Dòng sự kiện:

Truyện cổ tích: Sự tích hòn vọng phu

02:09 01/08/2015
Hòn đá ấy ngày nay vẫn còn trên đỉnh núi ở bên cửa biển Đề Gi, thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Người ta vẫn gọi là đá Trông Chồng hay đá Vọng Phu.

Ngày xửa ngày xưa có hai vợ chồng nghèo mãi mới sinh được 2 mụn con.

Năm ấy, đứa con lớn là con trai lên mười một còn đứa con nhỏ là con gái lên sáu. Hàng ngày đôi vợ chồng trước khi ra ngoài đồng làm hay đi đâu vắng thường để hai đứa ở nhà và dặn anh nhớ trông nom em gái cẩn thận.

Hôm ấy, trước khi đi làm đồng, người mẹ có đưa cho hai đứa con của mình một cây mía và dặn đứa con lớn bảo ở nhà nhớ chặt cho em gái ăn.

Đứa anh ở nhà dùng dao chặt mía cho em gái, không ngờ rằng khi đứa anh vung dao lên chặt, chiếc dao chợt bị tuột cán, lưỡi dao văng vào đầu em. Cô em gái ngã ra bất tỉnh nhân sự, máu chảy lênh láng trên nền nhà.

Hoảng hốt và tưởng em gái mình đã chết, đứa anh bỏ nhà trốn đi vì sợ bố mẹ về đánh.

Cậu bé cứ đi mãi đi mãi, trong năm tháng lưu lạc, cậu lúc thì tá túc nhà này, lúc thì ăn xin nhà khác. Trong suốt hơn 15 năm, cậu ta cũng không biết mình đã đi qua những nơi nào, ăn cơm của biết bao nhiêu nhà. Cho đến cuối cùng, cậu được một người đánh cá tốt bụng ở vùng biển Bình Định nhận làm con nuôi. Từ đó cậu gắn liền với nghề chài lưới và lênh đênh trên sóng biển.

Thời gian thấm thoắt như thoi đưa, rồi cuối cùng cậu ta cũng lấy vợ. Cậu kết duyên cùng một người đàn bà cũng rất thạo nghề đan lưới. Mỗi lúc khi thuyền của người chồng cập bến, người vợ ra lấy số cá mà chồng đánh được để mang ra chợ bán. Sau hai năm, hai vợ chồng cũng sinh được một đứa con, họ cảm thấy rất vui mừng và sung sướng.

Một hôm, có bão về, biển động rất mạnh, người chồng không ra khơi nữa mà ở nhà vá lưới. Ăn cơm trưa xong, người vợ xõa mái tóc đen nhánh của mình ra để nhờ chồng bắt chấy, đứa con thì tập đi chập chững trên sân.

Truyện cổ tích sự tích hòn vọng phu (Ảnh bìa)

Đang trong lúc bắt chấy, người chồng thấy vợ có cái sẹo to bằng đồng tiền ở trên tai, anh rất ngạc nhiên vì từ trước tới giờ mái tóc dài của người vợ đã che đi cái sẹo mà giờ anh mới biết. Anh hỏi người vợ rằng lý do gì lại có vết sẹo to vậy ở trên đầu. Người vợ vui miệng kể lại:

-Cũng cách đây 20 năm rồi, tôi còn bé tí mới lên sáu, anh trai tôi chặt mía đã vô tình làm dao văng vào đầu tôi làm tôi bị ngất đi. Khi tỉnh lại tôi mới biết rằng hàng xóm có người đi ngang qua nhìn thấy đã gọi mọi người sang sơ cứu cho tôi, lúc đó bố mẹ tôi về vội đi tìm thầy thuốc. Cũng rất may là tôi còn sống để còn nhìn được cha mẹ tôi, nhưng tôi đã mất đi người anh mình chỉ vì anh ấy nghĩ rằng tôi đã chết mà sợ quá bỏ đi.

-Cha mẹ tôi tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn không hay tin tức gì về anh trai, thương nhớ con quá nên không ít lâu sau thì hai người lần lượt ngã bệnh nặng và qua đời

-Về phần tôi, vì cha mẹ mất hết nên không cái ai để nương tựa, tôi lại bị người xấu lập mưu cướp hết tài sản và đem bán tôi cho thuyền buôn. Tôi cũng nay đây mai đó và cuối cùng là gặp anh và thành vợ của anh.

Sau lưng người vợ, nét mặt của chồng mỗi lần một biến sắc khi biết là mình đã lấy nhầm phải em ruột. Lòng người chồng càng bị vò xé vì tin cha me đã mất do thương nhớ anh. Nhưng chồng vẫn cố ngăn cảm xúc của mình, gói kín sự bí mật đau lòng đó lại, không cho vợ biết.

Qua mấy ngày sau, sóng gió yên lặng, người chồng chở lưới ra biển đánh cá. Nhưng lần này một đi không bao giờ trở lạị

Người vợ ở nhà trông đợi chồng ngày một mòn mỏị Tại sao sau khi đánh cá xong, giữa lúc đêm tối, mọi người đều cho thuyền chở về đất liền, thì chồng mình lại dong buồm đi biệt.

Mỗi chiều nàng lại bồng con trèo lên hòn núi ở cửa biển, con mắt đăm đăm nhìn về phía chân trời mù mịt. Tuy nước mắt bấy giờ đã khô kiệt, nhưng người đàn bà vẫn không quên trèo núi trông chồng.

Cái hình bóng ấy đối với dân làng thành ra quen thuộc. Về sau cả hai mẹ con đều hóa ra đá, trở thành hình bóng quen thuộc vĩnh viễn.

Hòn đá ấy ngày nay vẫn còn trên đỉnh núi ở bên cửa biển Đề Gi, thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Người ta vẫn gọi là đá Trông Chồng hay đá Vọng Phu.

>> XEM TRUYỆN CỔ TÍCH:

[mecloud]YhjV9UVaDg[/mecloud]