Dòng sự kiện:

Tuyển Việt Nam từng… “áp đảo” cả nền bóng đá Đông Nam Á

18:25 15/10/2015
Không ít người xem trận thua “be bét” vừa qua của tuyển Việt Nam như một lẽ đương nhiên, vì “ta” dưới cơ tuyển Thái. Song kỳ thực, trong quá khứ, tuyển Việt Nam từng là “ông Vua sân cỏ” trên toàn châu Á.

 


Tuyển Việt Nam vô địch SEAP Games lần I
“Hồi Việt Nam vô địch SEA Games 1959 thì có đá banh với Thái Lan? Coi lại báo cũ, thấy thắng Thái Lan 4-0 (hồi đó dĩ nhiên không có U-23 gì hết trọi, cứ phải là "Hội Tuyển". Vậy sau SEA Games 1959? Tui xem tiếp: có cái đội TTM (coi như cấp CLB đi) sang Thái đá banh giao hữu cũng đã thắng "Hội Tuyển Thái Lan" 5-2 rồi. Trời ơi! Bóng đá Việt Nam từng là như vậy đó nghe”, không chỉ nhà báo Kinh Thi mà hễ ai nhắc tới thời kỳ huy hoàng của bóng đá Việt Nam, mắt cũng… sáng lên như vậy.

Tổng hợp lại  những trận Việt Nam gặp Thái Lan trong vòng hai mươi năm trở lại đây, chúng ta chỉ thắng đúng một trận, còn lại thì… hòa đã may lắm. Cũng chừng ấy thời gian bóng đá Việt Nam “vật vã” tìm cách đổi màu huy chương tại các kỳ SeaGames nhưng bất thành. Luẩn quẩn tìm “vàng” trong “vùng trũng” Đông Nam Á cũng chưa xong, việc có mặt tại sân chơi  bóng đá châu Á và thế giới được coi như giấc mơ quá tầm tay.

Thế nhưng có ai ngờ, trong quá khứ, bóng đá Việt Nam đã từng “làm mưa làm gió” khắp Đông Nam Á và châu Á. Với tuyển Việt Nam lúc đó, tuyển Thái Lan chỉ là “tép riu”. Những trận “so găng” với chúng ta được người Thái xem như cơ hội để trui rèn kinh nghiệm. Thú vị ở chỗ, khi ấy, tuyển Việt Nam được tập hợp, rèn luyện và đi thi đấu theo cách còn lâu mới đạt đến cấp độ chuyên nghiệp như bây giờ. Ấy thế nhưng, những Phạm Huỳnh Tam Lang, Phạm  Văn Rạng, Nguyễn Văn Tư… đã liên tiếp “rinh” cup Vàng, làm nên một trang sử rất đỗi vẻ vang cho bóng đá nước nhà.

Những năm năm mươi, tuyển Việt Nam được xem là một trong bốn đội bóng mạnh nhất của châu Á và tất nhiên, chúng ta “áp đảo” toàn bộ nền bóng đá Đông Nam Á với liên tiếp những thành tích vang dội. Ngay kỳ Á vận hội SEAP Games đầu tiên (tiền thân của Sea Games) diễn ra năm 1959 tại Thái Lan, các chàng trai Việt Nam đã giành HCV. Gặp Thái Lan trong trận chung kết, tuyển Việt Nam hạ knock-out chủ nhà với tỷ số cách biệt: 3-1 và nhận chiếc cúp vàng danh giá từ tay Thái tử Thái Lan.  50 năm đã trôi qua, bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể lặp lại chiến thắng lẫy lừng đó.

Ngay trước thềm SEAP Games lần I, tuyển Việt Nam có trận giao hữu với tuyển Nhật Bản và “hạ gục” các chàng trai đến từ xứ sở hoa anh đào với tỷ số thuyết phục” 3-0. Nghe nói, sau khi chiêm ngưỡng  màn “phô diễn” ở đỉnh cao của tuyển Việt Nam, ngài Đại sứ Nhật Bản khi ấy đã thốt lên: “Bóng đá Nhật Bản mong có ngày được sánh vai cùng bóng đá Việt Nam!”.

Trên đấu trường Đông Nam Á, tuyển Việt Nam còn giành vô số chiến thắng khác như:  vô địch giải bóng đá  Merdeka lần thứ 10 (diễn ra năm 1966 tại Malaysia với 12 quốc gia tham dự);  hai huy chương bạc (1967, 1973) và hai huy chương đồng (1965 và 1971) SEAP Games;  vô địch giải Quân đội tại Thái Lan năm 1971…

Đặc biệt, các trận giao hữu với tuyển Thái Lan hoặc các câu lạc bộ của Thái Lan, tuyển Việt Nam luôn toàn thắng ngay trên sân khách khiến người Thái vô cùng “khiếp sợ” mỗi khi phải “chạm mặt” Việt Nam ở các giải đấu khu vực.

Tuyển Việt  Nam cũng được xem là “người hùng” Đông Nam Á khi hai lần lọt vào vòng chung kết giải vô địch châu Á (năm 1956 tại Hồng Kông,  năm 1960 tại Hàn Quốc) và cả hai lần giành vị trí thứ tư. Kể từ đó đến nay, giải vô địch châu Á là một cửa ải không thể vượt qua với bóng đá Việt Nam.

Một chiến thắng tuyệt vời khác của tuyển Việt Nam là  trận “so găng” với tuyển Israel ở vòng loại Olympic thế giới 1963. Các chàng trai Việt Nam đã giành chiến thắng 2-0 ngay tại sân khách khiến cổ động viên nước bạn vô cùng nể phục.

"Huyền thoại bóng đá Việt Nam" Phạm Huỳnh Tam Lang giơ cao cúp vô địch Merdeka lần thứ 10

Với thành tích quá ấn tượng, bốn tuyển thủ của bóng đá Việt Nam đã được triệu tập vào đội tuyển châu Á, gồm:  thủ môn Phạm Văn Rạng và 3 cầu thủ Nguyễn Ngọc Thanh, Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Văn Ngôn. Và các ngội sao của bóng đá Việt Nam khi ấy đã góp phần giúp tuyển châu Á “hạ gục” CLB Chelsea (Anh) tới tỷ số 2-1.  Phạm Văn Rạng thậm chí còn được tạp chí thể thao số một của Pháp lúc ấy – France Football ca ngợi là “thủ môn số một của bóng đá châu Á”.

Đáng tiếc, suốt hơn nửa thế kỷ qua, bóng đá Việt Nam không lần nào chạm tới hào quang trong quá khứ. Trong khi các đội bóng “tép riu” năm xưa như Nhật Bản, Thái Lan… đã vươn lên vị trí hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á thì bóng đá Việt Nam lại… đi giật lùi, nếu xét đến thành tích ảm đảm cùng phong độ trồi sụt hiếm thấy. Đáng buồn ở chỗ, mỗi khi gặp lại các đối thủ “dưới cơ” ngày trước, tuyển Việt Nam luôn căng thẳng mong kiếm một trận hòa còn người hâm mộ thì cổ vũ với tâm thế “cầu may”.

Dù “chiêu mộ” hàng loạt huấn luyện viên ngoại, cải thiện chế độ đãi ngộ, nâng mức thưởng lên đến… tiền tỷ và tiến hành chuyên nghiệp hóa hoạt động của đội tuyển, bóng đá Việt Nam vẫn cứ… lận đận “giấc mơ vàng” Đông Nam Á, thành tích chúng ta từng dễ dàng gặt hái ở thế kỷ trước.   

Trước những thất bại của tuyển Việt Nam, không ít người tìm cách mổ xẻ nguyên nhân, từ nghi án… bán độ đến thể lực của cầu thủ, tâm lý thi đầu kém vững vàng, khả năng của HLV….  Người viết thì nhớ lại một phân tích ngắn gọn của Dương Văn Thà, cầu thủ được mệnh danh là “thần mã” của tuyển Việt Nam trong giai đoạn 1967-1970: "Trước năm 1975 là thời kỳ cực thịnh của bóng tròn qua nghệ thuật nhồi bóng cùng với tinh thần kỷ luật, tự giác và luyện tập.”

SÔNG THAO

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Xem thêm:

[mecloud]ADdRaGmu5K[/mecloud]