Dòng sự kiện:

Xâm nhập thế giới ngầm mua bán "hàng nóng" ở TP.HCM

16:39 24/08/2015
Nhiều loại "hàng nóng” như roi điện, súng điện... được những kẻ xấu mua bán dễ dàng sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Thế giới ngầm mua bán "hàng nóng"

Trao đổi trên báo Người lao động, một tay buôn có “máu mặt” ở khu An Đông (quận 5, TP.HCM) nói: “Hàng được nhập về tiêu thụ ở TP.HCM nhiều lắm, có ngày, điểm phân phối có thể bán cả trăm cây súng nhưng giờ công an đang vây bắt nên họ dè chừng...” và giới thiệu với PV một thanh niên tên Toàn, có thâm niên buôn "hàng nóng” hơn 2 năm nay.

Cho khách hàng xem "hàng nóng” có khả năng phát ra tia điện. Người bán cũng cho biết rất nhiều băng nhóm trộm, cướp đang sử dụng loại này. (Ảnh: Báo Người lao động).

Ngày 18/8, khi PV báo Người lao động gọi điện thoại cho Toàn qua số 0122654xxx, hỏi mua sản phẩm dùi cui điện, súng điện... Ban đầu Toàn cảnh giác, nói hết hàng, đến khi người gọi kể tên một số người trong một băng nhóm ở quận 5 giới thiệu, Toàn mới đổi giọng: “Giờ công an săn ráo riết, em không dám bán lộ liễu. Anh cứ chuyển tiền thì em giao hàng, không gặp trực tiếp”.

Sau một hồi thuyết phục, lấy lý do muốn mua hàng số lượng lớn để kinh doanh trực tuyến, Toàn mới đồng ý gặp PV tại góc đường Hòa Hảo (quận 10) để xem hàng.

Trưa 19/8, Toàn đến điểm hẹn. Thấy nhóm PV, Toàn tỏ vẻ nghi ngờ, hỏi vài câu kiểm tra xem có phải người muốn gặp mới yên tâm mở lời. Dẫn PV vào trong một con hẻm gần đó, ngó dọc, liếc ngang một hồi, Toàn lần lượt lôi trong túi xách ra nhiều món “hàng” rồi giới thiệu: “Đây là súng phóng điện ngụy trang như chiếc iPhone, chỉ cần ấn nhẹ nút bên hông là điện thoại phóng luồng điện lên đến 2.600 W. Ai mà “dính chưởng” là bị co giật. Còn đây là cần phóng điện có hình dáng như chiếc đèn pin, châm 1 phát vào người là chỉ có tê liệt. Giá 1 triệu đồng/món, không bớt”.

Toàn lôi một tờ giấy trắng để trước đầu điện. Sau khi ấn nút, tiếng tạch vang lên khá to, đồng thời một luồng điện phóng ra làm cháy một phần tờ giấy.

Toàn cười đắc ý: “Hàng uy tín nha. Mỗi ngày em bán cả chục cái. Vài bữa nữa khu Chợ Lớn tổ chức cúng cô hồn, tụi nó đua nhau mua để giành giật đồ cúng, lúc đó không còn hàng để bán đâu. Giờ anh mua, em giảm một ít, kèm phiếu bảo hành 3 tháng. Nếu hư, anh cứ gọi em”.

Cũng theo lời Toàn, gần đây việc mua bán luôn trong tình trạng “cháy hàng” bởi các băng nhóm rất thích “món” này. “Dễ khống chế đối tượng mà không gây chết người nên có bị “dính” thì tội cũng nhẹ” - Toàn cho biết.

Sản phẩm có sức “công phá” lớn: Đứng xa 8m, bắn gục người

Khi được hỏi sản phẩm có sức “công phá” lớn, Toàn liền giới thiệu một số mối ở đường 3 Tháng 2 (quận 10): “Chỗ đó cùng nguồn hàng với em. Tới đó, thoải mái lựa, có cả bình xịt hơi cay, súng tự chế, kềm chích điện, roi điện...”.

Ngày 20/8, khi tìm đến địa chỉ do Toàn giới thiệu, một thanh niên kéo PV vào góc đường gần giao lộ 3 Tháng 2 - Lê Đại Hành (quận 11) giới thiệu hàng. “Hàng của em, bọn giang hồ mua để trả nợ máu nhiều lắm. Anh dùng xong bảo đảm chỉ khen thôi. Có cả súng chỉ cần để hướng về đối phương bấm cò một phát là bắn được khoảng cách 8m. Người trúng phải dòng điện 5.000W tê người rồi gục thôi. Giá các sản phẩm từ 400.000 đồng đến 3 triệu đồng. Mua hàng dưới 1 triệu đồng, nếu bị công an phát hiện thì cũng chỉ phạt hành chính”.

Khi hỏi về nguồn hàng cung cấp và việc làm giấy phép giả để có thể hợp tác làm ăn với số lượng lớn, sau một hồi lưỡng lự, gã thành niên gọi điện thoại trao đổi rồi quay sang hẹn với PV: “Ngày mốt sẽ có nguồn từ cửa khẩu Tho Mo (Long An) nhập về, trong đó người ta còn in mã số giả, giấy tờ giả để mình sử dụng dễ dàng nhưng giá cao hơn một chút”.

Dùng "hàng nóng" đi cướp

Báo Tuổi trẻ đưa tin, đầu tháng 11/2014, Công an huyện Củ Chi (TP.HCM) đã lập hồ sơ xử lý băng nhóm cướp tài sản gồm 4 đối tượng do Lương Công Minh (26 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) giữ vai trò chủ chốt.

Băng nhóm của Lương Công Minh mua roi điện qua mạng Internet, sau đó sử dụng vào các vụ khống chế người đi đường để cướp tài sản. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ).

Theo hồ sơ ban đầu, băng nhóm này cùng nhau thực hiện 3 vụ cướp trên địa bàn huyện Củ Chi. Thủ đoạn của băng nhóm này là dùng roi điện chích vào người đang lưu thông trên đường đêm vắng để khống chế cướp tài sản là túi xách, xe máy.

Theo phân công sẵn, đồng bọn chở Minh giấu roi điện trong áo khoác, khi gặp “con mồi mồ côi” (nạn nhân đi xe máy một mình trên đường vắng), Minh cùng đồng bọn áp sát nhanh chóng cầm roi điện chích vào người nạn nhân.

Do bị chích điện bất ngờ nên nạn nhân không kịp trở tay, Minh cùng đồng bọn mau chóng cướp tài sản rồi tẩu thoát mất hút trong màn đêm. Sau khi cướp được, nhóm này lấy tiền chia nhau tiêu xài.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Củ Chi cho biết, qua khám xét tại nơi ở của Minh công an thu giữ một biển số xe máy là vật chứng vụ cướp, 6 cây mã tấu các loại. Ngoài ra, công an thu giữ thêm của Minh 2 roi điện, một dao xếp và một bình xịt hơi cay.

Minh khai mua roi điện, bình xịt hơi cay qua mạng Internet. Việc mua bán diễn ra nhanh chóng tại ngã tư An Sương với mỗi món chỉ vài trăm ngàn đồng.

Ban đầu Minh dùng roi điện, bình xịt hơi cay cùng các cây mã tấu để tham gia các trận xô xát ẩu đả, sau đó sử dụng roi điện vào các vụ khống chế người đi đường để cướp tài sản. 

Theo Thượng tá Đoàn Ngọc Minh, phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an TP.HCM, thời gian qua PC64 tổ chức nhiều cuộc vận động người dân giao nộp các loại vũ khí quân dụng, hung khí và công cụ hỗ trợ...

Sau khi người dân giao nộp, PC64 đã tổ chức tiêu hủy hàng ngàn loại hung khí, công cụ hỗ trợ như mã tấu, kiếm, dao, dùi cui...

Việc người dân tự ý mua, bán hay sử dụng các loại công cụ hỗ trợ là vi phạm về pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Qua công tác tuần tra kiểm soát, kiểm tra hành chính, lực lượng công an các quận, huyện đã bắt và xử lý nhiều trường hợp tàng trữ, sử dụng công cụ hỗ trợ trái phép. Những trường hợp này sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Luật sư Hà Hải - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định: chỉ những tổ chức thuộc quân đội, công an... hoặc những công ty có tư cách pháp nhân mới được phép mua, sử dụng công cụ hỗ trợ.

Một số công ty có pháp nhân như các công ty bảo vệ có thể được phép mua, sử dụng công cụ hỗ trợ.

Tuy nhiên, để mua, sử dụng công cụ hỗ trợ, các tổ chức đều phải làm hồ sơ xin phép mua và phải khai báo rõ về số lượng và mục đích sử dụng công cụ hỗ trợ. Đồng thời họ phải mua đúng nguồn chính thức là những công ty, tổ chức được cấp phép kinh doanh công cụ hỗ trợ.

Mỗi loại công cụ hỗ trợ được bán ra từ những công ty này đều có đóng số hiệu, nhằm mục đích quản lý chặt chẽ trong việc sử dụng.

Khánh Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Video đang được quan tâm:

[mecloud]yuSrHihIEf[/mecloud]