Dòng sự kiện:

'Tủ sữa mẹ miễn phí' người người ủng hộ, bác sĩ có đồng tình?

12:56 16/02/2017
Với mong ước chia sẻ nguồn sữa mẹ ngọt ngào tới những em bé thiếu sữa, chị Lê Huyền Trang đã mở tủ sữa mẹ miễn phí tại cửa hàng mình. Ý tưởng của chị nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ những người mẹ. Thế nhưng, các bác sĩ thì có nghĩ vậy không?

Những ngày gần đây, ai đi ngang đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP.HCM) cũng bất ngờ khi nhìn thấy tấm bảng nhỏ với dòng chữ: “Tủ sữa mẹ miễn phí, hãy sẻ chia để hành trình làm mẹ là tuyệt vời nhất” treo bên đường.

Ý tưởng này là của chị Lê Huyền Trang, người từng được biết đến với “Tủ đồ dành tặng mẹ và bé, ai cần thì lấy, ai thừa thì cho” từ tháng 4.2016.

Trên mỗi túi sữa có ghi ngày, giờ vắt sữa để theo dõi hạn sử dụng

Một năm để ấp ủ

Chị Lê Huyền Trang cho biết, trong quá trình thực hiện công việc của mình, nhân viên của chị gặp nhiều trường hợp các bé không được bú đủ sữa mẹ và dị ứng với sữa công thức nên chậm phát triển. Vì vậy, những nhân viên này đã ngỏ ý với một số khách hàng có nguồn sữa dồi dào để xin sữa. Từ đó chị Trang luôn trăn trở phải nhân rộng mô hình tủ sữa mẹ miễn phí để đến với nhiều bé hơn.

Hầu như các mẹ đang chăm con nhỏ sẽ không tự đến lấy sữa được, phải nhờ chồng hoặc người quen đến lấy giúp và chỉ tâm sự với chị Trang qua Facebook

Để thực hiện, chị Trang đã mất một năm để tìm hiểu các tài liệu trong, ngoài nước, hỏi ý kiến chuyên gia, bác sĩ và cả những khách hàng của mình.

Những câu chuyện lòng
Chị Trang kể, T.Q. có con được 5 tháng tuổi nhưng vẫn không có một giọt sữa nào. Q. đã làm hết mọi cách và rất stress vì vấn đề này, từ ăn uống, đắp men đến vắt ngày đêm, uống ngũ cốc nhưng sữa vẫn không về. Vậy nên con của Q. không có một giọt sữa mẹ nào từ lúc sinh, chỉ toàn uống sữa công thức. Do đó, thấy thông tin tủ sữa mẹ miễn phí, Q. mừng hơn cá gặp nước.
Còn trường hợp khác của chị N. (quận 3) - một người cho sữa là câu chuyện khiến chị Trang luôn đau lòng và day dứt mỗi khi nhắc tới. Qua điện thoại, chị N. đau xót tâm sự con của chị mất khi được 9 tháng và sữa chị vẫn còn nhiều, chị N. muốn chia sẻ nguồn sữa này tới những bé thiếu sữa mẹ nên nhờ chị Trang tới lấy về.

Chị Trang chia sẻ, tại bệnh viện tôi được phản hồi từ các bác sĩ 100% các mẹ mang thai đi sinh sẽ được xét nghiệm ít nhất 2 lần nên các mẹ sẽ biết mình có bị bệnh truyền nhiễm gì hay không. Nếu có thường bác sĩ sẽ khuyên mẹ không nên cho bé bú để tránh lây bệnh từ mẹ sang con.
Ngoài ra, theo chị Trang những mẹ vắt sữa trữ đông là do họ có nhiều sữa nhưng em bé bú không hết. Do đó khoảng 95% nguồn sữa từ tủ sữa mẹ miễn phí là an toàn, 5% còn lại là do một số mẹ không biết cách trữ đông sữa hoặc trong quá trình vắt các mẹ không ghi ngày tháng nên sữa bị hỏng.

“Sữa khi vắt ra được cho vào túi trữ sữa, sau đó cho vào ngăn đá tủ lạnh thì sẽ để được 3 - 4 tháng hoặc cho vào tủ cấp đông chuyên dụng thì để được từ 5 - 6 tháng. Sữa rã đông phải dùng hết trong ngày thì mới đảm bảo an toàn”.
Ngoài ra, vấn đề an toàn của sữa cũng là điều hết sức đáng lưu ý.

Bên cạnh đó, một số người có nguồn sữa dồi dào mà bé bú không hết cũng liên hệ với chị Trang để cho sữa. Trước khi nhận lời, chị Trang sẽ hỏi kỹ về tình hình sức khỏe của mẹ cũng như của bé để đảm bảo nguồn sữa sạch và đủ chất dinh dưỡng.

Sau khi xin sữa cho con 2 tháng tuổi, anh Hiệu cũng e ngại khi hỏi về nguồn gốc của sữa

Có những người không đến tận nơi để cho sữa được thì chị Trang sẽ nhờ nhân viên đến tận nơi để lấy và gửi tặng người cho túi trữ sữa

Xúc động nhất đó là trường hợp của chị K., chị K. chia sẻ mình bị viêm gan siêu vi B, bác sĩ cũng khuyến cáo không nên cho con bú bằng sữa mẹ nhưng chị vẫn cho con bú và sữa rất nhiều. Bé vẫn khỏe mạnh bình thường, chị K. muốn chia sẻ nguồn sữa của chị đến những mẹ thiếu sữa. Dù rất cảm kích sự nhiệt tình của chị K. nhưng chị Trang đã từ chối khéo léo. Chị Trang tâm sự: “Tấm lòng của các mẹ thật đáng trân trọng, nhưng để các bé nhận sữa đều khỏe mạnh thì tôi sẽ phải từ chối những trường hợp như thấy này”.

Lan tỏa dòng sữa mẹ

Không nhận sữa của những mẹ mắc bệnh truyền nhiễm
Chị K. chia sẻ mình bị viêm gan siêu vi B, bác sĩ cũng khuyến cáo không nên cho con bú bằng sữa mẹ nhưng chị vẫn cho con bú và sữa rất nhiều. Bé vẫn khỏe mạnh bình thường, chị K. muốn chia sẻ nguồn sữa của chị đến những mẹ thiếu sữa. Dù rất cảm kích sự nhiệt tình của chị K. nhưng chị Trang đã từ chối khéo léo.
Theo chị Trang, những bà mẹ khi cho con bú đều muốn con an toàn, cho nên nếu bản thân họ hoặc sữa có bị bệnh truyền nhiễm họ sẽ không cho sữa.

Chị Trang đã vận động chính những khách hàng của mình để có nguồn sữa đầu tiên cho tủ sữa mẹ miễn phí. Ngay từ ngày đặt tấm bảng, đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ những người mẹ có nguồn sữa dồi dào.

Để nhiều người biết đến, chị Trang cũng đăng tải thông tin về tủ sữa mẹ miễn phí lên trang cá nhân. Không ngờ, bài viết của chị nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ và nhiều fanpage về Sài Gòn cũng dẫn lại. Dù mới hơn 1 tuần, nhưng đã nhận được rất nhiều tin nhắn và cuộc gọi để hỏi cách cho cũng như cách xin sữa.

Chị Trang tâm sự, từ khi chị đăng thông tin về tủ sữa trên facebook, có nhiều mẹ đã nhắn tin chia sẻ câu chuyện của mình trước khi xin - cho sữa.

Anh Nguyễn Tất Hiệu (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng tranh thủ giờ nghỉ trưa để qua xin sữa về cho con bú. Anh Hiệu cho biết vợ mới sinh được 2 tháng nhưng do phải một mình chăm sóc con nên sữa không nhiều. Tình cờ đọc được thông tin về tủ sữa miễn phí, vợ anh đã liên hệ với chị Trang và hẹn giờ để anh đến lấy.

Hiện nay, số người đến xin sữa và cho sữa gần bằng nhau nên ngày nào nhân viên chị Trang cũng tất bật. Mỗi ngày nhận khoảng 60- 80 túi sữa (mỗi túi 250 ml) từ những người mẹ cho, bảo quản cấp đông và sẵn sàng cho bé.

Các bác sĩ lên tiếng

Sữa mẹ chỉ tốt khi nào?

Bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Hoa, Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Phó chủ tịch Hội dinh dưỡng TP.HCM cho biết sữa mẹ là tốt nhất cho đứa trẻ nhưng chỉ trong trường hợp trẻ bú trực tiếp từ vú mẹ. Thậm chí sữa mẹ vắt ra bình rồi để cho con mình bú cũng không tốt vì như vậy sữa mẹ sẽ không còn vô trùng nữa và mất toàn bộ chất béo trong quá trình lưu trữ ở bình, trẻ bú vào sẽ không lên ký.

Theo BS Hoa, thực tế nhiều mẹ lại cho muốn vắt sữa ra bình để kiểm soát lượng sữa hàng ngày mà con bú. Thế nhưng đây chính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ suy dinh dưỡng. Hiện nay BS Hoa cũng đang điều trị cho một số trường hợp trẻ suy dinh dưỡng vì phải bú sữa mẹ vắt ra bình.

“Trong trường hợp mẹ không có sữa để cho trẻ bú trực tiếp và cũng không có người cho sữa chắc chắn không bị bệnh truyền nhiễm thì sữa công thức là tốt nhất (trừ khi trẻ bị dị ứng với đạm sữa bò).

Phản đối

Còn sữa mẹ từ thiện sẽ không xác định được: người mẹ cho sữa có bị bệnh truyền nhiễm (ví dụ như Viêm gan siêu vi, HIV, Lao…) hay không; quy trình thu nhận, lưu trữ có vô trùng không và sữa mẹ sẽ bị mất chất (đặc biệt là chất béo) khi vắt ra bình nên tôi không đồng ý với việc cho - nhận sữa mẹ khi không có sự kiểm tra của các cơ quan chức năng (Sở Y tế). Trên thế giới, chỉ bệnh viện mới được thành lập ngân hàng sữa mẹ và phải tuân thủ quy trình kiểm nghiệm người cho sữa, quy trình vắt sữa, lưu trữ sữa”, BS Hoa cho biết.

BS Hoa nói thêm, Tổ chức Y tế Thế giới đã chứng minh rằng chỉ 1 - 2% các bà mẹ thiếu sữa. Vì Dù là mập hay ốm thì mỗi bà mẹ đều có 2 tỉ tế bào tiết sữa. Mẹ chỉ thực sự thiếu sữa là khi trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn và bú đúng cách mà đi tiểu dưới 6 lần/ngày và tăng dưới 125g/tuần.

"Quan niệm của người Việt là thích con bụ bẫm, mập mạp do đó thấy con không tròn trịa là nói thiếu sữa rồi lập tức cho trẻ bú bình là không tốt cho sức khỏe của trẻ trước mắt và lâu dài. Tôi xin nhấn mạnh rằng nếu nghi ngờ thiếu sữa mẹ thì các bà mẹ nên đưa con đi khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa về dinh dưỡng và sữa mẹ trước khi quyết định cho con bú bình. Đừng để làm sai có hậu quả rồi mới đi khám dinh dưỡng thì rất khó sửa chữa", BS Hoa đưa ra lời khuyên.

Đồng quan điểm, BS CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM cũng cho rằng việc cho sữa mẹ cần phải đảm bảo nguyên tắc an toàn cho trẻ. Tức là người cho sữa phải được khám và chứng minh rằng không bị các bệnh lây nhiễm qua đường sữa mẹ; sữa của người mẹ cũng được chứng minh là đủ chất lượng để nuôi dưỡng trẻ; quá trình bảo quản và sử dụng sữa phải bảo đảm an toàn về sữa mẹ dành cho nuôi dưỡng trẻ nhỏ.

“Ngoài các yếu tố trên thì dụng cụ trữ sữa cũng phải an toàn, phải được làm sạch, tiệt trùng; khi cấp đông phải để trong giới hạn nhiệt độ cho phép; thời hạn để sử dụng cũng phải trong ranh giới quy định. Người nhận sữa sẽ khó xác định được rằng từ lúc vắt sữa ra đến lúc đông đá có đảm bảo đúng quy trình không; có để bị tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay không,… Nói chung, sữa mẹ tốt là trong điều kiện trẻ bú trực tiếp từ mẹ”, BS Diệp giải thích.

Cuối cùng, BS Diệp cho rằng việc tạo ra ngân hàng sữa mẹ là tốt nhưng phải đảm bảo an toàn, vệ sinh và giá trị dinh dưỡng cho trẻ. “Việc làm tốt nào cũng xứng đáng được ghi nhận nhưng việc lập tủ sữa mẹ miễn phí là không phù hợp. Cần có kiến thức chuyên môn, cơ sở khoa học thì mới có thể thành lập và duy trì được tủ sữa mẹ miễn phí”, BS Diệp bày tỏ.

Thanh Niên

Nguồn: Gia đình Việt Nam