Dòng sự kiện:

Vì sao con không thích chuyện trò, tâm tình với bố mẹ?

22:16 17/11/2015
Bố nghiêm khắc quá không dám gần gũi, mẹ thì "lôi thôi" quá, nên chỉ muốn tránh xa... Làm thế nào để con có thể chuyện trò trao đổi với cha mẹ một cách chân tình?

Khi học cấp 1, thành tích học tập của Bảo Nhi rất xuất sắc. Em cũng rất nghe lời mẹ và luôn cảm thấy mẹ là người bạn thân thiết.

Thế nhưng, càng lớn, Bảo Nhi càng không nghe lời như trước. Việc gì bố mẹ cũng quản em và thường bắt em làm những việc em không muốn làm. Quan hệ giữa Bảo Nhi và bố mẹ có phần căng thẳng.

Bảo Nhi cho biết, có lần bạn gọi điện đến tìm em, mẹ nghe điện thoại nhưng cứ hỏi vặn vẹo đủ thứ. Bảo Nhi có nhà nhưng mẹ lại bảo em ra ngoài và có việc gì cứ nói, mẹ sẽ nhắn lại cho.

Ngay cả chuyện em mặc gì cũng đều phải theo ý mẹ. Chính vì vậy Bảo Nhi và mẹ thường xuyên xảy ra bất đồng.

Cô bé phật ý nhất là chuyện cha mẹ luôn cho rằng em không hiểu gì cả và chỉ biết giục em học và học. Nhưng thứ gì càng bị cấm thì Nhi càng muốn làm.

Còn cô bé Dung thì lén đặt cho mẹ biệt danh “máy phát” vì mẹ nói rất nhiều. Có lần Dung ngồi ăn kẹo, bị mẹ nhìn thấy. Liền sau đó, mẹ Dung ngồi thuyết giảng cô bé đến 15 phút về việc ăn kẹo không có lợi cho sức khỏe thế nào. Cô bé thường xuyên “mặt nặng mày nhẹ” và chẳng bao giờ chủ động tâm sự gì với mẹ.

Bố mẹ của Bảo Nhi và Dung đều chung một cảm giác bực mình. Họ nghĩ rằng mình đã vất vả đi làm, con cái chỉ việc tíu tít ăn mặc học hành thôi nhưng thường xuyên khiến bố mẹ buồn lòng. Từ những đứa trẻ ngoan ngoãn ngày nào, giờ đây con gái luôn xa lánh cha mẹ. Mẹ Bảo Nhi phải thốt lên: "Tạo sao chúng tôi tận tâm tận sức vì con, mà cháu lại có ác cảm với bố mẹ."

Theo các chuyên gia tâm lý, khi trẻ càng trưởng thành về thể chất thì tâm sinh lý cũng thay đổi the. Đối với mọi việc trong cuộc sống, trẻ đều có sự nhận thức và đánh giá mới. Lúc này, trẻ chỉ mong được bố mẹ đối xử như người lớn, được tôn trọng ý kiến.

Nhưng đối với cha mẹ thì trẻ con vẫn là trẻ con và ép buộc con theo cách nghĩ của mình, khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày một lớn, không thể thông cảm cho nhau.

Nhiều cha mẹ gửi gắm tất cả những ước mơ và niềm hy vọng của mình vào con cái. Vì vậy khi con không chịu khó học tập thì thường cảm thấy thất vọng, sinh ra đánh mắng con. Việc suốt ngày bắt con chỉ vùi đầu trong sách vở thì chỉ khiến trẻ càng trở nên chán ngán mà thôi.

Vì vậy trước khi thắc mắc vì sao con cái không thích chuyện trò, trao đổi với bố mẹ, bạn hãy tự hỏi mình đã nghĩ đến cảm xúc của trẻ hay chưa?

Đinh Hương

Nguồn: Gia đình Việt Nam