Vào tâm 'bão' sốt xuất huyết
Vất vả, mệt mỏi, căng thẳng, không có ngày nghỉ... những từ này vẫn chưa diễn tả hết công việc của đội ngũ y, bác sĩ khi dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, khiến các bệnh viện chuyên khoa ở Hà Nội rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng.
Khu điều trị dã chiến Bệnh viện 108 lúc nào cũng kín người đến khám. Ảnh: Quang Trung
Phòng làm việc nhường chỗ cho khu điều trị dã chiến
Những ngày vừa qua, các y, bác sĩ của một số khoa truyền nhiễm của các bệnh viện (BV) lớn ở Hà Nội phải căng mình làm việc thâu đêm suốt sáng khi số lượng bệnh nhân (BN) sốt xuất huyết (SXH) tới khám và điều trị tăng đột biến. Việc quá tải, nằm ghép 2 - 3 người/giường vẫn chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí có BN đi tới 3 - 4 BV mà vẫn không còn giường để điều trị nội trú.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã thu hẹp diện tích làm việc của y, bác sĩ để mở thêm 4 phòng khám, kê thêm giường ở các hành lang BV, và trưng dụng hội trường thành lập khu điều trị dã chiến ban ngày với 20 giường bệnh. Đồng thời còn mượn thêm gần 400 giường bệnh của một số công ty thiết bị y tế mà vẫn không thể giảm tình trạng BN nằm ghép. Nhìn con trai ngủ li bì trên chiếc chiếu cói trải tạm dưới đất, anh Lê Trung Nguyên (Hà Nam) cho biết: “5 hôm trước, cháu có hiện tượng chảy máu ở họng, các bác sĩ cho xe cấp cứu chuyển từ BV Đa khoa tỉnh Hà Nam lên đây. Hôm nay cháu đỡ nhiều rồi, giờ chỉ điều trị viêm phổi vài ngày nữa có thể xuất viện. 3 người/giường chật chội khó chịu lắm, nên cháu xuống nằm đất mới ngủ ngon giấc như thế đấy. Tôi thấy con nhà mình được nằm đây, không phải thở máy là may rồi. Các y bác sĩ qua lại thăm khám BN chẳng phân biệt ngày đêm, chúng tôi rất xúc động”.
Mỗi ngày tiếp đón hàng nghìn BN đến khám và điều trị, tất cả cán bộ nhân viên BV Bệnh Nhiệt đới phải căng mình làm việc không nghỉ. BV còn huy động cả đội ngũ bác sĩ, học viên cũng như các điều dưỡng thực tập đến hỗ trợ, nhằm tăng cường chăm sóc, điều trị tốt nhất cho BN trong đợt dịch này.
Còn tại Bệnh viện Đống Đa, những ngày qua gần 30 y bác sĩ được huy động để hỗ trợ cho khoa truyền nhiễm mà cường độ làm việc vẫn không hề giảm khi mỗi ngày có tới 500 lượt BN đến thăm khám, trong đó có tới 20% cần phải nhập viện.
Ở BV Trung ương Quân đội 108 (BV 108), người có công với cách mạng, hay cán bộ cao cấp có chế độ 1 người/giường cũng có lúc phải nằm chung. Trước tình cảnh nhiều BN đến 3 - 4 BV rồi vẫn không được nhập viện do quá tải, BV 108 đã triển khai thành lập khu điều trị dã chiến, bố trí 50 giường bệnh và kê các phương tiện cấp cứu, theo dõi BN như monitoring, hộp chống sốc, bình ô xy và đặt máy thở… điều trị ngay tại Phòng khám đa khoa của BV.
Ban lãnh đạo BV đã huy động tổng lực y bác sĩ của toàn Viện Lâm sàng và các bệnh truyền nhiễm và điều động thêm 20 bác sĩ và 30 điều dưỡng từ khoa Cấp cứu và phòng Khám đa khoa, tăng cường thăm khám, sàng lọc và điều trị cho BN 24/24h, nhằm giải quyết tình trạng quá tải khi số giường điều trị nội trú hiện nay không thể đáp ứng. Từ ngày đầu thành lập khu điều trị dã chiến (ngày 12/8) đến nay, số BN sốt xuất huyết đã đông nghẹt thở, 250 - 300 người đến khám/ngày, đa số phải nằm lại truyền dịch.
“Việc tăng ca, tăng giờ làm việc từ đầu mùa dịch chúng tôi cũng đã quen. Nhưng điều khiến đội ngũ y, bác sĩ chúng tôi căng thẳng, mệt mỏi nhất là nhiều người không chịu hiểu và thông cảm khi cứ một mực đòi chúng tôi xếp riêng giường cho BN trong khi số giường điều trị nội trú chỉ có hạn. Có người còn nhiếc mắng, đe dọa, gọi đường dây nóng về việc này khiến chúng tôi rất buồn”.
Chị Nguyễn Thị Nhung, điều dưỡng trưởng Phòng Nhiễm khuẩn tổng hợp, Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai.
“Viện dã chiến này giúp giảm tải cho Khoa Truyền nhiễm rất nhiều bởi hiện nay chúng tôi chỉ thu dung tối đa được hơn 100 BN, nhưng có những ngày đã lên tới 200 BN. Đây cũng là áp lực rất lớn với những nhân viên sắp xếp giường bệnh như tôi. Thậm chí, có những người nhà BN không chịu hiểu và thông cảm, đã rất nặng lời và cho rằng chúng tôi gây khó dễ với người bệnh”, chị Nguyễn Hương Lan, Điều dưỡng trưởng Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, BV 108 bộc bạch.
TS. Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, BV 108 thăm khám cho BN tại khu điều trị dã chiến.
Trực 36/24 giờ, không có ngày nghỉ
Tại Khoa truyền nhiễm, BV Bạch Mai, sự quá tải đến ngột ngạt không khác gì thời tiết nắng nóng ở bên ngoài. Đây là 1 trong những đơn vị hàng đầu điều trị SXH, vì vậy có rất nhiều BN biến chứng SXH trên nền bệnh khác như chạy thận nhân tạo, tim mạch, đái tháo đường, có thai… vào đây điều trị. Khi ấy rất cần sự phối kết hợp từ các chuyên khoa khác.
Với số lượng BN tăng đến chóng mặt, nên dù đã được tăng cường từ các khoa khác nhưng các y, bác sĩ hầu như không có lúc nào được nghỉ ngơi. Hết lấy máu rồi lại thăm khám, truyền dịch… họ không ngơi tay, và mỗi khi có một ca cấp cứu nặng, tất cả lại khẩn trương, dồn sức giành giật sự sống cho BN. Sự tận tâm của các y, bác sĩ khiến BN cảm động. BN Dương Ngọc Đức năm nay 81 tuổi, ở Hà Nội được các y, bác sĩ ở đây chăm sóc tận tình trong lúc phòng không có chỗ chen chân do quá tải, vì vậy ông bảo người nhà mình về hết để tạo không gian cho các y, bác sĩ làm việc.
“5h sáng các y tá đã đến lấy máu xét nghiệm để kịp 7h các bác sĩ thăm khám cho BN. Sau đó sẽ cho thuốc và truyền dịch. Nửa đêm các y, bác sĩ cũng sang trông nom và thuốc men suốt, nên tôi rất an tâm, không cần người nhà phải chăm sóc” - ông Đức chia sẻ.
“Từ suốt những ngày đầu mùa dịch SXH đến nay, các y bác sĩ ở đây đều phải cố gắng gồng mình lên, làm việc 24/24h, thậm chí chúng tôi phải trực 36/24h (trực từ 7 - 8h sáng hôm trước tới 7 - 8h tối hôm sau) dù BV đã điều động nhiều bác sĩ nội trú, điều dưỡng và học viên để cùng chúng tôi chăm sóc người bệnh. Chúng tôi động viên nhau cố gắng vượt qua giai đoạn này và cùng nhau sớm đẩy lùi dịch SXH mặc dù đã có đồng nghiệp bị SXH và có con ốm ở nhà. Có những bác sĩ thay quần áo chuẩn bị ra về, nhưng có BN cấp cứu lại sẵn sàng quay lại để giải quyết. Vì vậy, ai cũng sụt cân”, TS.BS Đoàn Thu Trà, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho hay.
Những cánh tay vẫn liên tiếp chìa ra để lấy máu xét nghiệm bệnh SXH nên không biết bao giờ các y bác sĩ nơi đây mới hết cảnh ăn uống thất thường, có khi bỏ bữa bởi 9 - 10h đêm mới có thể nghỉ, bê bát cơm nguội ngắt mà không nuốt nổi.
Y tá Nguyễn Thị Huệ, Phòng nhiễm khuẩn, Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai nói: “Chúng tôi chỉ mong mỏi người dân luôn tự trang bị cho mình kiến thức về phòng chống dịch bệnh, và điều cốt lõi là diệt bọ gậy, loăng quăng ngay tại khu nhà mình ở sẽ góp phần đẩy lùi dịch bệnh, giảm tải cho các BV”. Đó cũng là tâm nguyện của tất cả y, bác sĩ trong tình cảnh hiện nay.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Bọ gậy ở ổ sốt xuất huyết Hà Nội vẫn sống sau phun thuốc diệt muỗi
- Dịch sốt xuất huyết: Video hướng dẫn xử lý dụng cụ chứa nước có bọ gậy
- Làm thế nào để biết dấu hiệu sốt xuất huyết cảnh báo?
- 3 loại quả bác sĩ khuyên bệnh nhân sốt xuất huyết cần ăn
- Những khu vực ở Hà Nội có số người mắc sốt xuất huyết cao nhất
- Bật xi nhan nhưng không rẽ, xi nhan nhầm hướng có bị phạt không?
- 12 trường hợp dù đi đúng tuyến vẫn không được hưởng BHYT, 5 trường hợp trái tuyến lại được chi trả 100%
- Ngành học "khó nhằn" nhưng không sợ thất nghiệp: Lương có thể tới 40 triệu đồng/tháng
- Năm học 2022-2023: Học phí tại Hà Nội có thể tăng gấp đôi
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua