Dòng sự kiện:

"Trị" thói ham hư vinh của con trẻ

18:31 13/07/2015
Trong cuộc sống hiện nay, trẻ em được nuông chiều quá mức dễ hình thành thói hư vinh, điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến tương lai của trẻ.

Trẻ có tâm lý so sánh là điều bình thường, điều này có liên quan đến đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ.Trẻ nhỏ có mong muốn được biểu hiện, chúng luôn muốn có đồ chơi đẹp, quần áo đẹp…Nhưng tâm lý so sánh này trở nên quá mức, không thiết thực sẽ trở thành lòng ham hư vinh, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tâm lý của trẻ.

Lòng ham hư vinh có nhiều biểu hiện khác nhau nhưng cơ bản nhất phủ định bản thân trong cuộc sống hiện tại, tạo ra một bản thân giả trong tưởng tượng, đánh giá cao giá trị của bản thân để người khác ngưỡng mộ và thán phục, tôn trọng mình.

Nguyên nhân chủ yếu hình thành thói hư vinh ở trẻ bắt nguồn từ gia đình. Do các gia đình hiện đại có rất ít con nên cha mẹ thường sợ con mình tủi thân, thua kém các trẻ khác nên không tiếc tiền khi mua cho trẻ nhiều thứ như: quần áo, giày dép, đồ dùng để trẻ không kém cạnh so với bạn bè. Do sự dung túng của cha mẹ nên tham vọng của trẻ ngày càng phát triển một cách thiếu kiếm soát hơn. Ngoài ra, một số cha mẹ hay yêu chiều con một cách quá mức, thường xuyên khen ngợi ưu điểm, che giấu khuyết điểm, khiến trẻ nhìn nhận bản thân mình là con người toàn diện, không có khả năng chịu đựng được khi thấy người khác hơn mình.

Trong quá trình trưởng thành, những trẻ như vậy thường gặp rất nhiều vấn đề.  Để thoả mãn thói hư vinh của bản thân, trẻ sẽ thường xuyên có những biểu hiện như nói dối, tâm trạng không ổn định, không chăm chỉ học hành, thiếu ý chí. Rõ ràng thói hư vinh là dạng tâm lí đáng sợ ở trẻ cần được cha mẹ uốn nắn, chỉnh sửa bằng cách áp dụng những phương pháp cần thiết.

Cách phòng trị thói hư vinh ở trẻ

Mỗi người dù nhiều hay ít đều có lòng ham hư vinh nhất định, trẻ cũng không ngoại lệ. Nhưng nếu quá ham hư vinh sẽ không có lợi cho sự trưởng thành của trẻ.

Mỗi lời nói, việc làm của cha mẹ đều ảnh hưởng đến trẻ. Bởi vậy, cha mẹ cần là tấm gương sáng cho trẻ. Trước tiên, cha mẹ nên tỏ thái độ của bản thân, không nên so bì với người khác và theo đuổi sự hưởng thụ một cách mù quáng. Cha mẹ cũng không nên tuỳ tiện liên tục mua đồ cho trẻ, vì làm như thế sẽ làm cho trẻ cảm nhận mình nhận được những món quà đó là điều đương nhiên và trẻ có quyền hạch sách đòi cha mẹ đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ. Thói quen đó sẽ khiến thói hư vinh của trẻ không ngừng phát triển.

Cha mẹ cần chú ý đến sự thay đổi trong tâm trạng và suy nghĩ của trẻ, có những bậc cha mẹ vì không muốn con bị tủi thân mà thường xuyên đáp ứng đòi hỏi của trẻ, một số khác lại áp dụng biệt pháp đánh mắng trẻ. Tốt nhất là cha mẹ nên phân tích điều hay lẽ phải cho trẻ hiểu, cho trẻ biết so với người khác việc mình dùng đồ hiệu không có nghĩa là bản thân có vị trí cao hơn, chỉ những thành công có được dựa trên sự cố gắng nỗ lực của bản thân mới có thể khiến người khác tôn trọng. Dạy trẻ nên căn cứ vào nhu cầu của bản thân để mua đồ chứ không so bì với người khác, mua về những thứ bản thân không cần đến; dạy trẻ cách chi tiêu sáng suốt, có thể giảng giải cho trẻ hiểu về tình hình thu - chi của gia đình hoặc những khó khăn của cha mẹ để đảm bảo chi tiêu cho cả nhà.

Cha mẹ nên tạo cơ hội để trẻ có được thứ mình muốn dựa trên chính sức lao động của bản thân. Chẳng hạn, nếu đòi hỏi của trẻ là hợp lí, cha mẹ có thể tạo cơ hội cho trẻ, để trẻ dùng số tiền kiếm được bằng sức lao động của mình mua thứ đồ mình cần. Ví dụ, dạy trẻ chăm sóc vườn rau đến mùa thu hoạch và trả thù lao cho trẻ, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, để trẻ hiểu được sự vất vả của cha mẹ khi đáp ứng đòi hỏi của trẻ.

Cha mẹ không nên khen ngợi trẻ một cách quá lời, hay che giấu nhược điểm của trẻ. Cha mẹ cần khen ngợi những hành vi phù hợp chuẩn mực đạo đức của trẻ, nhưng không nên khen trẻ quá lời. Đối với những nhược điểm, lỗi lầm của con, cha mẹ cần kịp thời chỉ ra cho trẻ thấy, giúp trẻ phân tích nguyên nhân và động viên trẻ từng bước khắc phục.

Đức An (Tổng hợp)/ĐSPL