Dòng sự kiện:

Tuyệt chiêu đối phó với con 'đầu gấu'

22:27 23/10/2015
Với những bé có máu “đàn anh”, bạn sẽ không thể dùng đòn roi, dọa nạt để bắt bé thôi bắt nạt bạn bè.

Nói chuyện với con như một người lớn

Hãy gợi ý để con kể cho bạn nghe những chuyện xảy ra ở lớp học. Thông qua đó, bạn sẽ biết được lý do vì sao trẻ hay đánh bạn.

Cha mẹ hãy phân tích cho bé hiểu bé làm như vậy là không nên, là hành động xấu. Nhấn mạnh vào việc các bạn sẽ cảm thấy gì và điều quan trọng là không làm những điều để người khác tổn thương.

Nói với bé: “Mẹ nghĩ rằng đánh bạn là không tốt. Nếu con bắt nạt bạn bè, các bạn sẽ xa lánh, không chơi với con nữa. Mẹ sẽ thấy buồn khi con không được bạn bè yêu thương".

Ghi chép lại các sự việc mà trẻ bắt nạt bạn bè

Bảng ghi chép này sẽ giúp trẻ và bạn nhận thấy nguyên nhân căng thẳng của trẻ. Hãy giúp con viết hoặc vẽ lại tình huống đó để chúng hình dung được cảnh mà đối phương bị bắt nạt.

Hãy yêu cầu trẻ vẽ lại hoặc viết lại tình huống đã xảy ra theo quan điểm của chúng vào một tờ giấy, và lấy một tờ giấy khác giả làm kẻ bị bắt nạt và vẽ/ viết về tình huống đó theo quan điểm của chúng. Thảo luận với con xem chúng khác nhau như thế nào và những đứa trẻ bị bắt nạt sẽ có cảm xúc ra sao.

Tác động vào “máu anh hùng” của trẻ

Hãy lắng nghe thật kỹ câu chuyện của bé về việc bé đã bắt nạt, đã khiến bạn mình phải khóc như thế nào. Trước khi đưa ra lời khuyên với trẻ, hãy tặng con những lời khen: “Con thật là khỏe, thật mạnh mẽ, vì con chịu khó ăn uống nên con cao lớn và không sợ bạn nào”. “Tuy nhiên người dũng cảm thì sẽ không bắt nạt bạn bè, người dũng cảm chỉ mang sức mạnh để bảo vệ và giúp đỡ bạn bè thôi”.

Trẻ sẽ tự hào về lời khen của bạn, đồng thời sẽ tác động vào “máu anh hùng” của trẻ, giúp trẻ hiểu rằng chỉ có dùng sức mạnh của bản thân để giúp đỡ bạn bè mới là điều đáng khen hơn.

Dạy trẻ cách thương lượng

Trong khi chơi với con, bạn có thể dạy trẻ cách hỏi một thức nào mà bé muốn thay vì bé bắt buộc người khác.

Không cổ vũ hay cho bé xem phim bạo lực

Phim bạo lực là một trong những lý do quan trọng khiến bé thích sử dụng bạo lực cũng như sức mạnh để bắt nạt bạn bè. Bên cạnh đó, không ít các bậc phụ huynh tự hào và cổ vũ con giương oai với bạn bè, chơi những đồ chơi bạo lực. Bạn nên hướng trẻ đến những nội dung lành mạnh, giàu giá trị nhân văn để tâm hồn luôn trong sáng, thánh thiện.

Tính bắt nạt sẽ không tự động biến mất

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ hay bắt nạt sẽ tiếp tục như vậy nếu không có người can thiệp. Nếu tình trạng này diễn ra ở trường, hãy nhờ đến thầy cô hoặc các bác bảo vệ” để mắt đến cháu”. Nhà trường và các tổ chức xã hội có những quy định rõ ràng và nghiêm khắc trong việc chống bạo lực học đường.

Nếu sự việc không xảy ra ở trường, bạn nên xem lại những quy đinh và hậu quả sẽ đến với con mình.

Nếu ngay từ thời niên thiếu trẻ không thay đổi cách sống thì đến khi trưởng thành, chúng sẽ thực sự là những kẻ chuyên gây hấn. 

Đinh Hương (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam