Dòng sự kiện:

Vì sao đạo diễn Trần Lực không cưới Lê Khanh?

Vietnamnet
19:00 18/02/2017
Có thời điểm một ngày đạo diễn - NSƯT Trần Lực nhận được hàng trăm bức thư của khán giả hỏi vì sao anh không cưới Lê Khanh.

- Anh nói rằng NSND Lê Khanh là người kéo anh vào điện ảnh và anh cũng đóng cặp với Lê Khanh trong quá nhiều phim, có kỷ niệm nào với bạn diễn mà tới bây giờ anh vẫn chưa quên?

Tôi và Lê Khanh đóng cặp với nhau trong nhiều bộ phim, có thời điểm, một ngày tôi nhận hàng trăm bức thư hỏi vì sao chúng tôi không cưới nhau? (cười). Chúng tôi thân nhau đến mức không thể cưới nhau.

Có lần, khi đi đóng phim, tự nhiên Lê Khanh lên cơn đau bụng dữ dội, đoàn cứ gọi tôi cơ. Tôi thì loay hoay chả biết thế nào nên đi mua cháo về cho cô ấy ăn cho ấm bụng, nghĩ rằng đóng phim sương gió cô ấy lạnh bụng. Sau đó còn đưa cô ấy vào bệnh viện, hoá ra là 'nàng' bị giun chui ống mật. Chết cười! Sau này hoá ra là do đi diễn xa nhà, có gì ăn đâu, toàn ăn rau sống, rau rừng nên giun nó 'quấy' Lê Khanh.

Trần Lực - Lê Khanh là cặp đôi đẹp của điện ảnh Việt

Đóng chung với nhau nhiều trong lĩnh vực điện ảnh, anh có ý định sẽ kết đôi với Lê Khanh khi anh bước chân vào sân khấu?

- Với sân khấu, chúng tôi có niềm đam mê chung. Hiện nay, nơi tôi công tác (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh) và Nhà hát Tuổi trẻ (nơi Lê Khanh công tác) vừa ký kết hợp tác đào tạo, diễn xuất cho các em sinh viên. "Quẫn" là tác phẩm đầu tay của tôi công diễn ở đây. Sắp tới, tôi cũng hy vọng sẽ có dự án hợp tác giữa hai chúng tôi. Dự án gì thì bí mật nhé.

- Sinh ra trong một gia đình có truyền thống sân khấu, từng được đào tạo về sân khấu ở Bulgari nhưng vở "Quẫn" vào tối 18/2 tới đây sẽ diễn ở Nhà hát tuổi trẻ lại là vở sân khấu đầu tay của anh. Lý do gì anh xa sân khấu lâu như vậy?

- Tôi sinh ra và lớn lên bên cánh gà sân khấu. Tuổi thơ của tôi gắn liền với các vở diễn của cha mẹ và các cô chú. Vì lẽ đó mà sân khấu ngấm vào máu thịt và là thế giới cổ tích của tôi. Những ngày đầu, khi mới đi học nước ngoài về, tôi cùng vài người bạn lang thang khắp Hà Nội tìm địa điểm để mở một sân khấu tư nhân. Nhưng những năm 1990 chưa được phép thực hiện sân khấu tư nhân.

Thời gian rảnh, tôi đến đoàn làm phim cùng bạn bè nhưng ở đó, người ta thấy tôi trắng trẻo quá, thư sinh quá, cứ mời đi đóng phim. Rồi sau đó, những lời mời cứ đến liên tục. Nói chính xác ra là chính Lê Khanh (NSND Lê Khanh) là người đã kéo tôi vào với điện ảnh. Cuối cùng mải miết theo nó mà ngẩng đầu lên đã thấy mình đi được chặng đường dài.

Thế nhưng, niềm đam mê sân khấu trong tôi chưa bao giờ nguội và bây giờ, khi tôi có thời gian dành cho sân khấu thì "Quẫn" ra đời, như bạn thấy đó.

"Quẫn" - vở diễn đầu tay của Đạo diễn Trần Lực

Sân khấu truyền thống nói chung và sân khấu kịch nói thời điểm này không còn sức hút. Việc anh quay lại với sân khấu quả là một quyết định mạo hiểm?

- Tôi không phủ nhận sân khấu truyền thống hiện nay do sự cạnh tranh quá lớn của các loại hình nghệ thuật hiện đại nên đang dần bị lép vế. Rõ là đơn vị nào cũng bảo làm mới vở diễn cho hợp thời sự nhưng làm mới theo kiểu "vở diễn mới phong cách cũ" thì khán giả vẫn thấy sự nhàm chán. Phong cách sân khấu cũ bây giờ sẽ ít còn phù hợp.

Như với “Quẫn”, một tác phẩm được viết từ những năm 1959 -1960 của cố tác giả Lộng Chương, thầy trò chúng tôi nhìn bằng con mắt mang tính thời đại bây giờ, bằng quan điểm của những con người thời đại này nhìn về thời đấy.

Đó là chuyện về gia đình ông bà Đại Cát, một gia đình tư sản lâu đời trước chính sách công tư hợp doanh của Nhà nước. Lo sợ khối tài sản lớn tích cóp bị mất trắng, ông bà Đại Cát tìm mọi cách để cất giấu và tẩu tán.

Bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt về sự hám của từ hai vợ chồng ông bà Đại Cát đến bà mẹ Đại Lợi và em gái Đại Hưng của ông bà đều được phơi bày...

Đạo diễn - diễn viên Trần Lực

Còn phong cách, tôi muốn hướng theo phương pháp ước lệ. Tôi thấy rằng, sân khấu làm theo hướng này ở nước ta không nhiều, nếu không muốn nói rằng đếm trên đầu ngón tay thôi. Ước lệ về không gian, thời gian, động tác của diễn viên… Hướng này yêu cầu diễn viên thể hiện có kĩ thuật biểu diễn phải tốt.

Ngoài việc nắm bắt tâm lí nhân vật, nội tâm nhân vật, diễn viên còn phải có kĩ thuật thể hiện suy nghĩ, tâm trạng nhân vật ra bên ngoài. Nên đòi hỏi diễn viên phải giỏi. Tôi luôn muốn các em sinh viên của mình được trang bị những kiến thức về nghề để có thể “chiến đấu” ở ngoài.

Tôi tin khán giả sẽ không bao giờ quay lưng với sân khấu.

Cảm ơn anh về những chia sẻ!

Nguồn: Gia đình Việt Nam