Dòng sự kiện:

Từ vụ bé gái tử vong do hóc hột nhãn: Học cách sơ cứu nhanh khi trẻ hóc dị vật

23:48 17/08/2016
Những thứ tưởng như vô hại với người lớn như hạt nhãn, hạt điều, kim may, đinh gim, hạt dẻ, hạt dưa, bỏng ngô, kẹo cứng,… nhưng lại vô cùng nguy hiểm với trẻ.

Tai nạn hóc dị vật có thể xảy ra ở mọi tuổi nhưng thường hay xảy ra ở trẻ nhỏ. Trẻ em sở hữu tính tò mò rất cao. Mọi vật và mọi việc đều rất mới mẻ với trẻ nên chúng có xu hướng "thử cho biết". Tuy nhiên, trẻ em hay có xu hướng "thử bằng miệng" cao hơn là thử bằng tay, chân hay bất cứ một giác quan nào trên cơ thể. Những thứ tưởng như vô hại với người lớn như hạt nhãn, hạt điều, kim may, đinh gim, hạt dẻ, hạt dưa, bỏng ngô, kẹo cứng,… nhưng lại vô cùng nguy hiểm với trẻ. 

Mới đây, facebooker Bích Beo có chia sẻ những hình ảnh đau thương trong một bệnh viện tại Thái Nguyên, kể về một bé trai tử vong do hóc hạt nhãn.

Nhìn hình ảnh người đàn ông được cho là bố cháu bé vật vã trong nỗi đau, ôm con trai vào lòng mà không ai cầm được nước mắt.

Ngay sau khi được đăng tải, sự việc này đã thu hút hàng chục ngàn lượt chia sẻ của cư dân mạng, như một lời cảnh báo cho các bậc phụ huynh có con nhỏ nên cẩn trọng hơn khi chăm sóc con cái.

Trước đó, từng có nhiều trường hợp trẻ tử vong thương tâm do bị hóc hạt dưa hấu, học hạt chôm chôm, hóc vải và hóc nhãn xảy ra ở nhiều nơi.

Cụ thể như ngày 8/1/2016, một bé trai cũng đã tử vong do hóc chôm chôm tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM.

Hay như tai nạn hóc hạt nhãn xảy ra vào tháng 8/2014 tại thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Cháu bé ăn và ngậm hạt nhãn trong miệng nhưng do đùa nghịch hạt nhãn đã trôi tuột xuống họng và lấp kín thực quản, gây ngạt thở, tím tái khiến cháu bé tử vong do chết não.

Những thứ tưởng như vô hại với người lớn như hạt nhãn, hạt điều, kim may, đinh gim, hạt dẻ, hạt dưa, bỏng ngô, kẹo cứng,… nhưng lại vô cùng nguy hiểm với trẻ. Ảnh minh họa: Internet.

Cách phát hiện sớm trẻ bị dị vật đường thở 

- Khi trẻ đang ăn mà tự nhiên ho sặc sụa, mặt mày tím tái khó thở thì cần nghĩ ngay tới việc trẻ bị hóc dị vật đường thở và cần kịp thời đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

- Trong trường hợp trẻ bị hóc nhưng vẫn còn tỉnh táo thì tuyệt đối không được móc họng hoặc cố tình gây ói để trẻ nôn ra nhằm lấy dị vật. 

Cách sơ cứu nhanh khi trẻ hóc dị vật

Tùy theo độ tuổi và tình trạng lúc hóc dị vật để có thể có những cách xử lý đúng đắn.

Đối với trẻ dưới 1 tuổi: Sử dụng phương pháp vỗ lưng, ấn ngực


Tùy theo độ tuổi và tình trạng lúc hóc dị vật để có thể có những cách xử lý đúng đắn. Ảnh minh họa

 

Cách tiến hành:

- Đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay trái hoặc đùi của bố (mẹ), đầu hướng xuống đất. Cổ tay mẹ phải nắm chặt được phần hàm của bé để cố định đầu trẻ không bị tuột, rơi xuống. Phần đầu phải được đặt dốc hơn phần ngực.

- Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ.

- Lật trẻ ngược lại và quan sát xem có dị vật nào không. Nếu có hãy dùng ngón tay để lấy ra. Nếu dị vật vẫn chưa bật ra và trẻ vẫn chưa thở được thì dùng 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (trên rốn và dưới xương ức). Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống. Trong quá trình làm bố mẹ vẫn phải giữ tư thế đầu trẻ thấp hơn ngực

- Tiếp tục kiểm tra xem dị vật đã rơi ra chưa. Nếu chưa bố mẹ có thể lặp lại các thao tác trong khi chờ người cấp cứu đến.

Đối với trẻ lớn hơn 1 tuổi: Sử dụng Phương pháp Heimlich

- Để trẻ trong tư thế đứng người cúi về phía trước, bố mẹ đứng phía sau, hai tay ôm bụng sát trên xương ức (bàn tay ngoài nắm lấy nắm đấm của bàn tay trong lòng bàn tay này úp xuống) dùng cả thân người mình giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên để làm tăng áp lực trong lồng ngực tống dị vật ra. Cần làm động tác nhanh và dứt khoát.

- Kiểm tra xem dị vật đã được rơi ra chưa. Tuyệt đối không dùng tay móc khi chưa thấy dị vật vì thao tác này có thể khiến dị vật rơi vào sâu hơn. Bố mẹ chỉ được dùng hai ngón tay lấy dị vật khi đã nhìn thấy.

- Tiếp tục đặt trẻ nằm xuống sàn nhà trong tư thế nằm ngửa nhưng đầu nghiêng. Sau đó lấy hai bàn tay ấn vào phía trên xương ức thật mạnh từng cái một. Sau mỗi đợt ép dùng 2 - 3 ngón tay để móc khoang miệng kiểm tra xem dị vật ra chưa.

Trong trường hợp trẻ lớn hơn bố mẹ có thể yêu cầu trẻ ho để đánh bật dị vật ra ngoài.

Nếu dị vật vẫn không ra khỏi đường thở, chuyển ngay trẻ tới cơ sở y tế gần nhất. 

Cách phòng tránh trẻ bị hóc dị vật

- Không cho trẻ chơi những đồ chơi có mảnh lắp ráp quá nhỏ, có nhiều bộ phận tách rời, nhiều góc cạnh.

- Nấu thức ăn cho trẻ cần lấy hết các mạnh vụn, xương trước khi cho trẻ ăn.

- Chú ý khi cho trẻ ăn hoa quả bởi chúng có thể bị hóc hạt mà không biết.

- Tạo môi trường an toàn cho trẻ vui chơi và học tập.

Minh Sang (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam