Dòng sự kiện:

Tuyệt chiêu trị "bệnh" con bám mẹ

17:16 12/08/2015
Theo các chuyên gia, bám mẹ một cách quá đáng sẽ khiến bé trở nên phụ thuộc, thiếu tự tin, khả năng hòa nhập và sống độc lập cũng kém hơn.

Tin liên quan

  • Tuyệt chiêu thông minh giúp con say mê đọc sách
  • Tuyệt chiêu dạy con của ông bố hài hước nhất Bố ơi, mình đi đâu thế?
  • Mẹ thần đồng Nhật Nam chia sẻ tuyệt chiêu giúp con tự tin vào lớp 1
  • Tuyệt chiêu trị "bệnh" lười học của con
Nhiều bà mẹ phải khổ sở vì khi được khoảng 2 – 3 tuổi, bé cứ bám chặt lấy mình dù ở nhà hay khi gặp người lạ, hoặc trong một đám đông nào đó. Trẻ còn nhỏ thường hay bám mẹ vì nhiều lý do: trẻ sợ điều gì đó, muốn được mẹ chăm sóc, chiều chuộng hay thậm chí chỉ muốn mè nheo, nũng nịu với mẹ…

Thực tế, con bám mẹ là điều dễ thấy trong các gia đình Việt, là đặc quyền và cũng là hạnh phúc của những người mẹ. Tuy nhiên, nhiều bé lại bám quá khiến người mẹ đôi khi thấy mệt mỏi, thậm chí sinh ra ghen tị và xích mích với chồng, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình...

Hơn nữa, theo các chuyên gia, bám mẹ một cách quá đáng sẽ khiến bé trở nên phụ thuộc, thiếu tự tin, khả năng hòa nhập và sống độc lập cũng kém hơn.

Vậy làm thế nào để con bớt bám mẹ? Bạn hãy tham khảo một số cách dưới đây nhé:

Sớm tập cho bé quen với sự chăm sóc của người khác

Để tránh cho con chỉ quen với mẹ mà khó chấp nhận sự chăm sóc của người khác thì đây là cách truyền thống mà nhiều mẹ Việt đang áp dụng hiệu quả.

Theo đó, từ những tháng đầu đời, người mẹ cần giúp bé quen dần với những khoảng thời gian trong ngày được người khác chăn sóc như: tắm, xi tè, cho ăn, bế ẵm... Thay vì trực tiếp làm tất cả mọi việc, bạn nên chia sẻ công việc với bố, bà, người thân khác, thậm chí là người giúp việc để bé thích nghi dần. Như vậy mẹ nhàn hơn mà cũng tốt cho con sau này, không bị "sốc" hay rơi vào cảnh khóc ngằn ngặt khi mẹ vắng nhà hoặc đi làm lại.

Tuy nhiên để thực hiện thành công phương pháp này, các mẹ cần phải bình tĩnh với những cơn đòi mẹ của con, nhất là khi mới bắt đầu.

Không để bé ngồi yên

Nếu các mẹ muốn rời đi nhưng bé không chịu, bắt mẹ phải ở bên hay đưa bé đi cùng thì các mẹ nên tạo cho bé chơi hay làm một việc gì đó như chơi trò ghép hình, tô màu, vẽ tranh, lắp ráp đồ chơi… Khi trẻ chẳng được ngồi im, mà phải “bận bịu” làm một việc gì đó thì trẻ sẽ quên và không đòi bám theo mẹ nữa.

Trao cho bé một vật gì đó trước đi đâu

Đừng bỏ bé đi mà không nói tiếng nào, nếu không những lần sau bé sẽ gào khóc lên và không cho mẹ đi, quyết bám mẹ cho đến cùng. Thay vì vậy, khi muốn rời đi đâu, các mẹ nên chào tạm biệt con, hứa con con là khi nào mẹ sẽ quay lại và nhớ giữ đúng lời.

Thêm nữa, khi rời đi, nếu có một vật gì đó là thân thiết giữa mẹ và bé, mẹ nên trao cho bé để bé thấy được an ủi và cũng an tâm hơn khi không có mẹ bên cạnh. Đó có thể là một chú gấu bông, tấm ảnh hay thậm chí một chiếc gối ôm, chăn ấm…

Từ từ “bàn giao” bé cho người khác

Không chỉ nên nói lời tạm biệt bé, các mẹ cũng cần có thời gian chuyển tiếp trước khi muốn rời bé đi, tức không được bỏ đi đột ngột khiến bé cảm thấy hụt hẫng và càng lo sợ. Theo đó, mẹ nên ngồi chơi với bé thêm một thời gian ngắn, nếu có thêm ai đó nữa thì càng tốt vì khi mẹ đi sẽ “bàn giao” bé lại cho người đó, để bé có người vui chơi cùng.

Cho bé đi chơi trước

Các mẹ rời bé thì khó nhưng để bé rời mẹ để đi chơi thì sẽ dễ hơn. Do đó, trước khi đi đâu mà sợ bé đòi bám theo, mẹ nên nhờ bố, ông bà hay người giúp việc đưa bé ra ngoài chơi, như đi công viên, siêu thị, đến các khu vui chơi giải trí hay thậm chí qua nhà hàng xóm chơi…

Nếu dự tính thời gian các mẹ ra ngoài có thể lâu hơn bé thì mẹ nên lựa lời cho con biết, nếu không bé sẽ cảm thấy buồn hoặc ấm ức khi về nhà mà không có mẹ ở nhà.

Giúp trẻ đối mặt

Trường hợp các mẹ đã thử qua mọi cách nhưng vẫn không làm bé bớt bám mẹ, giờ là lúc mẹ nên cho bé đối mặt với cảm giác này. Hãy cho trẻ biết trong cuộc sống sẽ có một số lúc ba mẹ không thể ở bên con được, nhưng đó là việc tạm thời, ba mẹ sẽ quay về bên con sớm thôi. Bé phải học theo và chấp nhận chuyện đó, như một cách để bé tự lập và lớn lên. Có thể thời gian đầu bé chưa quen, sẽ khóc nhưng rồi bé sẽ quen dần và thích nghi được.

Điều cần nhớ là khi đã lên kế hoạch giúp con đỡ bám mẹ, mẹ phải thật kiên trì và cương quyết. Các con dù rất nhỏ, nhưng rất nhạy cảm và khôn. Chỉ cần mẹ mềm lòng một lần là lần sau chúng sẽ… làm tới. Nhưng mẹ cứ yên tâm, sau một vài tuần căng thẳng, bé sẽ quen dần và bớt bám mẹ ngay thôi.

Đừng quá trách móc con khi con bám mẹ. Một đứa trẻ biết đòi hỏi chứng tỏ chúng khôn sớm. Tình trạng bám mẹ sẽ giảm dần theo thời gian, theo thói quen. Hoặc là bạn tập dần cho con tự lập, hoặc hãy cho con thời gian để con cảm thấy yên tâm hơn ngay cả khi không có mẹ bên cạnh.

Lam Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Xem thêm video:

[mecloud]iyWZAGhuNP[/mecloud]