Dòng sự kiện:

Trẻ "vô tâm" vì đâu nên nỗi

18:29 07/07/2015
"Bọn trẻ bây giờ vô tâm lắm!". Chớ than phiền và vội kết tội trẻ. Có thể đó là do người lớn dạy dỗ chưa đầy đủ, thiếu chu đáo.

Gia đình ngày nay đa phần chỉ có một hoặc hai con nên cha mẹ thường yêu thương, nuông chiều trẻ hết mực và không bao giờ nghĩ sẽ "nhận lại" được gì. Có lẽ vì thế mà các bậc cha mẹ đã góp phần khiến con cái trở thành người ích kỷ, không biết chia sẻ, quan tâm, thậm chí là vô tâm, vô cảm.

Ảnh mình họa

Chị Trang, cạnh nhà tôi, có 2 đứa cháu thuộc thế hệ 9X ở quê lên trọ học, trông rất ngoan ngoãn, lễ phép lại học hành giỏi giang. Hôm gặp chị, tôi tấm tắc khen các cháu. Chị thở dài rồi ngập ngừng bảo: "Nhưng... chúng sống vô tâm lắm! Một lần, mẹ chị ở quê lên, cả nhà cùng đi siêu thị. Đến nơi, các cháu mở cửa xe xuống trước để mặc bà ngoại lụm cụm và dì Út một nách hai con nhỏ loay hoay. Khi chị Trang nhắc nhở, chúng mới lật đật đỡ bà ngoại và dẫn một em nhỏ giúp dì.

Chủ nhật tuần rồi, mẹ bọn nhỏ đến thăm. Cả nhà cùng nhau làm món bò nướng lá lốt. Đúng lúc, có hai bạn học đến chơi và được mời ở lại dùng bữa. Để các cháu thoải mái, chị dọn mâm cho chúng trước. Thế mà khi ngồi vào bàn, chẳng đứa nào biết mời người lớn một tiếng! Chúng vừa nhẩn nha ăn vừa trò chuyện đến 2 giờ, trong khi cả nhà đang chờ đến lượt vào bàn. Đến nước này, chị Trang đành nhắc khéo "Tin ăn xong rủ các bạn lên lầu chơi đi"... Đáng lo là tình trạng này hiện khá phổ biến trong các gia đình!

Con cái vô tâm là một phần trách nhiệm lớn từ phía cha mẹ và gia đình.

Trẻ nhỏ chịu tác động và ảnh hưởng từ những môi trường sống xung quang, gia đình và cha mẹ. Điều này ảnh hưởng lớn đến tư duy và quá trình hoàn thiện nhân cách của trẻ nhỏ.

Ngày nay xã hội phát triển cùng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, trẻ nhỏ sớm được tiếp xúc với các loại hình giải trí mang tính chất bạo lực hay thế giới ảo làm cho trẻ bị chai lỳ cảm xúc. Hơn nữa, sự đua đòi theo bạn bè, thần tượng là một phần lớn tác động đến lối sống, nhân cách và thái độ của trẻ.

Luôn sợ con khó, khổ hay thiệt thòi so với bạn bè là tâm lý chung của những bậc phụ huynh đặc biệt là những gia đình có điều kiện. Chính điều này đã tạo điều kiện giới trẻ ỷ lại vào cha mẹ, chỉ biết đòi hỏi mà quên đi cảm xúc, suy nghĩ của người khác. Mặt khác, cha mẹ không dành thời gian hoặc giáo dục con cái đúng cách tạo khoảng trống để con cái phát triển tự nhiên một cách thái quá, không có trách nhiệm với bản thân và cuộc sống của mình.

Bên cạnh đó, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự vô tâm của trẻ đó là hành động bắt chước ở người lớn, thường là cha mẹ hoặc những người có ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ. Khi cha mẹ quá coi trọng đồng tiền và chạy theo nhu cầu vật chất mà quên đi quan tâm đến người thân trong gia đình thì vô hình là tấm gương xấu cho con cái.

Định hướng cho con không bị chai lỳ về cảm xúc

Nghĩ cho cùng, người lớn chúng ta chớ vội trách con trẻ, mà nên xem lại cách dạy dỗ con của mình đã đúng chưa. Cha mẹ nào cũng yêu thương con, luôn mong muốn con khi bước ra đời sẽ được xã hội đón nhận với cái nhìn đầy thiện cảm. Do vậy, hơn ai hết, ngay từ khi con bước vào tuổi mẫu giáo, người làm cha mẹ phải biết "gieo mầm" những đức tính tốt như biết quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ người xung quanh... cho con trẻ.

Dành thời gian cho con nhiều hơn để giúp con trẻ khám phá những cảm xúc và phát triển nó theo hướng tích cực. Khi giới trẻ phải đối mặt với những khó khăn, khổ cực thì sẽ có những cái nhìn đồng cảm và chia sẻ với những hoàn cảnh tương tự, vì vậy để giới trẻ trải nghiệm là một điều rất tốt. Tuy nhiên sự trải nghiệm đó phải có sự giám sát chặt chẽ của cha mẹ. Bên cạnh đó, không nên để cho giới trẻ hưởng thụ quá sớm nhờ vảo bố mẹ.

Cha mẹ nên có những cách dạy con biết yêu thương và chia sẻ với người khác ngay từ khi còn nhỏ.

Phát hiện những suy nghĩ trái chiều tốt đẹp và định hướng lại suy nghĩ phù hợp với lứa tuổi của con cái là điều quan trọng cần phải làm của các bậc phụ huynh. Không nên con cái tiếp xúc với bạo lực hay những tổn thương về tình cảm quá sớm khiến trẻ sẽ bắt chước và thử cho biết. Trên mỗi chặng đường của con cái, cha mẹ cần phê bình, góp ý thẳng thắn để có thể cùng con hoàn thiện nhân cách và cảm xúc.

Để con cái biết đồng cảm, chia sẻ và quan tâm tới mọi người thì cha mẹ phải là người tiên phong làm điều đó. Có thể sau những hành động tích cực của cha mẹ, con cái sẽ tự hành động theo mà không cần phải nói thành lời.

Khi sinh ra, mọi đứa trẻ đều như nhau. Sống và hành động của con cái như thế nào trong xã hội là trách nhiệm nặng nề của con cái. Khi cha mẹ không vô tâm hoặc xem nhẹ việc dạy dỗ giáo dục con cái của mình thì cũng bớt đi rất nhiều những hành động vô cảm đến rợn người của giới trẻ.

Đức An (Tổng hợp)ĐSPL