đó khiến cho trẻ giữ được lòng tin với cha mẹ, cũng như tạo cho trẻ có được sự bình đẳng, sự tôn trọng và từ đó trẻ có thói quen xin lỗi khi có lỗi.

Con có muốn giỏi giống ba/mẹ không?

Hầu hết các đứa trẻ đều hình dung về một người anh hùng là ba hoặc mẹ chúng. Khi trẻ chưa ngoan, hãy gợi lại ý thức và ý tưởng cho trẻ về người anh hùng mà nó sẽ phấn đấu, với hình mẫu ngay trong gia đình bạn.

Mẹ/ba cũng nghĩ vậy!

Nếu thấy con sai thì sau đó nhẹ nhàng uốn nắn, đại loại: “Hồi nhỏ mẹ/ba cũng nghĩ vậy, nhưng lớn lên mẹ/ba lại thấy khác...” hoặc “Con nghĩ đúng đó, nhưng ngoài ra, điều đó còn...”...

Ba/mẹ hiểu ý con rồi nhưng để mình bàn với mẹ/ba xem sao!

Tự nhiên, con trẻ bất ngờ đòi một thứ gì đó, một món đồ chơi chẳng hạn. Nhiều khi ta không thích và vội dập tắt ngay lòng ham muốn của con khiến trẻ thất vọng và ít nhiều mất lòng tin ở cha mẹ; hoặc có khi ta bằng lòng và đồng ý ngay, cũng có thể sẽ tạo thành “tiền lệ” không tốt. Nên có một sự “hoãn binh” có thể thực hiện vào một dịp khác thích hợp, hoặc từ chối khéo: “Mẹ/ba bàn với ba/mẹ rồi. Ba/mẹ nói món đồ chơi đó không hợp với con. Để ba mẹ chọn cho con món khác”...

Tường Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin