Dòng sự kiện:

Từ vụ bé 2 tuổi ở Bắc Ninh, chuyên gia chỉ dẫn những điều cha mẹ cần làm ngay khi nghi ngờ con bị bắt cóc hoặc mất tích

11:29 26/08/2020
Sự việc cháu bé 2 tuổi ở Bắc Ninh bị bắt cóc được giải cứu không chỉ khiến bố mẹ mà nhiều người khác cũng vỡ òa sung sướng. Đôi khi chỉ cần sơ sẩy chút là con trẻ dễ bị kẻ xấu tấn công. Dưới đây, chuyên gia chỉ dẫn những điều cha mẹ cần bình tĩnh làm ngay khi nghi ngờ con bị bắt cóc hoặc mất tích.

Điều cần làm khi nghi ngờ con bị bắt cóc, mất tích 

Vụ bắt cóc trẻ em xảy ra ở Bắc Ninh mới đây đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Cho con đi chơi ngoài công viên Nguyễn Văn Cừ (TP Bắc Binh), chỉ sơ sẩy 5 phút anh Nguyễn Văn Hưng đã không thấy con trai Gia Bảo (2 tuổi) của mình. Ngay sau đó anh đã hô hoán mọi người hỗ trợ, đồng thời thông báo lực lượng chức năng giúp đỡ tìm kiếm.

Để tìm kiếm cháu bé, Công an TP. Bắc Ninh phát đi thông báo tìm bé Gia Bảo để mọi người dân cùng hỗ trợ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tối ngày 22/8, Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Công an tỉnh Tuyên Quang giải cứu thành công bé Gia Bảo tại xóm 16, xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Từ vụ bé 2 tuổi ở Bắc Ninh, chuyên gia chỉ dẫn những điều cha mẹ cần làm ngay khi nghi ngờ con bị bắt cóc hoặc mất tích - Ảnh 2.

Bé Gia Bảo đã được đưa về với cha mẹ an toàn. Ảnh TL

Thông tin cháu bé được giải cứu thành công không chỉ khiến bố mẹ bé mà nhiều người khác cũng vỡ òa sung sướng. Tuy nhiên, sự việc bé trai 2 tuổi bị bắt cóc ở Bắc Ninh này như một hồi chuông cảnh báo với những cha mẹ trong việc để mắt đến trẻ, nhất là đi chơi ở những nơi đông người.

Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc) cho biết, loại tội phạm bắt cóc, buôn bán trẻ em ngày càng phổ biến. Giờ nó như một "nghề" phổ biến với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp khi có cung – cầu. Chúng đã tổ chức thành đường dây, tổ chức lừa gạt. Không chỉ là trẻ em đã được sinh ra mà chúng còn mua bán ngay cả khi còn ở trong bụng mẹ.

Người lớn cần luôn cảnh giác với vấn nạn loại tội phạm này. Bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em có thể gây án ở bất cứ nơi nào, nhất là chỗ đông người, với bất kỳ gia đình nào và với trẻ thuộc mọi lứa tuổi. Chúng thường chọn trẻ chơi một mình ở nơi công cộng, không có người lớn bên cạnh để tiếp cận... rồi dùng những thủ đoạn hết sức tinh vi như dùng bánh kẹo, sách truyện, đồ chơi để câu nhử, dụ dỗ trẻ đi theo hoặc giả danh người nhà của trẻ, được bố mẹ các em nhờ đón để đưa đi…

Cha mẹ cần nâng cao ý thức, không được phép nghĩ rằng con mình ở nơi này là an toàn, không có vấn đề gì. Đặc biệt là cho con chơi càng cần phải đề cao cảnh giác vì chỉ chỉ cần một phút thôi là mọi điều xấu có thể xảy ra.

Theo chuyên gia, điều cha mẹ làm ngay khi nghi ngờ con bị bắt cóc hoặc mất tích, trước tiên cần phải giữ bình tĩnh sau đó nhanh chóng báo cho công an gần nhất. Gia đình cần cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân của trẻ bị bắt cóc như ảnh, giấy khai sinh, đặc điểm ngoại hình, quần áo, thời gian, địa điểm bị bắt cóc hay mất tích… . Nếu bị tống tiền, người nhà không nên đe dọa kẻ bắt cóc để đảm bảo tính mạng cho trẻ. Có thể tỏ ra ngoan ngoãn chấp hành mọi yêu cầu của đối phương, không đe dọa đối tượng sẽ báo công an mà cần tiến hành bí mật.

Cha mẹ cũng có thể tận dụng ưu thế của công nghệ số đưa thông tin lên mạng để mọi người chia sẻ tìm kiếm trẻ mất tích.

Cần chú trọng giáo dục kỹ năng cho trẻ

TS Nguyễn Tùng Lâm (Hội tâm lý giáo dục Hà Nội) cũng đã có nhận định rằng, nguyên nhân các vụ bắt cóc trẻ em một phần do sự chủ quan, mất cảnh giác từ cha mẹ, người thân khi trông coi trẻ. Điều quan trọng để tránh là việc giáo dục kỹ năng cho trẻ vì không phải bố mẹ, người thân lúc nào cũng ở bên con trẻ để bảo vệ, trông coi.

Việc dạy kĩ năng không thể chỉ dùng lý thuyết mà cho con thực hành với những tình huống giả định tốt – xấu. Có thể cha mẹ nhờ người "dụ dỗ" con rồi đưa ra bài học để hình thành cho trẻ kĩ năng ứng phó trước nguy cơ bị bắt cóc, biến mọi hoạt động của con thành thói quen, ý thức.

Ngoài ra, dạy trẻ nhớ số máy điện thoại, họ tên của bố mẹ, địa chỉ nhà của mình…; không nói chuyện hay đi theo người lạ. Khi con còn nhỏ không nên để quá nhiều người đón khi tan học, chỉ nên để hai người thân thiết trong gia đình. Trường hợp cho người khác đến đón phải chủ động liên hệ với thầy cô qua số điện thoại, cung cấp tên và số điện thoại của người thay thế.

Để phòng tránh trẻ bị bắt cóc, mất tích, chuyên gia Lê Thị Túy cũng khuyến cáo cha mẹ khi cho con đi đâu cần lưu ý không để mặc con chơi đùa, chạy nhảy trong khi mình làm việc khác hoặc chơi điện thoại… Ngoài ra, cha mẹ cần phải dạy trẻ luôn để mắt tới cha mẹ. Trong một khu phố, siêu thị đông đúc đừng quên rời mắt khỏi con vì sợ con bị lạc thì cũng dạy trẻ luôn để mắt tới mình và khi cha mẹ khuất khỏi tầm nhìn của trẻ thì hãy gọi to lên.

Ngoài nâng cao nhận thức cha mẹ cũng cần cho con chơi quanh ở những nơi có camera. Cha mẹ có thể tận dụng ưu thế của thời đại công nghệ số. Theo đó, cài đặt ứng dụng định vị cho phép bạn theo dõi hành trình của con. Để bảo vệ trẻ, chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ an ninh trên địa bàn, tăng cường camera ở những nơi công cộng.

Phương Thuận

Link nguồn:

http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tu-vu-be-2-tuoi-o-bac-ninh-chuyen-gia-chi-dan-nhung-dieu-cha-me-can-lam-ngay-khi-nghi-ngo-con-bi-bat-coc-hoac-mat-tich-20200824131816993.htm

Theo giadinh.net.vn


TAG