Dòng sự kiện:

TS dạy trẻ đi trên thủy tinh từng ủng hộ việc... đánh trẻ

22:13 26/08/2015
TS. Phan Quốc Việt - chủ biên cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1” dạy trẻ đi trên thủy tinh gây xôn xao cũng là người ủng hộ việc đánh trẻ.
Sau đây là nguyên văn bài tâm sự về cách dạy con trong gia đình "Đánh con để giữ gia quy" TS. Phan Quốc Việt từng được đăng trên Facebook cá nhân của ông:

"Trong quá trình dạy con, quan điểm của tôi là không nên lấy bạo lực làm phương tiện chủ đạo, nhưng phải có ít nhiều. Tôi nhấn mạnh là phải có ít nhiều, chứ không không nên lạm dụng. Tuy nhiên, trước khi đánh, cần phải “hỏi tội” rõ ràng, phân minh, để trẻ thấy rằng mình bị trừng phạt là xứng đáng.

Không được đánh khi tức giận

Có một số nguyên tắc khác trong việc đánh con:

1. Không được đánh khi tức giận, phản ứng tức thời, bạ đâu đánh đấy và vung tay quá đà...

2. Chỉ đánh vào mông, không được bạt tai…

3. Thứ ba là việc đòn roi không được xem là mục đích mà chỉ là cứu cánh. Mục đích của đòn roi phải là khiến đứa trẻ nhận thức được lỗi của mình.

Câu nói của các cụ ngày xưa “Yêu cho đòn cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” vẫn đúng. Bởi việc đòn roi còn làm cho trẻ nhận thức được xã hội là như thế nào: Cuộc sống thực rất khắc nghiệt, và nếu sai, sẽ phải trả giá.

Muốn danh chính ngôn thuận trong việc đòn roi, cần phải có gia quy. Nghĩa là những lúc bố mẹ và con cái bình tĩnh, hãy thống nhất với nhau những việc không được phép làm, và quy định cụ thể, nếu “phạm tội” thì hình thức xử phạt thế nào. “Pháp có pháp quốc, gia có gia quy” mà. Điều này tránh sẽ tránh được tình trạng bố mẹ vừa lập pháp, vừa là hành pháp, vừa là tư pháp.

Có những ý kiến cho rằng việc trừng phạt đòn roi sẽ hạn chế sự tự do, sự sáng tạo của trẻ, nhưng thế nào là tự do? Anh được làm mọi thứ mà “gia quy” không cấm. “Kỷ luật là tự do”. Ngay đạo Phật cũng có giới định tuệ: phải có giới hạn, có ranh giới thì mới ổn định, mới minh mẫn thông tuệ.

Đương nhiên, cũng có những khi, bố mẹ và con cái khó mà thống nhất được về những việc được làm, không được làm, việc nào là đúng, việc nào là sai. Vì sự khác nhau giữa các thế hệ. Nhưng nhiều khi chúng ta phải chấp nhận điều này.

Giả sử cái mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái không thể dung hòa được, thì cũng có một bài học được rút ra: Các con phải biết chấp nhận, vì xã hội vốn có những mâu thuẫn như vậy. Một bài học khác là tranh cãi đúng sai nhiều khi không để làm gì. Người Việt mình nhiều khi quá tập trung vào đúng sai, mà quên đi việc tìm ra giải pháp.

Nếu thấy mình sai, bố mẹ phải xin lỗi con

Tất nhiên, nếu bố mẹ nhận ra mình sai thì phải xin lỗi con. Có lần tôi đã đánh oan đứa con út, và lúc nó ngủ tôi ân hận quá, thương quá đã khóc. Bà ngoại kể lại cho chúng, và chúng trêu tôi: “Bố đánh cho đau nữa vào rồi tối ôm mặt mà khóc”.

Không nên dùng đòn roi lúc mình tức giận và ngay cả khi những đứa con đang tức giận cũng không nên. Lúc đó, cha mẹ nên tránh đi, để lúc khác “xử lý”.Thói thường “cả giận mất khôn” ta sẽ làm những hành động thái quá. “Thái quá thường bất cập”.

Cách dạy dỗ của phương Đông cho trẻ biết chấp hành kỷ luật. Tôi ủng hộ điều này còn vì cách dạy này đem lại cho trẻ nhiều cảm xúc, nhiều gam màu cuộc sống, sống thật với cuộc sống đời thường. Thế giới vẫn còn bạo lực vẫn chiến tranh liên miên, vẫn còn án tử hình….. Ngay trong thể thao vẫn kèn cựa, ngáng nhau thậm chí có những môn chỉ chuyên đấm đá nhau thật lực, càng ra đòn khỏe càng được hò reo cổ vũ càng được nhiều điểm.

Ngày nay trẻ con bị ép ăn quá nhiều mà bị cấm chơi

Một phương pháp dạy con nguy hiểm hiện đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam là vừa không bao giờ dùng đòn roi, lại cũng không bao giờ cho con trẻ nghịch ngợm. Điều này biến trẻ con thành những con robot, không biết cuộc sống thực tế là gì.

Trẻ em đang sống trong một môi trường hẹp quá. Ta sợ con hư, không cho ra đường rồi nó ở nhà thì hỏng hẳn, bị trầm cảm, bị tự kỳ ám thị. Ngày nay trẻ bị ép ăn quá nhiều mà cấm được chơi, quá vô lý.

TS. Phan Quốc Việt - chủ biên cuốn sách về kỹ năng gây tranh cãi.

Cách dạy dỗ của phương Tây cho trẻ quá tự do, muốn làm gì thì làm. Họ đề cao chống bạo hành trẻ em tới mức cực đoan, nhưng người lớn lại hành xử bạo lực. Ở Mỹ chuyện trẻ em giết người hàng loạt là có, và chúng học từ người lớn. Chính những nước hô to nhất về chống bạo lực trẻ em lại dùng bạo lực với các quốc gia khác, bắn giết trẻ em, ném trẻ em vào lửa.

Nhiều ông bố bà mẹ không đánh con, nhưng lại hành hạ chúng bằng cách nhiếc móc. Điều này còn nguy hiểm hơn cả những cái roi, vì sẽ để lại những vết sẹo trong tâm hồn trẻ, vì chúng rất nhạy cảm. Nhiều đứa trẻ bề ngoài tỏ ra ngoan ngoãn, nhưng bên trong thì lại bão táp, hoặc bị tự kỷ.

Những bậc cha mẹ đánh đập quá mức con cái của mình là do vấn đề của họ. Nhiều khi người ta khổ quá, khó khăn quá mà không giải quyết được. Hoặc đôi khi giận vợ giận chồng, thì người ta cũng trút lên đầu con. Tóm lại, người ta dùng con để xả nỗi đau khổ, tuyệt vọng của chính minh.“Giận cá chém thớt” hoàn toàn không nên.

"Mẹ đánh con thật à?"

Tôi có hai thằng con, học rất khá, đều được học bổng đi học nước ngoài. Tôi nghĩ một phần các cháu nên người là nhờ sự nghiêm minh của vợ tôi. Vợ tôi 16 đời Hà Nội, gia đình chủ yếu làm nghề giáo, nhưng vợ tôi đánh con còn nhiều hơn tôi. Thằng con cả học năm thứ nhất đại học đi chơi về muộn mà không xin phép, vợ tôi lấy thước ra.

Thằng bé cao 1m75, nặng 80 cân, hỏi mẹ: “Mẹ đánh con thật à?”. Vợ tôi ngước mắt lên nhìn nó: “Sao không đánh? Nhưng, con nằm xuống, chứ con cao thế mẹ đánh sao được”. Trước khi đánh vợ tôi bao giờ cũng để các con tự nhận lỗi đúng gia quy. Có lần vợ tôi đánh thằng bé, thấy nó không đau, vợ tôi biết ngay là cu cậu láu cá đã tranh thủ mặc nhiều xịp thế là bị gia tăng mức án lên 1 roi.

[mecloud]ygQhNv8kgz[/mecloud]

Quan trọng nhất trong gia quy phải có đầy đủ cơ chế thưởng phạt. Có thành tích phải đươc khen thưởng, động viên khích lệ đúng mức. Âm dương hài hòa mới hợp với lẽ trời lẽ đời. Thiên lệch là mất thăng bằng là sai với tự nhiên.. Tôi nghĩ là để trẻ con có thể gia nhập thế giới thực, cuộc sống thực, trải nghiệm đầy đủ sắc màu cuộc sống: Kỷ luật phải nghiêm minh vui chơi cần hết minh.

Việc này tôi cũng áp dụng cho cơ quan. Khẩu hiệu ở cơ quan tôi: “Kỷ cương & Yêu thương”. Ở đây tôi chỉ kể về cách chúng tôi dạy con để tham khảo chứ không phải là lời khuyên cho các gia đình khác. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cành”".

Trước đó, ngày 24/8, trên mạng xã hội facebook, bài học về lòng dũng cảm ở cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” khiến nhiều phụ huynh phát hoảng.

Ngoài nội dung, câu chuyện còn được minh họa bằng hình ảnh một em bé đi gái đi chân trần trên một lớp mảnh vỡ thủy tinh khá dày trên nền nhà.

Đây là cuốn sách “Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1” do TS. Phan Quốc Việt (chủ biên) và đồng tác giả Nguyễn Thị Thùy Nương (nhóm Tâm Việt) biên soạn. Nhà xuất bản giáo dục phát hành.

 

Nhiều bậc phụ huynh hốt hoảng cho rằng tại sao lại có cách dạy phản khoa học, nguy hiểm đến như vậy? Tại sao lại có thể xui trẻ con đi trên mảnh thủy tinh, chẳng khác nào dạy trẻ con tự cầm dao cứa tay mình?.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Việt – chủ biên cuốn sách khẳng định, bài tập trải nghiệm đi trên thủy tinh hoàn toàn không gây nguy hiểm cho học sinh. Thậm chí, ông đã cho học sinh mẫu giáo trải nghiệm với bài tập này nhiều lần... mà không sao.

Ông Việt cho hay, nếu không tin, ông sẵn sàng cung cấp số điện thoại của phụ huynh để kiểm chứng.

“Trong các tai nạn hàng ngày (đổ vỡ ở nhà hay tai nạn giao thông) thường xảy ra với thủy tinh thế nên tôi chọn tình huống hay gặp nhất để cho học sinh trải nghiệm. Thực tế, bài tập này rất an toàn. Về mặt lý thuyết, khi ta tạo ra các mảnh thủy tinh có diện tích bằng bao diêm và tạo thảm đổ dày khoảng 5cm thì khi các mảnh có mũi nhọn nổi lên vì thiết diện bé nên nó chịu áp suất lớn và bị đè chìm xuống phía dưới. Còn những mảnh nào to, nằm ngang do thiết diện lớn, áp suất chia đều, bé và nổi lên nằm lại trên bề mặt. Khi bước trên đó sẽ rất êm”, TS Việt phân tích.

Cũng theo ông Việt: “Chúng tôi tạo ra những bài tập thực hành kỹ năng sống để trẻ em đối mặt với những rủi ro, khủng hoảng, đổ vỡ, trong cuộc sống đời thường của các em, các em sẽ phải đối diện với những tai nạn thường xảy ra trong cuộc sống như: nhà đổ, gãy cây, tai nạn giao thông, kính bị đập... luôn kèm theo mảnh thủy tinh vỡ. Điều quan trọng nhất của các em là phải đủ dũng cảm, bình tĩnh để có thể đối mặt với rủi ro để tự cứu mình và cứu người khác. Việc mọi người sợ hãi là do những ám ảnh sai lầm đem lại”.

Khánh Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Video đang được quan tâm:

[mecloud]jIvWMIIkwr[/mecloud]