Vén bức màn 'danh gia vọng tộc' trong làng thời trang Việt
phác họa chân dung của một gia đình mà thân sinh và thế hệ kế cận đều chung một tham vọng đi lên trong làng lụa là xiêm y.
Doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên
Tôi có dịp trò chuyện cùng chị vào một ngày cuối tháng Mười hai, tại chính dinh thự tràn ngập sắc vàng hoàng gia của gia đình tại Sài Gòn. Chất giọng thanh nhẹ, nữ tính của chị khiến tôi ngỡ ngàng trong giây lát, liệu rằng đây có phải là “nữ tướng” quyền lực của Tập đoàn IPP nức danh trong giới kinh doanh xa xỉ phẩm?
Lê Hồng Thủy Tiên là một trong những người thuộc thế hệ người lớn lên cùng với những đổi thay của thời cuộc, ấy thế nên cách suy nghĩ của người phụ nữ rất đẹp này, hẳn nhiên, cũng đặc biệt sâu sắc như chính những năm tháng từng trải của doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên với cuộc đời, như cách chị tâm sự: “Từ một con số không đến có cả mọi thứ...”
Sự tinh tế của một "nữ tướng"
- Chị nhận ra tình yêu của mình với thời trang khi nào? Quá trình đưa thời trang trở thành sự nghiệp của mình ra sao?
Khi làm trong ngành hàng không, tôi có dịp được đi nhiều nước, nhất là các kinh đô thời trang như Milan hay Paris. Tôi như bị thôi miên bởi các thiết kế lộng lẫy đến từ các thị trường sôi động, đẳng cấp. Tôi mơ ước Việt Nam cũng được như thế, và quyết định đây là mảng kinh doanh “ngách” của mình.
Ông xã là người định hướng và hỗ trợ để tôi kiên trì theo lĩnh vực này, bởi anh đã học tập và có kinh nghiệm dày dặn trên thương trường quốc tế. Việt Nam cần phải có những sản phẩm “hàng hiệu”, các cửa hàng miễn thuế, các dịch vụ tiên tiến trong giai đoạn mở cửa nhằm kích cầu và hút khách. Chúng tôi nắm bắt cơ hội, trở thành người tiên phong trong việc giới thiệu những thương hiệu đẳng cấp từ hơn mười năm trước, như Salvatore Ferragamo, Bally, Rolex, Lancôme hay Moet Henessy.
Kinh doanh ở thời điểm tiên phong vốn rất khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn bám trụ vì tin tưởng vào các phân tích thị trường của mình. Sự phát triển của ngành này trong những năm gần đây chứng minh cho những dự đoán đó. Chúng tôi tạo dựng được một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, một chữ “tín” trang trọng trên thị trường thời trang trong nước và quốc tế.
- Bất cứ ai làm trong ngành đều hiểu bên trong sự hào nhoáng là một chiến trường khốc liệt. Kinh nghiệm của một doanh nhân cho chị biết, đâu là tôn chỉ của người kinh doanh thời trang?
Kinh doanh thời trang đã khó, kinh doanh thời trang xa xỉ còn khó hơn rất nhiều: chính sách thuế còn cao, hàng giả hay xách tay, cạnh tranh không lành mạnh... Lợi nhuận vì thế mà sẽ không thể đến ngay trong những ngày đầu. Việc tuân thủ đồng thời các tiêu chuẩn khắt khe từ hãng, mà vẫn dung hòa với thẫm mỹ và thị hiếu trong nước cũng là một vấn đề đau đầu. Chúng tôi phải leo từng nấc thang một để có được lòng tin cùng uy tín của khách hàng trong nước và đối tác nước ngoài. Tôi nghĩ dù là thời trang hay lĩnh vực nào khác, ngoài chữ tín, kiên trì, tư duy nhanh nhạy thì tiêu chuẩn dịch vụ là rất quan trọng. Sự phát triển của IPP là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.
- Vậy sẽ không sai nếu ví chị là “nữ tướng” trên thương trường! Thế giới này vốn có nhiều “nam tướng” rồi...
(Cười) Câu nói này của bạn khiến tôi nhớ đến một lời tôi từng từng nói trong phiên trao đổi tại hội nghị She Means Business bên lề APEC nhận được nhiều sự đồng tình, rằng “Phụ nữ chúng tôi không mong muốn được đối xử ưu tiên. Chúng tôi cần sự bình đẳng”.
Bản thân tôi cho rằng, kinh doanh thời trang là lĩnh vực phụ nữ chiếm ưu thế hơn nam giới. Bản chất tinh tế, nhạy cảm của họ tôn vinh được trí tuệ cảm xúc. Xét trực quan, tập đoàn IPP có lao động nữ chiếm 70%, trong đó 60% phụ nữ nắm vị trí quản lý. Đây là kết quả dựa trên năng lực. Những người phụ nữ hiện đại luôn nỗ lực gấp nhiều lần, cạnh tranh với nam giới để nắm giữ cùng một vị trí, vượt lên trên lối tư duy đã cũ về bình đẳng giới.
- Nếu quá trình đưa các thương hiệu quốc tế về Việt Nam của chị rất thành công. Theo chiều ngược lại, chị nghĩ thế nào về việc giới thiệu các thương hiệu Việt Nam ra với quốc tế?
Thời trang Việt Nam hiện nay đã và đang tiếp cận hơn với nền công nghiệp thời trang thế giới. Chúng ta có đủ nguồn lực và sức sáng tạo, cũng đã từng bước giới thiệu nét đặc sắc riêng với quốc tế. Theo tôi, nếu có thêm sự hỗ trợ mạnh mẽ của các hiệp hội, các cấp ban ngành cho ngành sản xuất kinh doanh thời trang nói chung và các thương hiệu Việt Nam nói riêng, chỉ trong vài năm tới, tôi tin sẽ thấy nhiều cửa hàng thời trang của nước mình ở khắp nơi trên thế giới.
- Chị từng chia sẻ mình sinh ra ở cả hai thế hệ khi vừa không có gì, vừa có tất cả (“I’m from the generation that knows what it’s like to have both nothing and everything”), chị nhận thấy sự khác biệt giữa hai thế hệ ấy thế nào?
Điều này hoàn toàn đúng theo những trải nghiệm của cuộc đời, khi tôi sinh ra và lớn lên, chứng kiến nhiều giai đoạn chuyển mình của đất nước: từ thời kỳ nghèo khó sau chiến tranh, thời mở cửa và đến bây giờ là hội nhập, phát triển.
Tôi đã từng trải qua cảnh nghèo túng, gây dựng tất cả từ con số không cho đến ngày có trong tay một “đế chế thời trang” với 96 thương hiệu, cùng sự nể trọng của giới kinh doanh thời trang quốc tế. Tôi hiểu rất rõ cảm giác khi bỗng nhiên nhận được một khối tri thức, cũng như cơ hội khổng lồ mà thị trường mang lại. Khi đất nước mở cửa, hội nhập và phát triển cũng là lúc phải hoà vào dòng chảy của nền kinh tế quốc tế. Điều này khác hẳn với cảm giác loay hoay, chỉ nhìn ra bầu trời qua miệng giếng trước kia. Sự khác biệt duy nhất là chính tư duy phải thay đổi để nhanh nhạy nắm bắt.
Sự khéo léo của một người mẹ
- Quan niệm của chị về việc nối dõi sự nghiệp là gì? Hầu hết các thành viên trong gia đình chị đều theo đuổi kinh doanh. Ấy là “gien” vốn có hay là sự định hướng từ người lớn trong gia đình?
Đúng là chúng tôi có định hướng cho các cháu. Tôi thường đưa Thảo Tiên và Hiếu theo vào văn phòng làm việc từ lúc nhỏ. Từ khi 14 tuổi đến đến nay, các cháu đã được phép tham gia những buổi họp nội bộ, những buổi thương thảo với các đối tác, chuyến đi mua hàng hay những sự kiện có tôi cùng tham gia... Tất nhiên là vào bất cứ khi nào Thảo Tiên và Hiếu có điều kiện. Tôi muốn cả hai hiểu rõ ba mẹ đang làm gì, cũng như định hướng sắp tới của công ty. Đây là một kênh phụ trợ, bồi bổ cho các cháu tư duy và kiến thức quản lý.
Nhưng trên hết, chúng tôi vẫn luôn tôn trọng ý kiến của từng cá nhân. Ba mẹ chỉ đóng vai trò định hướng, đưa ra lời khuyên hợp lý, còn việc quyết định tương lai là ở chính các cháu.
Ngoài Thảo Tiên và Hiếu còn đang học, hiện tại các thành viên khác trong gia đình đều đã trưởng thành và có nhiều kinh nghiệm do được đầu tư, đào tạo bài bản và đang đảm nhận những vai trò chủ chốt trong công việc kinh doanh chung của tập đoàn IPP. Tôi và ông xã rất hãnh diện và tự hào về điều đó.
- Khi nhìn thế hệ kế tục của mình, chắc hẳn chị có những suy nghĩ, đánh giá riêng...
Tôi thấy được ở Thảo Tiên sự sự nhanh nhạy với thời cuộc, khả năng ngoại giao và cá tính riêng biệt. Thảo Tiên cũng khiến tôi rất bất ngờ về sự sáng tạo, cũng như tư duy đột phá của giới trẻ. Đôi lúc, các ý kiến đóng góp của Thảo Tiên giúp công việc kinh doanh của tôi kịp điều chỉnh với dòng chảy của thời đại mới.
Còn Hiếu là sự điềm đạm hiếm thấy ở độ tuổi đó (Hiếu sinh năm 1999). Mặc dù còn nhỏ nhưng Hiếu cũng tham gia rất hăng say và chứng tỏ mình cũng không thuộc “hạng xoàng” về kiến thức, mỗi khi gia đình bàn luận về các đề tài chính trị, kinh tế hay xã hội. Hiếu cũng là người thường xuyên chỉnh sửa các bài diễn thuyết, phát biểu bằng tiếng Anh của tôi. Nhiều lúc học xa ở Anh, trái múi giờ cũng phải thức khuya gửi bài gấp về cho mẹ! (Chị cười lớn). Trước mắt, Hiếu vẫn tập trung vào việc học, tôi muốn con tự xác định rõ bản thân muốn làm gì để hỗ trợ công việc gia đình chứ không bắt buộc.
- Vậy phần đông công chúng biết đến chị là một nữ doanh nhân xinh đẹp và thành đạt. Liệu có một hình ảnh, khía cạnh nào khác về chị mà mọi người chưa biết hoặc chỉ rất ít người biết hay không?
Bên cạnh công việc kinh doanh, cũng giống như bao người phụ nữ Việt Nam, trên hết tôi vẫn là một người vợ, một người mẹ của đại gia đình. Tôi vẫn chú trọng bữa ăn gia đình mỗi ngày, vẫn trò chuyện với các con thường xuyên. Gia đình vẫn là nền tảng tốt nhất cho dù sự nghiệp có phát triển đến đâu.
- Nếu nhìn lại quãng thời gian đã qua, theo chị đâu là bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời mình? Quãng thời gian nào chị cảm thấy hạnh phúc nhất?
Bước ngoặt lớn nhất là thời gian bước vào ngành tiếp viên hàng không, được bay đến và lưu lại nhiều nước trên thế giới, được mở mang kiến thức hiểu biết nhiều nền văn hóa khác nhau, được tận mắt chứng kiến các nền kinh tế phát triển, sự năng động của thế giới, được tiếp cận nhiều cơ hội kinh doanh... Đặc biệt là có dịp gặp gỡ người bạn đời, người thầy trong kinh doanh của tôi bây giờ!
Tôi là một người sống rất tích cực. Trong tất cả những giai đoạn thăng trầm của cuộc đời, tôi luôn tìm thấy được nhiều niềm vui hơn là mất mát. Đôi lúc, hạnh phúc chỉ đơn giản là được quây quần ca hát đàn trống với mẹ và các anh chị em trong ngôi nhà cũ dột mưa lúc thời kỳ hậu chiến tranh khó khăn. Giờ đây, hạnh phúc của tôi đôi lúc chỉ là một buổi nấu ăn vui vẻ với đại gia đình và những người bạn thân sau những chuyến công tác dài ngày căng thẳng (Cười).
- Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành của chị!
Influencer Thảo Tiên
Dáng người của Thảo Tiên nhỏ nhưng thanh thoát, như thể được sinh ra để vừa vặn với những thiết kế duy mỹ của thời trang. Nếu những gì mọi người thường thấy ở Thảo Tiên chỉ là bảng thành tích front-row tại các tuần lễ thời trang lớn, thì “bé Thảo” (tên cả nhà thân thiết gọi Thảo Tiên), lại gợi cho tôi hình dung về một cô gái trẻ đầy tiềm năng, không ngần ngại phân tích và đưa ra chủ ý trong những lần theo mẹ công tác nước ngoài. Thảo Tiên khéo lắm. Khéo léo như đúng những gì người ta kì vọng ở một thế hệ kế nghiệp...
- Em có gặp áp lực gì khi thường xuyên được truyền thông gọi là “con gái/ái nữ” của cha?
Nền tảng vững chắc của gia đình là nguồn động lực rất lớn, luôn ủng hộ mọi quyết định của Thảo Tiên. Đương nhiên, áp lực là rất lớn nhưng không phải từ danh xưng “con gái của cha”. Ngược lại, Thảo Tiên rất tự hào, bởi điều này chứng minh cha của Tiên là một người rất thành công và được xã hội tôn trọng. Áp lực của Tiên là làm sao để tự hoàn thiện hằng ngày, không phụ kỳ vọng của gia đình, tạo ra một con đường mới thành công, mang dấu ấn của riêng Thảo Tiên.
“IT Girl” hay “millennials” trở thành một trong những khái niệm phổ biến hiện nay. Em nghĩ thế nào về điều này? Với những ưu ái sẵn có, em có quyết định đi theo con đường kinh doanh của gia đình?
“Millennials” là một thế hệ lớn lên cùng công nghệ, phương tiện truyền thông và nền kinh tế hội nhập, luôn tìm kiếm trải nghiệm mới mẻ. Lẽ đương nhiên, millennials là những người sẽ tiếp tục phát triển xã hội bằng đam mê hòa nhập và tư duy độc lập, dám phá bỏ mọi giới hạn. Tiên rất tự hào vì là một millennial. Có lẽ được sinh ra trong một gia đình doanh nhân nên Tiên chắc chắn sẽ theo đuổi ngành này. Một doanh nhân chân chính và thành công là hình mẫu mà Tiên luôn muốn hướng tới.
- Vậy quyết định ấy là sở thích, đam mê riêng hay là định hướng của gia đình? Quá trình theo đuổi ngành học Kinh doanh của em có thuận lợi và khó khăn gì không?
Quyết định theo con đường kinh doanh là lựa chọn của bản thân Tiên. Tất nhiên Tiên cũng nhận được nhiều lời khuyên và góp ý của ba mẹ. Do được may mắn tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, đa dạng của phương Tây nên Tiên học hỏi rất nhiều từ môi trường làm việc chuyên nghiệp, tư duy kinh doanh hiện đại. Thật ra, khó khăn không nhiều bằng chính việc Tiên phải nỗ lực để tận dụng nguồn kiến thức quý giá mình học được để trở về nước, làm những công việc thật hữu ích .
- Em cũng sắp tốt nghiệp rồi nhỉ? Chuẩn bị bước vào thế giới thực, em có cảm giác thế nào?
Hồi hộp, hào hứng và cả lo lắng nữa. Vì Tiên sắp sửa bước vào một chặn đường mới của cuộc đời, Nhưng thật ra Tiên vẫn muốn học hỏi thêm. Hai năm để lấy bằng Thạc sĩ là mục tiêu tiếp theo mà Tiên muốn đạt được. Sau đó, mới chính thức bước vào công việc kinh doanh.
- Em từng kể vẫn hay đi cùng mẹ trong các lần đi mua hàng. Những lần đi ấy, em học hỏi được những gì từ mẹ và từ chính trải nghiệm của bản thân?
Điều mà Tiên được học hỏi nhiều nhất, đó chính là bản lĩnh và sự quyết đoán của mẹ. Với mẹ, lợi ích của công ty luôn được đưa lên hàng đầu. Mỗi quyết định mẹ đưa ra đều dựa trên sự tổng hợp và phân tích kỹ lưỡng, hợp lý, kết hợp với chiến lược phát triển bền vững, uy tín nên hoàn toàn thuyết phục được đối tác. Tiên cũng nghiệm ra rằng ngành kinh doanh thời trang này không dễ. Cần dự đoán trước thị hiếu của thị trường và kết hợp với khiếu thẩm mỹ để ra được quyết định đúng đắn.
- Sinh ra trong một gia đình có nền tảng vững chắc, em có cảm thấy mình may mắn?
Cho đến hiện nay, Tiên thật sự là một người rất may mắn. Gia đình đã cho Tiên một nền tảng vững chắc. Nhưng có biết phát huy sự may mắn đó hay không, còn phải tùy thuộc vào sự học hỏi, bản lĩnh, kiến thức và khả năng của bản thân. Tiên đang rất nỗ lực để làm được điều đó.
- Cảm ơn những chia sẻ của em!
Influencer William Hiếu Nguyễn
Hiếu Nguyễn là người con trẻ nhất trong gia đình. Xuất hiện trong buổi chụp hình cùng L’Officiel Vietnam, chàng trai sinh năm 1999 trầm ổn, ít nói nhưng toát lên sự đĩnh đạc hiếm thấy ở độ tuổi ấy...
- Quyết định thực tập bán hàng từ rất sớm, liệu đây có phải là quyết định đến tự nhiên hay là cách em muốn để tập luyện và hiểu hơn về công việc của gia đình?
Quyết định này hoàn toàn đến từ bản thân em. Từ nhỏ em đã rất ham muốn tìm hiểu về các công việc kinh doanh của gia đình. Theo em mỗi một sự nghiệp lớn đều được bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất, đi kèm cùng sự nghiên cứu và quan sát.
- Tuy có lẽ còn quá sớm để hỏi điều này, nhưng em có suy nghĩ về việc nối nghiệp ba? Xung quanh bạn là những người anh tài giỏi, em học hỏi được gì?
Trước mắt em còn phải tập trung học. Con đường nối nghiệp kinh doanh của ba là tất nhiên rồi. Là con út trong nhà nên em may mắn nhận được nhiều sự yêu thương, quan tâm và chỉ dạy từ các anh chị. Chính vì đằng trước em là những thế hệ khác nhau, nên em học được rất nhiều bài học từ thất bại đến thành công. Em luôn tâm niệm rằng, những điều học được từ các thành viên trong gia đình là vô giá!
- Cảm ơn những chia sẻ của em!
- Thủy Tiên kể về mối tình với Ưng Hoàng Phúc và scandal lộ ảnh nóng
- Hoa hậu nhân ái Thủy Tiên đấu giá áo dài dát vàng ủng hộ đồng bào lũ lụt
- Hai vợ chồng cùng thấp, Hòa Minzy sốt sắng hỏi cách phát triển chiều cao cho con để cao vượt bố mẹ
- Ở tuổi 24, Quang Hải giàu cỡ nào?
- Mẹ đảm Sài Gòn chia sẻ công thức làm hũ dinh dưỡng thay thế bất kỳ bữa ăn nào trong ngày cho con, ngon - bổ - rẻ mà lại siêu tiện lợi
- Đầu năm trò chuyện với Lương Thế Thành: Ông bố dạy khéo và chiều con nhất nhì showbiz Việt, hé lộ kế hoạch đón thêm thành viên mới
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua