Dòng sự kiện:

Vợ chồng lục đục vì chuyện “tiếng ta chưa sõi, đã học tiếng Tây” của con

00:45 21/06/2015
Vợ quan niệm học tiếng Anh càng sớm càng tốt bởi theo nghiên cứu, trẻ em cơ thể cùng lúc tiếp nhận hai ngôn ngữ mà không ảnh hưởng đến tư duy. Nhưng chồng lại cho rằng tiếng Việt chưa thông thì học tiếng Anh làm gì. Cuộc chiến trong việc dạy con như thế vẫn thường xuyên bùng nổ ở nhiều gia đình.

“Tiếng ta chưa sõi còn đòi tiếng Tây”

Là một giáo viên dạy cấp hai, chị Trần Bảo Ngọc (Tây Hồ, Hà Nội) luôn học hỏi những bà mẹ thành công khác để con mình phát triển tốt nhất trong khả năng có thể. Nhất là trong thời đại phụ huynh đua nhau đầu tư cho con đi học thêm ngoại ngữ, chị Ngọc cũng đứng ngồi không yên. Chị đã bàn chuyện đăng kí trung tâm cho con đi học thêm nhưng chồng chị kịch liệt phản đối và cho rằng con mới học lớp 2, cần phải học tiếng mẹ đẻ cho thông đã, tiếng Anh thì để sau này.

Tuy nhiên, chị Ngọc sợ sau này con không theo kịp các bạn nên đã giấu giếm chuyện cho con đi học tiếng Anh. Chuyện sau này bị bại lộ, chồng chị rất giận nhưng vì con đang theo học nên anh cũng thầm lặng bỏ qua. Thế rồi, sau một năm đưa đón vất vả, kết quả học tiếng của con rất thấp, chồng chị được cớ dằn vặt chuyện vừa tổn công, vừa tốn tiền lại chẳng thu được kết quả gì.

Chuyên gia tư vấn Nguyễn Thiên Thanh (Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình) vẫn còn nhớ rõ câu chuyện của hai vợ chồng anh chị Trung – Hậu ở Long Biên, Hà Nội. Cậu nhóc vào lớp 1, hai vợ chồng không ngớt căng thẳng xoay quanh việc dạy con. Chị muốn cho con học tiếng Anh thật sớm, càng càng có ích cho con. Trong khi đó, anh Trung lại khăng khăng theo quan niệm: Tuổi cấp 1 chỉ cần cho trẻ chơi là chính, học ở trường có đì đẹt một chút cũng không sao. Chỉ cần bé lên lớp đều đều, sức học trong lớp đừng quá tệ mà ở mức thường thường bậc trung là được rồi. Anh Trung phân tích: “Nhà anh, các anh em trên dưới đều được giáo dục theo cách đó cả. Cấp 1 để trẻ phát triển tự nhiên, lên cấp 2 uốn nắn hơn một chút, cấp 3 tập trung vào việc học nhiều hơn, và cuối cùng lên đại học mới dốc toàn lực vào. Không cần cho học theo kiểu học nhồi ép từ nhỏ làm gì…”. Chị không chịu, cãi lại thì anh khăng khăng nói mát: “Thì em xem lại xem bên nhà anh với bên nhà em, rốt cuộc thì những ai ra đời thành công hơn? Cái kiểu học nhồi sọ từ tấm bé đó khiến càng lớn con càng đuối sức dần, lên tới đại học thì lơ là hẳn chứ có ích gì!”.

Vợ chồng mâu thuẫn trong cách dạy con.

Cuộc chiến giữa vợ chồng căng thẳng đến mức cậu nhóc lớp 1 bắt đầu nhận ra những mâu thuẫn giữa bố mẹ. Thằng bé chỉ thích chơi game, thích vẽ vời, đùa giỡn với bạn bè. Hễ mẹ bắt học thì thằng bé gân cổ…cãi: “Bố nói con không cần thiết phải học nhiều. Bố nói cho con chơi mà…”.

Nuôi dạy con cũng cần phải đồng vợ đồng chồng!

Theo chuyên viên tư vấn Nguyễn Thiên Thanh, sở dĩ có có chuyện tranh cãi quyết liệt trong quá trình nuôi dạy con vì hai bậc phụ huynh, mỗi người đều ảnh hưởng một lối giáo dục riêng từ nhỏ đến lớn. Thiên hướng cha mẹ nào thường muốn con đi theo con đường giáo dục mà mình từng trải qua, từng thụ hưởng và cho đó là cách tốt nhất. Tuy nhiên, vì sự phát triển của trẻ, cả hai vợ chồng rất cần hợp tác với nhau, ngồi lại với nhau để đưa ra một số thỏa thuận chung trong cách nuôi dạy con.

Những cuộc nói chuyện giữa vợ và chồng nên được thực hiện một cách ôn hòa, lắng nghe lẫn nhau. Tránh những câu nói dễ chạm tự ái đối phương. “Ví dụ như cha mẹ có thể thỏa thuận chuyện lớn nhất cho trẻ học các môn năng khiếu vào thời điểm nào. Sau đó cha mẹ có thể đưa ra những môn năng khiếu mình đề nghị, nghĩ rằng tốt cho con. Có thể bàn bạc với nhau dựa trên danh sách đó để lọc ra 1-2 môn cuối cùng, phù hợp với trẻ, khiến trẻ thích thú. Bằng cách này vợ chồng có thể đạt được một thỏa thuận chung và không gây mâu thuẫn, xào xáo trong gia đình”, chuyên viên tư vấn Nguyễn Thiên Thanh chia sẻ.

Ngoài ra, cha mẹ nên mở rộng tầm nhìn và suy nghĩ của mình bằng cách nên thường xuyên gặp gỡ chuyên gia tư vấn, bạn bè thân thiết, người thân trong gia đình để trò chuyện, lắng nghe, học hỏi thêm kinh nghiệm. Chuyện học tiếng Anh sớm không còn xa lạ với trẻ em hiện nay, tuy nhiên tùy vào trình độ nhận thức, tiếp thu của con em mình, cha mẹ cần điều chỉnh các môn học cho hợp lý. Hãy giúp con kiểm tra kiến thức hoặc nhờ giáo viên nhận xét về học lực cho con để từ đó lựa chọn phương pháp học phù hợp với tư duy và năng lực của con.

LINH NGỌC