Dòng sự kiện:

Vụ án Trương Hồ Phương Nga: Kết quả ra sao vẫn nhức nhối mối quan hệ tình - tiền!

Theo Gia đình & Xã hội
15:30 28/06/2017
Tuy vụ án Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản 16,5 tỷ đồng chưa đi đến hồi kết nhưng dư luận cũng như người trong nghề luật đã có nhiều nhận định xung quanh vụ việc gây chú ý đặc biệt này. Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Thưa luật sư, theo dõi thông tin về các phiên xét xử vụ án Trương Hồ Phương Nga ông có dự đoán gì về diễn biến thời gian, kết quả của vụ án? Với những tình tiết mới phát sinh liệu vụ án có bị kéo dài?

- Có thể nói rằng đây là một vụ án khá đặc biệt nên được nhiều người quan tâm. Đặc biệt trước tiên là câu chuyện mối quan hệ giữa "đại gia" và "chân dài"; câu chuyện người thứ ba trong hôn nhân; câu chuyện bán dâm của các chân dài; chuyện "chia tay đòi quà"... Đó là những vấn đề dư luận xã hội và quan điểm ý kiến mà các bên trong vụ án này đưa ra.

Còn dưới góc độ pháp lý thì câu chuyện của vụ án này là có oan sai hay không. Các luật sư và các chuyên gia pháp lý chủ yếu quan tâm tới vấn đề này. Việc Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga có tội hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa khi vụ án này kết thúc.

Bộ luật tụng hình sự và nguyên tắc tranh tụng đã được Hiến pháp năm 2013 quy định thì bản án của tòa án sẽ căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Các tình tiết, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án sẽ được đưa ra tranh luận công khai tại phiên tòa để đánh giá tính chất pháp lý và giá trị chứng minh.

Với diễn biến trong các phiên xét xử vừa qua thì chưa đủ căn cứ để kết tội Phương Nga. Cần phải làm rõ việc ông Mỹ giao tiền cho Nga để làm gì (trả tiền tình yêu, tặng, cho... hay là để nhờ Nga mua nhà?). Cô Nga có làm giả tài liệu để chiếm đoạt số tiền đó của ông Mỹ hay không? Việc làm giả tài liệu này có sự tác động của bên thứ ba hay không?.. Khi làm rõ các vấn đề này thì tòa án mới có thể phán quyết là Phương Nga có tội hay không.

Nếu kết quả tranh tụng cho thấy: Khoản tiền 16,5 tỷ đồng mà ông Mỹ giao cho cô Nga là tiền nhờ mua nhà hoặc tiền ông Mỹ đưa cho cô ấy giữ vì mục đích khác (không phải là tặng, cho) nhưng cô lại muốn chiếm đoạt số tiền đó bằng thủ đoạn làm giả giấy tờ nhà đất thì việc kết tội Phương Nga về tội lừa đảo là có căn cứ.

Nếu Phương Nga nhận tiền của ông Mỹ (không phải tiền tặng cho, cũng không phải là tiền thanh toán giao địch dân sự hợp pháp), khi nhận tiền không có mục đích chiếm đoạt nhưng sau đó Nga không có ý định trả lại tiền cho ông Mỹ nên đã có hành vi gian dối, làm giả giấy tờ để chiếm đoạt số tiền đó thì vẫn có thể kết tội Nga về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự.

Còn nếu kết quả tranh tụng thể hiện là không có chuyện nhờ mua nhà, Nga cũng không làm giả giấy tờ để chiếm đoạt số tiền trên thì tòa án sẽ tuyên bố Nga không phạm tội. Vụ án đang còn tiếp diễn nên kết quả vụ án sẽ căn cứ vào kết quả tranh tụng như vậy. Tòa án đang tôn trọng nguyên tắc tranh tụng để các bên tự do tranh tụng trong khuôn khổ pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính pháp)

Tại phiên tòa này, gia đình bị cáo Trương Hồ Phương Nga đã mời nhiều luật sư, còn về phần Phương Nga, trước nhiều câu hỏi của hội đồng xét xử, cô ấy tiếp tục sử dụng quyền im lặng. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Có 5-7 luật sư bào chữa cho bị cáo trong một vụ án hình sự là chuyện không lạ, pháp luật Việt Nam không hạn chế số lượng luật sư tham gia bào chữa cho một bị cáo. Cái chính là việc tham gia bào chữa đó phải được bị cáo chấp nhận.

Theo tôi thì Phương Nga nên tham gia bào chữa cho mình. Pháp luật quy định bị cáo có nghĩa vụ phải trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, kiểm soát viên và các luật sư tham gia bào chữa. Nếu nội dung nào bị cáo không nhớ, không biết thì có thể trả lời rõ là không nhớ, không biết...

Cũng tại phiên tòa, những lời khai của ông Cao Toàn Mỹ liên tục thể hiện sự không thống nhất, đôi lúc còn trình bày vòng vo, không rõ ràng. Theo Luật sư, đó có thể là căn cứ để đặt ra sự cân nhắc về tình tiết, từ đó cơ quan điều tra tiếp tục xác minh thêm không?

- Về nguyên tắc thì tất cả các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đều phải được làm rõ tại phiên tòa thì mới được sử dụng để tuyên vào bản án. Việc trả lời của bị cáo, người bị hại... tại phiên toà cũng là căn cứ để đánh giá giá trị của các chứng cứ, giúp tòa án tìm ra sự thật khách quan. Vì vậy, tòa án cũng sẽ đánh giá thái độ, nội dung trả lời của các đương sự để làm căn cứ xác định sự thật vụ án.

Trương Hồ Phương Nga không những không nhận tội mà đã tố cáo ngược Cao Toàn Mỹ. Ở góc độ cá nhân, ông đánh giá thế nào về thái độ của bị cáo này trước pháp luật?

- Đó là nội dung thể hiện hoạt động bào chữa của bị cáo theo quy định pháp luật, là quyền của bị cáo. Chính vì vậy toà án cần thận trọng trong đánh giá chứng cứ, xem xét đầy đủ toàn diện các yêu cầu của các bên để tìm ra sự thật khách quan, làm căn cứ để giải quyết vụ án.

Ông có cho rằng những vụ án này là hiện tượng "báo động" cho câu chuyện "chân dài" - đại gia"?

- Đó là câu chuyện báo chí đã phản ánh nhiều trong những năm qua. Mối quan hệ này là thể hiện lối sống hưởng thụ, không phù hợp với văn hoá, đạo đức người Việt. Việc hoa hậu, người đẹp bán dâm, "cặp" với đại gia đã có vợ là những hành vi không chỉ không phù hợp với đạo đức, văn hoá mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này còn làm xấu đi hình ảnh phụ nữ Việt Nam, làm tầm thường giá trị cái đẹp.

Đây là những hiện tượng đáng báo động mà các cơ quan chức năng cần phải có những giải pháp phòng ngừa và đấu tranh với tình trạng này. Những hiện tượng vi phạm pháp luật thì cần phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Với những hành vi ngoại tình, phá hoại hạnh phúc gia đình người khác thì cũng cần được phát hiện, lên án, xử lý nghiêm minh để giữ gìn hạnh phúc gia đình - các tế bào của xã hội.

Bất kể kết quả của phiên tòa có ra sao, câu chuyện về mối quan hệ “ tình – tiền” vẫn còn đó, chúng ta vẫn đặt ra trong đầu một câu hỏi lớn liệu ai đang lợi dụng ai trong mối quan hệ này và ai sẽ là người phải gánh chịu hậu quả nhiều nhất từ giờ cho về sau. Vụ án nêu lên một vấn nạn về sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng của con người trong thời kì hội nhập và những hệ lụy từ sự cám dỗ của đồng tiền.

Cảm ơn luật sư Đặng Văn Cường về cuộc trò chuyện!

Nguồn: Gia đình Việt Nam