Dòng sự kiện:

Vợ chồng sẽ hạnh phúc hơn nếu thường xuyên đi ăn tiệm!

02:00 24/09/2016
Cơm nhà có một đặc điểm khủng khiếp là phải nấu, và việc nấu cơm chả gây thích thú bao giờ. Đã thế, cơm nhà ăn xong còn phải rửa bát đĩa, chỉ trong phim mới thấy những người vừa rửa bát đĩa vừa hát ca.

Vợ chồng hạnh phúc nhiều là phải đi ra ngoài ăn cơm với nhau nhiều

Có nhiều cách để hạnh phúc, trong khi chỉ có một cách để ly dị hợp pháp đó là phải ra tòa. Nhưng theo Lê Hoàng - một kẻ cả cuộc đời coi khinh ăn uống, vợ chồng hạnh phúc nhiều là phải đi ra ngoài ăn cơm với nhau nhiều.

Nghe đến đây chắc nhiều đứa nhảy dựng lên. Lý do chúng đưa ra thì vô số kể, và thoạt nghe có vẻ chính đáng vô cùng. Nào là ra ngoài ăn cho chúng nó chém à, nào là nấu ở nhà vừa rẻ vừa ngon, và bát đũa ở tiệm ăn nhìn bóng loáng thế thôi chứ có khi không rửa kỹ…

Thật là một sai lầm tai vạ.

Chỉ có những kẻ hoàn toàn có tâm hồn ăn uống mới nghĩ rằng ăn là để mà ăn. Thực ra, ăn là văn hóa. Mà hưởng thụ văn hóa hay nhất là hưởng thụ hai người. Khi vợ chồng cùng nhau đi ăn, họ sẽ cùng đi trên phố, cùng chọn địa điểm, chọn món và cùng bình luận.

Những điều ấy thú vị và vui vẻ vô cùng. Tất nhiên cơm nhà có giá trị riêng của nó. Nhưng cơm nhà có một đặc điểm khủng khiếp là phải nấu, và trừ những trường hợp đặc biệt, việc nấu cơm chả gây thích thú bao giờ. Đã thế, cơm nhà ăn xong còn phải rửa bát đĩa, chỉ trong phim mới thấy những người vừa rửa bát đĩa vừa hát ca.

Cơm nhà có một đặc điểm khủng khiếp là phải nấu. Đã thế, cơm nhà ăn xong còn phải rửa bát đĩa, chỉ trong phim mới thấy những người vừa rửa bát đĩa vừa hát ca.

Nhiều người sẽ cãi Lê Hoàng rằng nếu muốn vui thì vợ chồng đâu phải đi ăn, thiếu gì cách, cứ đi chơi cũng đủ cơ mà. Điều ấy nghe qua có vẻ không sai nhưng trên thực tế nếu đi chơi đúng nghĩa phải dài, phải ít nhất ba bốn tiếng mới dạo quanh đủ siêu thị hoặc một con phố trung tâm.

Còn gì tuyệt hơn nếu sau đó cùng vào một hàng ăn thưởng thức. Hàng ăn hôm nay thì vô cùng phong phú, đắt lè lưỡi ra cũng có mà chỉ một, hai trăm cũng không thiếu cơ mà. Mặc dù đắt hơn nấu trong bếp nhà mình, nhưng cái tiện lợi, cái thú vị và cái lạ lùng thì sao mà kể siết.

Ngay cả với những cặp vợ chồng thương yêu nhau thực sự, dù chỉ ăn cơm gia đình bên nhau cũng thấy ấm cúng không rời thì Lê Hoàng cũng cam đoan, mỗi khi ra phố ăn cơm lại cảm thấy ngay vài điều thú vị. Đó là bàn ghế, đó là khách khứa, đó là khán phòng, đó là món ăn và âm nhạc, những thứ ấy không thể tạo ra trong căn bếp nhà mình, hoặc có tạo ra cũng không gây hồi hộp.

Rất buồn cười là nhiều ông mượn đủ lý do để không ra ngoài ăn với vợ nhưng khi gặp bạn gái thì sốt sắng vô cùng, chưa gì đã mời ăn uống rồi. Như thế chắc chắn không phải cơm nhà hấp dẫn, mà do chả muốn đi với vợ tới đâu.

Ở cái xã hội phát triển, đồng lương trích ra cho chi phí mua thức ăn rẻ vô cùng nhưng hầu như chả ai đo hạnh phúc bằng no bụng, mà bằng cách đếm xem mỗi tháng có thể đi du lịch được bao ngày, mà đi du lịch để khỏi ăn cơm nhà chứ còn lôi thôi gì nữa.

Cũng do đi ăn uống ở tiệm quan trọng như thế, nên ở nhiều nơi trên thế giới, nhận lời đi ăn tối với ai đó là điều hệ trọng vô cùng, đó là một thông điệp mà hai bên cùng hiểu có thể đi tới xa  hơn. Món ăn đã không còn mang giá trị dinh dưỡng, mà trở thành thước đo cảm xúc.

Thời bé, Lê Hoàng nhớ rất rõ là toàn bộ nông thôn miền Bắc chỉ được xem phim khi có đội chiếu bóng về làng. Bà con hồi ấy suy nghĩ đơn giản vô cùng, chỉ chia điện ảnh ra làm hai phe là phim Liên Xô và phim Trung Quốc.

Xem nhiều quá, bọn trẻ con và cả người lớn đều rút ra kết luận là phim Trung Quốc hễ có đánh nhau thì địch chết rất nhiều, ta rất ít có thương vong còn phim Liên Xô rất nhiều khi thấy bên ta ăn uống. Sau này lớn lên, tôi mới hiểu chẳng qua ăn uống là một cách biểu lộ vui mừng, biểu lộ sự thăng hoa.

Điều ấy giải thích lý do cứ có gì vui là phải tiệc tùng. Khi Tổng thống nước này gặp Tổng thống nước kia, nếu không mời nhau ăn thì tình hữu nghị chắc chắn chưa là cao quý nhất.

Vợ chồng, đặc biệt là vợ chồng già thật ra không có nhiều lựa chọn. Đi ăn với nhau có khi lại là thứ dễ thực hiện nhất trên đời vì chỉ cần cùng nhau ra phố, đi vài bước chân, gọi một món nào vui vui là được.

Rất buồn cười là nhiều ông mượn đủ lý do để không ra ngoài ăn với vợ nhưng khi gặp bạn gái thì sốt sắng vô cùng

Lê Hoàng tuy là tên lắm chuyện nhưng cũng chả phải quá thô lỗ. Thỉnh thoảng có cơ hội gặp lại vợ chồng một người bạn cũ, Lê Hoàng chỉ nhẹ nhàng hỏi theo kiểu rất vô tình, rất tình cờ, rất thờ ơ là ông bà có hay đi chơi, đi ăn với nhau không.

Nếu họ đều thanh thản bảo không, chả cần cầu kỳ như thế thì Lê Hoàng đành quay đi và chua chát mỉm cười, nghĩ rằng họ đã thờ ơ với nhau từ lâu lắm. Nếu bạn đến một thành phố, bạn sẽ thấy nó đáng sống và người dân hạnh phúc khi vào các trung tâm thương mại vào chiều thứ bảy hoặc chiều chủ nhật, đông nghịt các cặp đôi đủ mọi lứa tuổi vui vẻ ngồi ăn.

Còn nếu hàng quán trống trơn, ai nấy đều lao ra chợ, mặc cả, vác thực phẩm về xào rán trong bếp nhà mình, cuộc sống nơi ấy còn chưa phát triển.

Từ lâu rồi, thiên hạ đã lan truyền câu châm ngôn con gái yêu bằng tai, con trai yêu bằng mắt. Điều ấy đúng nhưng không đầy đủ. Con trai còn yêu bằng cái dạ dày. Họ cảm thấy ăn ngon với ai và thích đi ăn với ai mới là tình yêu đích thực!

Xem thêm:

 (Theo Người Giữ Lửa)

Nguồn: Gia đình Việt Nam