Dòng sự kiện:

Tuổi thơ cơ cực đến ám ảnh ít người biết của sao Việt

17:12 01/10/2015
Đàm Vĩnh Hưng, Tăng Thanh Hà, Thủy Tiên, Hồ Quỳnh Hương đều là những ngôi sao nổi tiếng giàu sang nhưng lại có tuổi thơ cơ cực ít người biết.

 

[mecloud]oOMvt3bZdE[/mecloud]

Đàm Vĩnh Hưng: Tuổi thơ ám ảnh trong cảnh gia đình ly tán

Đàm Vĩnh Hưng là con vợ lẽ, nhưng lại được gia đình rất cưng chiều. Anh từng kể: “Trước khi lấy mẹ, bố tôi đã có một đời vợ và mấy đứa con gái.

"Tuổi thơ của tôi đã trôi qua những năm tháng đầu vô cùng êm ả và bằng phẳng. Sau tôi, mẹ tôi còn đẻ được 3 em gái nữa, nhưng 2 đứa em tôi đã không may bị ốm mà qua đời sớm. Bố mẹ càng dồn hết tình yêu thương vào hai anh em tôi”, anh kể lại.

Hình ảnh trẻ thơ của Đàm Vĩnh Hưng.

Sống trong một gia đình vương giả, cậu bé Huỳnh Minh Hưng ngày ấy cứ vui chơi và ca hát cho bạn bè xem để thoả mãn niềm đam mê.

Hưng bỗng chốc vụt sáng trở thành ngôi sao của trường cấp 2 và nhận sự tung hô không dứt của bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, anh không biết rằng kinh tế gia đình đang đi xuống.

"Một ngày tôi về nhà, mẹ ôm tôi và cứ khóc mãi không thôi. Linh tính của một thằng con trai được sống trong sự đầy đủ mặc dù không ý thức hết được vấn đề, nhưng cũng đủ hiểu gia đình đang có chuyện.

Căn nhà bị đem rao bán, ‘sân khấu’ giường ngủ của tôi cũng bị người ta dọn dẹp hết, nhìn cảnh đó tôi không sao cầm được nước mắt. Nhưng chưa hết, đau buồn hơn là ba mẹ đã quyết định chia tay.

Tôi khi ấy không biết tường tận mọi chuyện, nhưng đủ hiểu ba mình là người rất đào hoa. Ông có dòng máu lai Pháp và Trung Quốc nên lúc nào nhìn cũng rất phong độ, đàn bà theo ông không ngớt, họ còn đến tận nhà buông lời tán tỉnh ba tôi.

Và chuyện gì đến cũng sẽ phải đến, tình yêu của mẹ không giữ nổi bước chân của ông nữa, gia đình tôi lâm vào cảnh ly tán, tôi cũng chẳng còn thiết tha hát hò", Đàm Vĩnh Hưng buồn bã nhớ lại.

Trong kí ức, Đàm Vĩnh Hưng luôn nhớ tới hình ảnh tài sản trong gia đình lần lượt đội nón ra đi, và cuối cùng, ngay cả căn nhà để ở cũng chẳng thể giữ được.

Cái cảm giác đau đớn nhìn ba mẹ ngậm ngùi ôm đống đồ bước ra khỏi chính ngôi nhà của mình - là cái cảm giác mà Đàm Vĩnh Hưng suốt đời chẳng bao giờ quên. Khi đó, dù chỉ là một đứa trẻ, anh cũng chẳng tránh khỏi cảm giác tê tái và nghẹn ngào.

Sau những biến cố của gia đình, Đàm Vĩnh Hưng được bố mẹ gửi vào tu viện để theo học. Ở tu viện, Đàm Vĩnh Hưng bắt đầu hát những ca khúc đầu tiên của cuộc đời trong giàn thánh ca. Lúc đó, Hưng là ca viên nhỏ tuổi nhất của tu viện.

Giàu có, thất bại, rồi lại giàu có, nhưng ở đời chẳng ai nói trước được điều gì. Chẳng mấy chốc, gia đình Đàm Vĩnh Hưng lại rơi vào những biến cố kinh tế. Đến cuối những năm học cấp III, hoàn cảnh kinh tế gia đình Đàm Vĩnh Hưng hoàn toàn suy sụp.

Cuộc sống khó khăn của gia đình khiến Đàm Vĩnh Hưng phải bước chân vào kiếm sống. Khi đó, Đàm Vĩnh Hưng đi làm thợ phụ trong quán cắt tóc, ngày ngày phải đối mặt với đủ thứ mùi hóa chất, thuốc nhuộm.

Ngay từ khi còn là một anh thợ cắt tóc, Đàm Vĩnh Hưng đã mơ ước một ngày nào đó mình sẽ trở thành một ngôi sao trong showbiz Việt.

Tăng Thanh Hà: Tuổi thơ cơ cực và những tháng ngày thay đổi chỗ trọ liên tục

Tăng Thanh Hà có một tuổi thơ khá vất vả và cơ cực. Cô sinh ra trong một gia đình có 5 người, gốc Hoa tại gò Công, Tiền Giang.

Khi Hà Tăng lên 10 tuổi, gia đình cô đã gặp biến cố lớn, bố làm ăn thất bại, gia đình phải bán nhà đi trả nợ. Mẹ cô là ca sĩ opera trước năm 1975 phải thay bố cô cáng đáng gia đình.


Tăng Thanh Hà ngày nhỏ.

Gia đình Hà Tăng liên tục thay đổi chỗ thuê trọ để mưu sinh, họ phải sống vất vả trong những căn nhà chật chội. Hà Tăng cho biết khi ấy cô chỉ khao khát được ở trong một ngôi nhà bình thường nhất thay vì nay đây mai đó.

Việc liên tục đổi chỗ ở khiến cô không có nổi một người bạn nối khố.

"Nhiều lúc, tôi muốn khóc với những lần chia ly đó, nhưng nó xảy ra quá nhanh và quá nhiều. Tới mức, tôi không biết nếu khóc, mình có đủ nước mắt nữa hay không? Tôi thèm khát cảm giác có một nơi gắn bó sâu đậm với tuổi thơ, để khi lớn lên có hình dung rõ ràng về một ngôi nhà ấm áp, đầy gắn bó khi còn nhỏ. Tôi mơ ước được một lần chạm tay vào quá khứ, chạm vào một ngôi nhà đúng nghĩa với mình", Hà Tăng từng chia sẻ.

Tuổi thơ của Hà Tăng là chuỗi ngày cật lực phụ giúp cha mẹ kiếm tiền nuôi sống gia đình. Cô dậy từ tờ mờ sáng để phụ mẹ nấu cơm, sau đó đạp xe giao cơm cho khách rồi mới đến trường.

Cô vẫn không thể quên được hình ảnh của mình khi ấy, cô bé 11 tuổi gầy gò, đen thui đạp chiếc xe cà tàng mượn của chị họ đi giao cơm giúp mẹ giữa trời nắng chang chang.

Ngoài ra, nhà cô còn có xe bán nước mía lưu động nên ngoài thời gian học, Hà Tăng lại ra đỡ mẹ bán. Những ngày trời nắng, đứng dưới cái nắng nóng vất vả nhưng nước mía lại bán chạy. Ngày mưa, mọi người chỉ còn biết tần ngần nhìn nhau thở dài. Nhưng Hà Tăng vẫn có lúc mong nước mía ế để cô còn được uống thừa.

Ở tuổi 11, cô chưa hiểu hết hoàn cảnh khó khăn của gia đình, chỉ biết khóc theo mỗi lần mẹ mình rớt nước mắt vì cuộc sống khó khăn.

Khi gia đình tạm thoát khỏi cảnh khủng hoảng, Hà Tăng được mẹ tạo điều kiện cho theo học kịch nghệ tại Sân khấu kịch Idecaf. Từ đó, đam mê nghệ thuật của cô bắt đầu được phát triển.

Thủy Tiên: Cha mất khi cô lên 9 tuổi và chịu sự ghẻ lạnh của hai bên nội ngoại.

Thuỷ Tiên sinh ra ở miền Tây. Cô là con một trong một gia đình có bố là người Việt, mẹ là người gốc Hoa. Tuổi thơ cô không êm đềm như bao đứa trẻ cùng trang lứa, bởi năm cô lên 9 tuổi, bố cô đã qua đời sớm vì căn bệnh lao phổi. Những năm tháng hãi hùng và đau đớn đó vẫn luôn là một phần ký ức đầy ám ảnh và không thể xoá mờ trong cô.

Thuỷ Tiên kể, trước đó cô đã từng có một gia đình hạnh phúc, được bố mẹ nâng niu chiều chuộng. Cô mơ ước trở thành ca sĩ từ khi còn tấm bé và bố cô đã hứa sẽ giúp ước mơ của cô thành hiện thực bằng cách cho cô lên Sài Gòn học nhạc khi cô tròn 11 tuổi.

Nhưng lời hứa đó đã không bao giờ có thể thành sự thực, khi căn bệnh lao phổi oan nghiệt đã vĩnh viễn cướp đi người cha hiền từ của cô khi cô chập chững bước vào tuổi lên 9, hoàn toàn ngơ ngác trước cuộc đời.

Biến cố đó đã đưa cuộc đời Thuỷ Tiên sang một trang khác, như trong một bài hát mà nhạc sĩ Quốc Bảo đã sáng tác cho cô, “Tuổi thơ vỡ từ khi thấy cha khóc thầm, giọt lệ lấp lánh, tuổi thơ chưa hề biết đau lòng”.

[mecloud]JnPmj9UCck[/mecloud]

Trong ký ức của Thuỷ Tiên, cha cô là một người đàn ông gày gò, ốm yếu, thường xuyên bị bệnh tật giày vò, hành hạ nhưng vẫn yêu thương con vô điều kiện, yêu đến mức đắm đuối vì con. Đến bây giờ, khi nhắc lại những kỷ niệm về cha, cô vẫn ứa nước mắt.

“Trước khi cha mất, cha đưa cho tôi 200 đồng đi mua mấy quả chuối về ăn. Cha vuốt tóc tôi và hỏi nếu cha chết con có buồn không Tiên. Khi đó tôi cứ trách cha gở miệng, nhưng sau này tôi nhận ra, cha đã đoán trước được điều gì sắp đến với mình. Một tháng sau cha tôi chết, suốt những năm tháng tuổi thơ tôi tràn ngập một nỗi ám ảnh, day dứt về nỗi đau mất cha”, cô kể.

Không chỉ phải chịu nỗi đau mất cha, một trong những lý do khiến tuổi thơ của Thuỷ Tiên luôn đầy bất hạnh và ám ảnh cô đó là sự đối xử ghẻ lạnh của gia đình hai bên nội ngoại dành cho mẹ con cô. Sau khi cha cô qua đời, mọi người trong nhà xuất hiện nói với cô một cách dửng dưng, vô cảm: “Cha mày mất rồi kìa”, cô chạy vào và thấy cha nằm đó, lạnh lẽo, cô đơn và vô hồn. Nỗi đau mất đi chỗ dựa lớn nhất của đời mình thấm dần khi cô cảm nhận được sự hắt hủi, ghét bỏ, thậm chí là xua đuổi mà họ hàng nội ngoại dành cho mẹ con cô.

“Tôi còn nhớ những lần ông nội tôi phát kẹo cho các cháu. Ông kêu mấy đứa xếp hàng lại rồi lần lượt phát cho từng đứa. Nhưng đến lượt tôi, ông lạnh nhạt quát mày đi chỗ khác chơi rồi bỏ qua tôi không một chút thương xót, không cần biết tôi bẽ bàng như thế nào, đau đớn như thế nào khi bị đối xử như thế. Năm mới tết đến, cả nhà quây quần, ông ngoại tôi phát bao lì xì cho các cháu. Tôi cũng xếp hang để đợi lì xì, nhưng đến lượt tôi ông cũng đuổi mắng, bảo mày đi chỗ khác, vì mày là đứa lì lợm, ương bướng...".

Cái đói, cái nghèo ám ảnh Thủy Tiên đến nỗi cô thực sự khiếp sợ nó và mong thoát khỏi nó càng sớm càng tốt. Thế nên, ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp PTTH, cô đã bắt xe lên Sài Gòn và đi thực hiện ước mơ của mình. 

Hồ Quỳnh Hương: Tuổi thơ nhọc nhằn trong căn nhà dột nát

Hồ Quỳnh Hương sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Từ 5-6 tuổi, Hồ Quỳnh Hương đã phải đi thu gom đồng nát để bán kiếm tiền. Gia đình Hồ Quỳnh Hương phải sống trong căn nhà dột nát, trời mưa bố mẹ phải lấy áo mưa che cho đỡ dột. Nằm trên giường mà nghe những giọt mưa rơi lộp bộp trên đầu.

Hồ Quỳnh Hương từng chia sẻ: “Hồi nhỏ nhà nghèo, một đồng kiếm ra cũng quý. Tôi hiểu điều đó nên không bao giờ đòi hỏi bố mẹ gì cả, dù là nhỏ nhất”.

Sau khi tham gia nghệ thuật, Hồ Quỳnh Hương đã kiếm tiền được bằng sức lao động của mình. Cô tậu xe hơi, biệt thự sang trọng rộng rãi và xa hoa, nhưng khi kể về tuổi thơ khốn khó, Hồ Quỳnh Hương tâm sự: "Bây giờ mọi thứ đầy đủ hơn, thế nhưng hình ảnh về ngôi nhà cũ dột nát ngày nào vẫn luôn nằm trong kí ức của tôi. Tôi luôn cảm ơn tuổi thơ dữ dội của mình. Bởi vì nó tôi đã tập cho mình tính tự lập, sống có bản lĩnh và chí hướng phấn đấu không ngừng".

Khánh Vy (Tổng hợp)

Gia đình Việt Nam

Video đang được quan tâm:

 [mecloud]G0fJIRrbpN[/mecloud]