Dòng sự kiện:

Truyện cổ tích: Sự tích Tết Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng)

03:31 22/02/2016
Rằm tháng Giêng, hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, mẹ hãy kể cho bé nghe sự tích của ngày lễ đầy ý nghĩa này nhé.

 

 

 

Ngày 15/1 hay ngày rằm tháng Giêng là một trong những ngày rất quan trọng với phong tục người Việt Nam. Người ta cho rằng: 'Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng'. Và cũng có rất nhiều truyền thuyết về ngày Tết này, dưới đây là một trong những sự tích về rằm tháng Giêng, hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu.

Sự tích xưa ghi lại câu truyện về một con thiên nga vốn là giống thiên nga trên trời, được Ngọc hoàng yêu quý. Một hôm, thiên nga từ trên thiên đình bay xuống hạ giới rong chơi.

Thật không may, một người thợ săn nhìn thấy và đã vô tình bắn chết con thiên nga. Việc này đến tai Ngọc Hoàng thượng đế, người rất tức giận và thay vì trừng phạt người thợ săn, Người ra lệnh trừng phạt tất cả muôn loài dưới hạ giới. Ngọc Hoàng sai một đội quân Thiên binh thiên tướng đúng ngày 15 tháng 1 hàng năm xuống thiêu rụi mặt đất, không cho con người và động vật sống.

Ngày 15 tháng 1 hàng năm đã được nhân dân chọn làm ngày Tết Nguyên Tiêu và hình thành phong tục treo đèn lồng trong ngày này. (Ảnh minh họa)

May thay, trên thiên đình vẫn có những vị thần không tán thành cách làm của Ngọc Hoàng, lệnh trừng phạt này quá khắt khe và nặng nề. Họ đã liều mình, bí mật xuống hạ giới và bầy cho chúng sinh kế để thoát nạn. Thế là vào ngày 15 tháng giêng hàng năm, nhà nhà đều treo đèn lồng đỏ và bắn pháo hoa để khi Ngọc Hoàng nhìn xuống tưởng rằng nhà cửa, làng mạc ở dưới đã bị phóng hỏa, thiêu rụi. Nhờ đó mà loài người và muôn thú mới thoát khỏi họa diệt vong.

Kể từ đó đến nay, ngày 15 tháng 1 hàng năm đã được nhân dân chọn làm ngày Tết Nguyên Tiêu và hình thành phong tục treo đèn lồng trong ngày này. Mọi người nấu cỗ, bày tiệc, sum họp bên gia đình, mừng một năm mới bắt đầu bình an, may mắn. Đèn lồng cũng vì thế mà phát triển ra nhiều loại khác nhau như đèn lồng cá chép, đèn rồng, phượng...

Theo Khám Phá