Dòng sự kiện:

Vụ bé trai rơi từ tầng 11: Nguyên tắc bảo vệ con khi ở chung cư cao tầng

22:01 31/10/2016
Trẻ nhỏ đang ở trong lứa tuổi thích đùa nghịch, hiếu động, khám phá thế giới xung quanh và chưa ý thức được sự nguy hiểm khi ở ban công.

Ngày hôm qua (30/10), vụ tai nạn thương tâm từ chung cư cao tầng khiến bé trai 8 tuổi ở Hà Nội tử vong tại chỗ khiến nhiều người không khỏi đau xót.

Sự việc xảy ra vào khoảng 20h tối qua 30/10 tại tòa nhà K6 thuộc Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên – Hà Nội). Nạn nhân được xác định là cháu bé V.N.A, 8 tuổi.

Theo chị Tâm, bác họ của nạn nhân cho biết, vào khoảng thời gian trên, cháu N.A đang chơi cùng hai bạn, khi cháu trèo lên lan can thì không may cháu bị rơi xuống phần mái tum của tầng 2 và tử vong tại chỗ.

Thấy bạn trượt ngã, một trong hai người bạn đang chơi cùng cháu N.A đã chạy vào phòng của gia đình kêu gọi bố mẹ N.A nhưng gia đình không kịp trở tay.

Ông Nguyễn Văn Đăng – Phó trưởng phòng LĐTB&XH quận Long Biên cho biết: “Trong 3 năm trở lại đây, ngoài trường hợp của cháu N.A thì trên địa bàn quận Long Biên cũng xảy ra 5 trường hợp tương tự. Bởi lẽ, vào thời điểm xây dựng các tòa nhà chung cư, khu đô thị thì lan can còn thấp. Ban đầu đối với trẻ nhỏ từ 3-4 tuổi còn chưa thể trèo lên được, nhưng khi các cháu lớn lên, do tính hiếu động của trẻ nhỏ, các cháu đã trèo lên lan can và sự việc đau lòng đã xảy ra”.

Những vụ tai nạn đau lòng xảy ra với trẻ nhỏ ở khu chung cư cao tầng gần đây liên tục xảy ra. Hồi tháng 7 vừa qua, một vụ tai nạn tương tự xảy ra khi một bé trai khoảng 6 tuổi đã bị rơi từ tầng 11 của tòa nhà Rainbow Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), xuống ban công tầng 2 và tử vong tại chỗ.


Để bảo vệ trẻ khỏi những hiểm nguy rình rập ngay tại nhà, ban công gia đình cần được thiết kế cẩn thận. Ảnh minh họa

Thời điểm cháu gặp nạn, không có người lớn ở trong nhà. Trong quá trình chơi, đồ chơi của cháu bé bị rơi ra lan can khu giếng trời của tòa nhà. Cháu bé ra cố với lấy đồ chơi thì gặp nạn.

Theo chuyên gia tâm lý Hải Anh, trẻ nhỏ đang ở trong lứa tuổi thích đùa nghịch, hiếu động, khám phá thế giới xung quanh và chưa ý thức được sự nguy hiểm khi ở ban công.

Trong khi đó một số phụ huynh chủ quan, dù biết là ban công thấp, có kẽ hở, trẻ hoàn toàn dễ bị rơi xuống song vẫn chủ quan, không lắp đặt thêm thiết bị để rào chắn hoặc mức rào chắn quá lỏng lẻo, dẫn đến nhưng tai nạn đau lòng cho trẻ.

Để bảo vệ trẻ khỏi những hiểm nguy rình rập ngay tại nhà, ban công gia đình cần được thiết kế cẩn thận, với các yêu cầu như sau:

- Đảm bảo rằng lan can (thanh chắn) ban công đáp ứng đủ các tiêu chuẩn hiện hành: ít nhất là cao 1m, tốt nhất là cao hơn 1,3m, không có các khe hở nào rộng hơn 10-12,5cm.

- Nếu ban công hoặc sân cao hơn 4 mét so với mặt đất, không được có phần ngang để trẻ có thể leo nằm khoảng giữa 15cm và 76cm so với mặt sàn.

- Những thứ mà trẻ em có thể trèo lên hoặc đứng lên như bàn, ghế hoặc chậu cảnh nên được đặt tránh xa rìa ban công. Cẩn trọng với các món đồ nhẹ mà trẻ có thể kéo đến rìa ban công.

- Sử dụng các bề mặt không trơn trượt trên ban công.

- Khi không sử dụng ban công hãy khóa các cửa lớn và cửa sổ sát ban công.

- Kiểm tra lan can thường xuyên để đảm bảo rằng chúng đang ở trong tình trạng tốt.

- Lắp các tấm lưới bảo vệ ngoài ban công.

Khánh Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam