Vì sao tình trạng ly hôn xảy ra nhiều ở những cặp vợ chồng trẻ?
Cuối tháng 11/2018, tôi gặp Q.G. (23 tuổi) đến TAND TP Cần Thơ dự phiên tòa xử ly hôn vắng mặt chồng. Do cuộc sống chung không hạnh phúc, bất đồng nhiều mặt, không tài sản, không con chung, đôi bên không tranh chấp vấn đề gì… HĐXX chấp thuận yêu cầu ly hôn của G. với người chồng Đài Loan, chấm dứt cuộc hôn nhân ngắn ngủi.
Q.G. tại phiên tòa xử ly hôn vắng mặt chồng.
G. có nét đẹp ngọt ngào, hiền lành miền quê cù lao sông nước. Thấy một số bạn bè lấy chồng nước ngoài hoặc đến thành phố lớn làm việc, có thu nhập cao, G. cũng mong muốn có thu nhập ổn định để lo cho gia đình. Qua mai mối, G. chấp nhận lấy chồng nước ngoài (48 tuổi) khi vừa tròn 20 tuổi. Sau đám cưới đơn giản, chồng đưa G. về Đài Loan.
Hạnh phúc chẳng tày gang, đối diện thực tế phũ phàng nơi xứ lạ, G. cố gắng thích nghi nhưng không có kết quả. Bất đồng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, những sinh hoạt nhỏ trong gia đình... G. cũng khó làm nhà chồng hài lòng; chưa kể khoảng cách tuổi tác giữa vợ chồng khiến G. gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.
Cha mẹ chồng lớn tuổi, còn chồng thì làm nghề lái xe đi suốt, mọi chi tiêu phải chờ chồng chu cấp. Sống lệ thuộc, bức bối, G. xin đi làm nhưng chồng không đồng ý, giữa hai người dần phát sinh mâu thuẫn. Đến khi không chịu đựng nổi, G. bỏ trốn, may mắn về được Việt Nam. Suốt năm qua, chồng không liên lạc, hỏi han. Biết không thể hàn gắn. G. tiến hành thủ tục xin ly hôn.
G. kể: "Lúc trước, em chỉ nghe nói nhà chồng khá giả, hoàn toàn mơ hồ về gia cảnh, tính tình, sức khỏe chồng. Nhìn qua ảnh, em thấy cũng được, cứ nghĩ về sống chung rồi sẽ thương, hợp nhau. Đâu ngờ….". Chỉ vì quá vội vàng, không tìm hiểu kỹ người phối ngẫu, G. phó thác đời mình cho cuộc hôn nhân may rủi, để rồi tuổi thanh xuân trôi qua trong nước mắt. Nhìn G. trò chuyện với mẹ sau phiên tòa, tưởng như vừa trút được gánh nặng. G. còn quá trẻ để làm lại cuộc đời nhưng vết thương lòng đâu dễ nguôi ngoai.
Cách nay 2 năm, chị H.N. và anh T.L. (quận Ninh Kiều) là cặp đôi... hoàn hảo. Anh L. là con nhà giàu chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng ở Cần Thơ, còn chị N. là con bạn đối tác làm ăn với gia đình anh L., từng du học nước ngoài. Trong các buổi tiệc chiêu đãi, thấy đôi trẻ hay trò chuyện, người lớn nhanh chóng tác thành cuộc hôn nhân "môn đăng hộ đối". Dù chưa hiểu rõ về nhau nhưng cả hai đồng ý theo lời cha mẹ. Sau đám cưới, vợ chồng ra riêng với căn nhà hai tầng tiện nghi và cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng khá lớn. Êm ấm chẳng bao lâu, vợ chồng thường xuyên lục đục, đòi ly hôn vì không chịu đựng nổi tính cách đối phương.
Vốn được cưng chiều từ nhỏ, hễ chồng không làm vừa ý, chị N. không tiếc lời mắng nhiếc, đập phá đồ đạc. Anh L. "không phải dạng vừa", gây gổ chán thì bỏ đi nhậu, thuê khách sạn ngủ. Trả đũa việc chồng đêm nào cũng tiệc tùng, tiếp khách đến khuya, chị N. bỏ mặc nhà cửa, du lịch liên tục. Khi hay tin chồng thường lui tới quán ăn có cô tiếp viên xinh đẹp, chị N. đến... "quậy tưng bừng". Không ai nhường ai, anh L. tát vợ trước mặt mọi người. Cuộc hôn nhân chưa tròn 3 năm gãy gánh. Đáng tiếc là thời gian làm thủ tục ly hôn, chị N. phát hiện có thai nhưng vì "hận" cái tát của chồng làm mình quá mất mặt nên đã... bỏ con!
Cuộc sống hiện đại với những quan niệm về kết hôn, ly hôn thoáng hơn, đơn giản hơn, khiến một bộ phận giới trẻ bất chấp hậu quả, yêu đương, sống thử. Nếu kết hôn, thấy không hợp thì chia tay, đơn giản như tàn cuộc chơi, không chút vấn vương, luyến tiếc. Tham gia nhiều vụ án xử ly hôn có yếu tố nước ngoài cho thấy, đa số cô gái trẻ đánh đổi đời mình vì lý do kinh tế, không hiểu, không yêu cũng chấp nhận kết hôn. Không ít cặp vợ chồng trẻ đưa nhau ra tòa, cười nói vui vẻ, chờ đến phiên mình vào phòng xử án. Sự hời hợt, dễ dãi trong tình yêu như những lát cắt buồn, làm mất đi giá trị thiêng liêng của tổ ấm gia đình.
Luật sư Võ Thanh Tĩnh, Trưởng văn phòng luật sư Võ Thanh Tĩnh (Cần Thơ) cho rằng, đối với những cặp vợ chồng chưa đủ thời gian tạo dựng những giá trị hôn nhân như: con cái, tài sản chung, sự nghiệp…. khi xảy ra mâu thuẫn, dễ dàng từ bỏ nhau. Mặt khác, sức chịu đựng của người trong cuộc kém, dễ bị tác động, dẫn đến rạn nứt. "Cái tôi" vợ, chồng sẵn sàng trỗi dậy nếu cảm thấy bị dồn nén, cư xử bất công. Nguyên nhân ly hôn chủ yếu do mâu thuẫn gia đình, không ít vụ do không biết cách giải quyết nên chuyện nhỏ thành lớn.
Để góp phần hạn chế tình trạng ly hôn, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, mở các lớp tiền hôn nhân, trang bị kiến thức trong xây dựng cuộc sống gia đình cho các cặp vợ chồng. Trước khi tiến đến hôn nhân, đôi bên cần tìm hiểu kỹ về tính tình, lối sống, công việc… từ đó có thể chuẩn bị tốt cho đời sống lứa đôi.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Con dâu ghê gớm một mực đòi ly hôn, mẹ chồng ủ mưu thả 2 viên thuốc vào cốc nước
- Những thời điểm vợ chồng dù có xảy ra chuyện gì cũng không được ly hôn
- Một đêm tình định mệnh đối với người phụ nữ hiếm muộn từng 2 lần ly hôn vì không có con
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua