Dòng sự kiện:

Trẻ tăng động giảm chú ý, bố mẹ cần làm gì?

22:08 04/12/2015
Theo các chuyên gia tâm lý, đa số phụ huynh không nghĩ là con mình bị bệnh tăng động giảm chú ý.

Trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder: ADHD) thường có biểu hiện như: hay mơ màng; không tuân theo các chỉ dẫn và không chú ý lắng nghe khi thực hiện các nhiệm vụ hoặc hoạt động có tính tổ chức; dễ dàng bị phân tâm và hay cựa quậy tay chân; thường nói quá nhiều, cắt ngang hoặc xen vào cuộc nói chuyện hoặc trò chơi của người khác; gặp khó khăn trong việc chờ đợi.

ADHD thường gặp ở nam giới hơn ở nữ giới, các biểu hiện hành vi cũng có thể khác nhau giữa nam và nữ. Ví dụ, các bé trai có thể có hiếu động quá mức trong khi các bé gái có xu hướng kém chú ý một cách lặng lẽ.


Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia tâm lý, đa số phụ huynh không tin là con mình mắc phải chứng bệnh tăng động chú ý, cần phải được đưa đến khám và điều trị sớm, mà chỉ cho là bé hiếu động quá mức. Thật sự không ít trẻ bị tăng động, giảm chú ý có chỉ số thông minh cao, nhưng kết quả học tập không tốt do trẻ kém chú ý, bất cẩn và hay quên.

Theo thông tin trên báo Lao động, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 mỗi ngày tiếp nhận từ 20-30 ca trẻ đến khám do nghi mắc bệnh tăng động giảm chú ý.

Các chuyên gia khuyên khi trẻ có nhiều hơn 6 triệu chứng ở mỗi nhóm với thời gian kéo dài trên 6 tháng, thể hiện ở ít nhất hai môi trường trong và ngoài gia đình (như trường học, xã hội), phụ huynh hãy đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa tâm thần kinh - nhi để được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả nhất.

Phương pháp điều trị là phải kết hợp giữa thuốc và liệu pháp hành vi. Trước hết cần phải cho trẻ đi khám, chẩn đoán chính xác là trẻ mắc bệnh tại các cơ sở chuyên khoa tâm thần, chuyên khoa nhi sau đó sẽ được bác sỹ kê đơn các loại thuốc điều trị tăng động giảm chú ý.

Các bậc cha mẹ cần phải tìm hiểu về bệnh lý này sẽ giúp việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ tốt hơn. Quan trọng hơn, cha mẹ phải luôn gần gũi, có các liệu pháp hành vi và những biện pháp giúp đỡ trẻ tại nhà như cùng trẻ sắp xếp lịch làm việc hàng ngày, hướng dẫn trẻ thực hiện nhiệm vụ và có khen thưởng, động viên, hạn chế tối đa việc quát mắng, đánh đập trẻ.

Theo các chuyên gia, nếu phát hiện sớm và kiểm soát tốt rối loạn hành vi này, hoàn toàn có thể cải thiện các chức năng xã hội và học tập của trẻ, giúp thúc đẩy sự phát triển bình thường các kỹ năng cá nhân, xã hội và học tập của bé.

Khánh Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

>> Video đang được xem nhiều nhất:

[mecloud]fbsOVS3ARy[/mecloud]