Dòng sự kiện:

"Tuần khủng hoảng" của con và nỗi ám ảnh của mẹ

21:01 01/01/2016
Trẻ nhỏ có thể trải qua những thời điểm đang ngoan ngoãn, bỗng trở nên cáu kỉnh, quấy khóc trong khoảng 20 tháng đầu đời mà bố mẹ không cách nào dỗ bé.

[mecloud]CSyTCZcvQR[/mecloud]

Thực ra, đó là do bé đang trải qua tuần khủng hoảng – hay còn gọi là wonder week. Vì vậy hiểu về tuần khủng hoảng của con sẽ giúp bố mẹ bớt lo lắng và thấu hiểu con hơn.

Tất cả trẻ đều trải qua các giai đoạn mè nheo, quấy khóc khi xuất hiện những thay đổi lớn trong quá trình phát triển, không có bé nào là ngoại lệ. Trong những tuần khủng hoảng, đây là lúc trẻ sẽ có những phát triển vượt bậc về thể chất và các kĩ năng mới, những thay đổi lớn này giống như một cú sốc, khiến cho cuộc sống đang êm ả của trẻ bị đảo lộn, vì thế trẻ thường có xu hướng bám mẹ, không muốn ở một mình và luôn tỏ ra cáu kỉnh, khó chịu.

Trẻ không thể nói với bố mẹ về những cảm xúc khó chịu mà mình đang trải qua, vì thế, là người hiểu rõ con nhất, nếu bố mẹ hiểu và giải mã đúng những cột mốc phát triển của trẻ trong tuần khủng hoảng, sẽ giúp các bố mẹ biết cách vỗ về con hơn, chủ động tìm những đồ chơi phù hợp để giúp con cảm thấy an toàn và vui vẻ hơn.

Hai bác sĩ nhi khoa người Hà Lan là Hetty van de Rijt và Frans Plooij từng nghiên cứu về Tuần khủng hoảng của trẻ đã chia sẻ rằng: “Trong suốt 35 năm, chúng tôi đã nghiên cứu về sự ảnh hưởng qua lại giữa mẹ và bé. Chúng tôi đã ghi nhận điều này từ những quan sát khách quan, từ những hồ sơ cá nhân và các băng ghi hình về những thời điểm khó khăn khi mẹ chăm bé. Giai đoạn khó khăn ấy các mẹ sẽ phải đương đầu với 3C của trẻ: Crying, Clinginess, Crankiness (Khóc lóc, Đeo bám, Cáu kỉnh). Bây giờ thì chúng ta biết rằng đây là các dấu hiệu cho thấy bé đang trải qua thời kì phát triển về mặt tinh thần”.

Những kiến thức về Tuần khủng hoảng của trẻ sẽ giúp cha mẹ hiểu hơn các khía cạnh của sự tăng trưởng của con mình, sự thay đổi hành vi, nhu cầu đáp ứng tình cảm... mà cha mẹ không cảm nhận được từ bé hay nhận thấy một cách khó khăn và không thể thấu hiểu trọn vẹn.

Biểu hiện của trẻ trong wonder week

Nếu mẹ thấy bé có các biểu hiện này trùng với thời gian trong bảng wonder week thì đừng lo lắng hay căng thẳng bới bé chỉ là đang chuẩn bị cho một bước tiến mới như biết đi, biết bò hay biết vỗ tay…

1. Khóc nhiều hơn, hay cáu giận và ỉ ôi. 

2. Tâm trạng thất thường: đang vui tự nhiên cáu hoặc ngược lại.

3. Muốn mẹ/bố dành nhiều thời gian chơi cùng bé.

4. Bám bố/mẹ không rời.

5. Cư xử ngọt ngào với bố mẹ ( ví dụ ôm ấp mẹ hoặc cười nịnh với bố).

6. Nghịch hơn.

7. Có những cơn giận bất thường ( ví dụ đang chơi xếp hình rất ngoan bỗng nhiên ném hết đồ chơi đi và gào thét).

8. Ghen khi thấy mẹ/bố quan tâm đến người khác (đặc biệt là các em bé khác) ngoài bé.

9. Nhút nhát hơn với người lạ. (mà trước đây không thế).

10. Khó ngủ, ngủ ít, giấc ngủ không sâu như bình thường, đang ngủ bật dậy quấy khóc. Ngủ muộn hơn, dậy sớm hơn

11. Dường như xuất hiện những “giấc mơ” hoặc “mơ” thường xuyên hơn trước đây.

12. Biếng ăn.

13. Trở nên “tâm trạng” đôi khi chỉ ngồi 1 chỗ, nghĩ ngợi vẩn vơ.

14. Mút tay nhiều.

15. Ôm ấp vật gì đó hoặc tìm kiếm vật để ôm khi đi ngủ, những lúc không có bố mẹ ở bên cạnh

16. Những thói quen thuở bé không còn nữa tự nhiên quay lại (ví dụ bò trở lại nếu đã biết đi hoặc đòi mẹ cầm bình sữa cho bú dù đã tự cầm được rồi).

17. Với những bé bú mẹ thì các bé có khi còn đòi ti ( nhưng thực ra không phải vì đói) liên tục, dù chỉ ti 1 tí rồi thôi và đặc biệt lúc nóng giận phải ti mới hết.

Bé học được gì sau tuần khủng hoảng?

Dưới đây là từng giai đoạn của những tuần khủng hoảng ở bé (có thể chênh lệch chút nhưng bố mẹ vẫn có thể dự đoán được).

Tuần khủng hoảng đầu tiên: khi bé được 5 tuần tuổi - Thế giới của sự thay đổi cảm nhận ở các giác quan. Sau khi vượt qua giai đoạn Tuần biến đổi thứ 1 này, bé sẽ bắt đầu nhìn vào mọi vật chăm chú hơn, có cảm giác muốn chạm vào mọi vật, bắt đầu biết cười và nhạy cảm hơn với mùi hương.

Tuần khủng hoảng thứ 2: khi bé được 8 tuần tuổi - Thế giới của sự khám phá thế giới. Sau tuần này bé bắt đầu có dấu hiệu quan tâm đến đồ chơi, khám phá và quan sát các bộ phận của cơ thể của mình, bắt đầu biết làm những âm thanh gầm gừ nhỏ.

Tuần khủng hoảng thứ 3: khi bé được 12 tuần tuổi - Thế giới của sự biến đổi vận động. Con sẽ bắt đầu biết lẫy, lật sấp, lật ngửa, ngóc đầu, cười nhiều hơn và thích nghe những âm thanh với tần số khác nhau.

Tuần khủng hoảng thứ 4: khi bé được 19 tuần tuổi - Thế giới của những sự kiện. Sau tuần này, mẹ sẽ bắt đầu thấy bé biết cho tay vào miệng mút hoặc cầm nắm để bỏ tất cả mọi đồ vật trong tầm với nhét vào miệng, biết nhìn theo mẹ hoặc bố, đẩy núm ti ra khi đã no.

Tuần khủng hoảng thứ 5: khi bé được 26 tuần tuổi - Thế giới của các mối quan hệ. Sau khi hết giai đoạn ‘khó chịu’ này, trẻ sẽ bắt đầu biết cầm nắm, biết ngồi dậy, nhổm người, kỹ năng xác định khoảng cách phát triển, bắt đầu biết hét và cười rất to.

Tuần khủng hoảng thứ 6: khi bé được 37 tuần tuổi - Thế giới của các phạm trù. Sau tuần này, bé sẽ có dấu hiệu có thể hiểu một số từ, biết bắt chước người khác, thể hiện tâm trạng của mình, muốn chơi trò chơi và đung đưa theo những bài nhạc quảng cáo, và sẽ bắt đầu tập bò.

Tuần khủng hoảng thứ 7: khi bé được 46 tuần tuổi - Thế giới của các trình tự. Con sẽ bắt đầu nói nhưng từ đơn, biết trả lời câu hỏi ngắn, biết chỉ vào đồ vật mình muốn, thích chơi xếp chồng đồ vật.

Tuần khủng hoảng thứ 8: khi bé được 55 tuần tuổi - Thế giới của các chương trình. Kỹ năng mới con học được trong tuần này bao gồm khả năng đi vịn hoặc có thể đi vững, thích cầm đồ vật đưa ra xa, thích vẽ, tự mặc hoặc cởi quần áo.

Tuần khủng hoảng thứ 9: khi bé được 64 tuần tuổi - Thế giới của các nguyên tắc. Bé bắt đầu biết pha trò, biết nũng nịu, biết nịnh mẹ, bắt cưới biểu cảm và hành động của người lớn.

Tuần khủng hoảng thứ 10: khi bé được 75 tuần tuổi - Thế giới của các hệ thống. Bé đã biết xâu chuỗi sự kiện thành hệ thống và có thể thay đổi hành vi cho phù hợp với hoàn cảnh. Bé cũng sẽ bắt đầu phát triển sự đồng cảm và ít ích kỷ, cùng với các kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn cô ấy

Dưới đây là các tuần khủng hoảng - wonder week và những cột mốc phát triển thể chất, kĩ năng tương ứng của trẻ sơ sinh:

Khánh Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

>> MỜI ĐỘC GIẢ XEM VIDEO ĐANG HOT:

[mecloud]iQK7EObgYo[/mecloud]