Dòng sự kiện:

Vẻ đẹp "rợn người" của “thành phố chết” 4 năm sau sự cố phóng xạ

17:24 09/10/2015
Bốn năm bị cách ly với thế giới bên ngoài, Fukushima trở thành một đô thị hoang tàn và hầu như vắng bóng sự sống.

 

 

 


Nhiếp ảnh gia người Ba Lan đã liều lĩnh tìm cách xâm nhập vào "thành phố ma"
Arkadiusz Podniesinski, nhiếp ảnh gia người Ba Lan đã liều lĩnh “đột nhập” Fukushima để ghi lại những hình ảnh chân thực về “thành phố ma”.

Bốn năm sau thảm họa hạt nhân, qua ống kính của Arkadiusz, Fukushima chỉ còn là một khu vực điêu tàn, một thành phố “chết” khiến bất cứ ai đặt chân tới đây cũng phải rùng mình.



Thật khó hình dung trước đây Fukushima từng là một thành phố sầm uất với mật độ dân số dày đặc. Người ta chỉ phần nào mường tượng diện mạo quá khứ của đô thị tấp nập này qua những bãi để xe đạp chật cứng, dòng xe ô tô đỗ ngổn ngang, những siêu thị chất kín hàng hóa vẫn còn nguyên trạng, chỉ có điều đã gỉ nát và phủ kín mạng nhện.

Trong lớp học, bảng đen cũng vẫn còn nguyên bài giảng của giáo viên như thể  nhà trường vẫn “mở cửa” bình thường,  nhưng những dãy bàn ghế trống không phủ bụi lại nhắc người ta nhớ đến những gì đã xảy ra bốn năm trước.

Sau trận động đất và sóng thần Sendai dẫn đến nổ nhà nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011, một lượng lớn chất phóng xạ có thể đã bị giải phóng, gây nguy hiểm cho tính mạng người dân. Toàn thể cư dân Fukushima đã phải gấp rút di tản, bỏ lại thành phố không một bóng người. 20.000 nhân viên vệ sinh được huy động tới đây để dọn dẹp tàn tích.

Cơ quan năng lượng hạt nhân Nhật Bản đã xếp sự cố nhà máy điện Fukushima ở cấp độ 7, mức cao nhất trong thang sự cố hạt nhân quốc tế. Ngày 16/12/2011, thủ tướng Nhật Bản  Noda Yoshihiko đã tuyên bố đóng nguội nhà máy điện một cách có kiểm soát.

Sau sự cố hạt nhân, trên mình những con bò ở đây xuất hiện nhiều đốm trắng bất thường

Sau 4 năm cách ly, trong phạm vi 20km quanh nhà máy điện hầu như không có người dân sinh sống, khiến cho nơi này trở thành một "thành phố ma" với những dãy nhà hoang vắng và những con đường um tùm cỏ mọc.

Tuy thế vẫn có vài người dân dũng cảm trở lại. Masami Yoshizawa là một trong số đó. Khi xảy ra sự cố hạt nhân, ông cũng đã di tản khỏi thành phố. Nhưng sau đó, ông quay lại vì không đành lòng bỏ rơi đàn gia súc bị chết đói. Đàn bò của ông Masami vẫn còn sống đến tận hôm nay, nhưng sau sự cố, trên mình chúng xuất hiện nhiều đốm trắng bất thường. Ông Masami cho rằng, đó là do đàn bò đã ăn cỏ bị nhiễm phóng xạ.

Những bao tải chứa đất bị nhiễm phóng xạ được thu gom

Chính phủ Nhật tuyên bố, phải mất 30 năm để loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, tới lúc đó, e rằng không có người dân nào dám trở về sinh sống trên vùng đất đã bị nhiễm chất phóng xạ này.

SÔNG THAO (tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Xem thêm:

[mecloud]EFrTXLSv1u[/mecloud]