Dòng sự kiện:

TS. Vũ Thu Hương: 'Con cần được chuẩn bị vào lớp 1 từ năm 1 tuổi'

Theo VNM - PL.XH
14:49 03/03/2017
"Con cần được chuẩn bị vào lớp 1 từ năm 1 tuổi. Tôi nói vậy chắc nhiều phụ huynh ngạc nhiên lắm nhưng thực tế là vậy" - Tiến sĩ Vũ Thu Hương khẳng định.

Việc các bậc phụ huynh cho con đi học thêm một số lớp trước khi vào lớp 1 xảy ra khá phổ biến hiện nay. Điều này cũng dễ hiểu do bố mẹ quá lo lắng không biết con em mình có thể hòa nhập nhanh với môi trường tiểu học hoàn toàn mới mẻ hay không. Cùng trò chuyện với Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) về vấn đề chuẩn bị cho con vào lớp 1.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương (ở giữa), giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội). (Ảnh: NVCC)

- Xin chào Tiến sĩ Vũ Thu Hương, trước đây, khi con chuẩn bị vào lớp 1, tâm lý của chị như thế nào? Thông thường các bậc phụ huynh lo lắng và sốt sắng lắm. Là mẹ, cũng là người có kinh nghiệm trong ngành giáo dục, tâm lý của chị chắc hẳn khác số đông?

Theo tôi, việc lo lắng, sốt ruột của các cha mẹ xuất phát từ vài lý do sau đây:

- Các mẹ lo không biết con mình có bị tụt hậu hay không, có kém cỏi so với bạn bè hay không, có học được hay không. Là người làm trong ngành, tôi biết trẻ nhỏ hầu hết (đến 99,9%) có thể dễ dàng học xong chương trình giáo dục tiểu học. Vì thế, việc lo ngại này đôi khi không cần thiết và không có nhiều lý do.

- Các cha mẹ lo con điểm kém sẽ cảm thấy thua kém bạn bè, tự tin, thu mình lại và có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Tuy nhiên, sự thật thì trẻ không biết, cũng không có khả năng so sánh (vào lớp 1 con mới bắt đầu học các bài so sánh đầu tiên). Vì thế, với trẻ, điểm 2 cũng như điểm 6, điểm 10, trẻ sẽ không cảm thấy khác biệt gì nếu như không có sự can thiệp của cha mẹ như những lời cảm thán, lo lắng, hoặc thậm chí sỉ vả con như: “Con xem con người ta học giỏi thế kia…”

- Các cha mẹ thấy con sáng láng, nhanh nhẹn, hoặc chính bản thân cha mẹ ngày nhỏ học khá giỏi nên đã mong chờ ở một kết quả tốt đẹp khi con bước chân vào lớp 1. Vì thế, các cha mẹ lo lắng nếu con không được thứ hạng cao sẽ khiến con có cảm giác chán nản. Tuy nhiên, kết quả học tập của trẻ còn phụ thuộc vào rất nhiều các nguyên nhân khác nhau. Vì thế, dù có lo lắng mấy thì cha mẹ cũng chẳng thay đổi được gì nếu như không xác định rõ các nguyên nhân.

Bản thân tôi ngày nhỏ học cũng chỉ ở mức khá trong lớp chứ không giỏi. Sau này trưởng thành, tôi vẫn có thể làm được khá nhiều việc mà bản thân hài lòng và có đóng góp cho xã hội. Vì thế, tôi không hề có cảm giác lo lắng mà chỉ rất háo hức mong chờ đến ngày con đi học. Bởi vì với tôi, ngày đó đánh dấu 1 mốc vô cùng quan trọng trong cuộc đời của con.

Con Tiến sĩ Vũ Thu Hương khi ở giai đoạn tiểu học. Hiện tại cháu đã học lớp 11. (Ảnh: NVCC)

- Các mẹ thường cho con đi học trước một số lớp trước khi vào lớp 1, chị nghĩ sao về vấn đề này? Phải chăng đó chỉ là cách để an ủi tinh thần bố mẹ, chứ không hề có tác dụng với trẻ?

Tâm lý phụ huynh quá khao khát mong chờ kết quả tốt đẹp. Mong muốn con có một loạt các kết quả học tập tốt nhất, cha mẹ đã lo lắng và tin rằng: Khởi đầu sớm sẽ có lợi thế. Để giành cho con lợi thế trong cuộc cạnh tranh với bạn bè, cha mẹ. Tuy nhiên, thực tế trong giáo dục, kết quả không quá quan trọng. Điều quan trọng chính là quá trình giáo dục trẻ diễn ra thế nào. Hơn nữa, tính cách của con người sẽ quyết định tương lai của chính họ. Kết quả học tập chỉ có giá trị tức thời.

Cha mẹ ép con đi học trước vừa khiến con áp lực, sợ học, vừa khiến não con phải làm việc quá tải. Ngoài ra, khi con đã đi học trước rồi, đến lớp, con sẽ không tập trung vào bài dạy của cô giáo nữa. Hiện nay còn có tình trạng lớp các cháu học trước đến 90%, điều này khiến cho cô giáo buộc phải dạy nhanh, dạy vượt chương trình hoặc đưa ra các bài luyện tập quá nhiều. Sức ép thành tích mỗi ngày một tăng cao, gây mệt mỏi cho lũ trẻ.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh còn lo lớp và cô giáo chủ nhiệm sẽ thế nào, nên đổ xô cho con vào lớp chọn. Thực tế theo tôi, lớp chọn chẳng có ưu điểm gì nhiều hơn lớp thường ngoài bề dày thành tích của các cô. Thành tích đó có thể đến từ kết quả các cuộc thi giáo viên dạy giỏi của các cô, các danh hiệu các cô đạt được. Lớp chọn lại rất đông vì cha mẹ nào cũng muốn con vào đó học. Vì thế, đôi khi cô quá tải, không thể chăm lo được cho các con.

- Theo chị, bố mẹ nên chuẩn bị cho con vào lớp 1 từ khoảng thời gian nào và các kỹ năng cần thiết cho trẻ vào lớp 1 cụ thể là gì?

Con cần được chuẩn bị vào lớp 1 từ năm 1 tuổi. Tôi nói vậy chắc nhiều phụ huynh ngạc nhiên lắm nhưng thực tế là vậy. Kĩ năng con cần có rất nhiều và cần được đào tạo từ lúc đó. Ví dụ: có nhiều trường hợp con đi học mà vẫn không biết xúc ăn, không biết đi vệ sinh. Đây có thể nói là những khiếm khuyết lớn của cha mẹ đã khiến con gặp vô vàn khó khăn trong những ngày đầu tiên đến trường.

Những kĩ năng cần cho con vào lớp 1 thì có rất nhiều nhưng tôi chỉ nói sơ qua ở đây:

- Kĩ năng thoát hiểm khỏi hỏa hoạn, đuối nước, xâm hại…

- Kĩ năng sắp xếp đồ dùng học tập.

- Kĩ năng đi đứng trật tự ở nơi đông người.

- Kĩ năng giữ trật tự trong lớp học.

- Kĩ năng thực hiện những yêu cầu của giáo viên khi ở lớp và khi về nhà.

- Kĩ năng giữ gìn vệ sinh chung.

- Kĩ năng giữ gìn đồ dùng học tập.

- Kĩ năng tự giác đi học và làm bài.

Ngày đầu tiên con đi học, Tiến sĩ Vũ Thu Hương tặng con một gói kẹo to bằng đúng người của con. (Ảnh: NVCC)

- Vậy còn chị, ngày đi học đầu tiên của con chị nhớ nhất điều gì?

Ngày đầu tiên con tôi đi học rất khác trẻ khác ở Việt Nam. Cháu đã được mẹ nói rất nhiều về trường tiểu học, cho con qua thăm trường nhiều lần. Con không học trước chút gì cả và thậm chí tiếng Việt còn ko nói sõi vì cháu mới ở châu Âu về.

Ngày đó, khi con kết thúc buổi khai giảng, tôi đã lên tặng con một gói kẹo to bằng đúng người của con để chúc mừng con đã bước vào 1 giai đoạn quan trọng của đời mình. Cháu rất vui và lập tức chia sẻ chỗ kẹo đó của mình cho các bạn và các anh chị lớp trên. Sau khi trở về, gia đình tôi đã có 1 bữa liên hoan rất vui vẻ để chúc mừng con. Vì thế, con tôi cảm nhận được niềm vui đi học và con rất nhiệt tình với trách nhiệm của mình.

- Để chính bản thân phụ huynh không áp lực khi con vào lớp 1, theo chị các bậc phụ huynh cần thay đổi quan niệm gì?

Như tôi đã nói ở trên, nếu cha mẹ quan tâm đến quá trình giáo dục hơn kết quả thì các cha mẹ sẽ thấy nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Các cha mẹ cũng sẽ thấy việc mình cần phải làm là dạy con tự giác học bài, dạy con yêu trường lớp, yêu cô giáo, giáo dục con đạo đức và kĩ năng thật tốt để con theo lớp vui vẻ. Đó mới là điều quan trọng chứ không phải là điểm số.

- Xin cảm ơn chị thật nhiều vì những chia sẻ này!

Nguồn: Gia đình Việt Nam