Xu hướng 'sống chung với mẹ chồng' kiểu mới: Ở gần chứ không ở cùng
Có nhiều từ khoá để nói về mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu vốn luôn mang trong mình sự căng thẳng với những định kiến khó thay đổi.
Nếu như trước đây, việc 2 vợ chồng dọn ra ở riêng là việc không thể và nhận phải sự phản đối gay gắt từ bố mẹ chồng thì ở cuộc sống hiện đại, với sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ của cả 2 bên đã cho phép nhiều cặp vợ chồng sống gần bố mẹ chồng thay vì sống chung.
Không gian riêng nhưng vẫn gần gũi
Bất cứ cặp vợ chồng nào cũng muốn có không gian riêng để được thoải mái chăm sóc, vun vén cho tổ ấm nhỏ của mình.
Họ có thể thoải mái làm điều mình thích, cuối tuần có thể ngủ muộn hơn 1 chút mà không phải gồng mình ngồi ăn bữa sáng cùng bố mẹ chồng trong tình trạng muốn ngủ nướng.
Chồng đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, không có ông bà nội đỡ đần thì chị Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng không biết xoay xở ra sao.
Suốt 5 năm chồng ở xa, công việc bận rộn, bố mẹ chồng là người trực tiếp giúp đỡ chị chăm sóc 2 đứa con cách nhau 2 tuổi.
Khi chồng về nước, vợ chồng chị xin bố mẹ dọn ra ở riêng vì không muốn bố mẹ vất vả chuyện chăm bẵm các cháu. Quyết định này nhận được sự nhất trí của bố mẹ chồng chị.
Anh chị chọn mua căn nhà cách nhà bố mẹ chỉ khoảng 500 mét để tiện chăm sóc cho họ. Khoảng cách ngắn này tạo điều kiện để ông bà có thể sang chơi với con cháu mà không phải di chuyển nhiều.
Hằng ngày, cả nhà vẫn gặp ông bà nội, cảm giác gần gũi, thân thiết chứ không bị bó buộc. 2 vợ chồng vẫn quan tâm, chăm lo cho ông bà, đơn giản từ việc nấu món gì ngon, chị Trang đều mang sang biếu ông bà. Cuối tuần nào vợ chồng chị cũng đón ông bà đi chơi cùng.
‘Sống gần bố mẹ chồng cho tôi cảm giác thoải mái, không bị bố mẹ kiểm soát, sống cuộc sống của mình mà không phải giữ ý như hồi sống cùng bố mẹ’, chị Trang bộc bạch.
Khác với chị Trang, chị Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) sống riêng ngay từ ngày đầu bước chân về nhà chồng.
Bố mẹ chồng muốn tạo không gian sống riêng cho 2 vợ chồng chị nên đã mua căn chung cư cùng khu với ông bà.
Khoảng cách 10 tầng với vài phút di chuyển đã giúp vợ chồng chị có thời gian và điều kiện quan tâm tới cuộc sống hằng ngày của ông bà hơn.
Ngược lại, ngày nào ông bà cũng xuống chơi với 2 đứa con nhà chị và các cháu cũng lên tầng thăm ông bà đều. Thi thoảng, mẹ chồng tiện thể mua luôn đồ ăn cho nhà chị hoặc khi chị bận, chị đều nhờ bà đi chợ giúp.
‘May mà ông bà ở ngay tầng trên nên nhiều khi 2 vợ chồng chưa về kịp, ông bà đón và trông con giúp’, chị Vân Anh chia sẻ.
Cởi bỏ mâu thuẫn
Với nhiều gia đình, việc quyết định dọn ra ở riêng đã khiến bố mẹ chồng không vừa lòng, cho dù chuyển ra ở gần đó.
Nếu mẹ chồng và nàng dâu đã có sẵn xích mích trong quá khứ thì sự việc này lại càng khiến mâu thuẫn đẩy lên đỉnh điểm.
Đây là những trường hợp bố mẹ chồng không ‘tình nguyện’ cho con cái ra ở riêng, phần lớn là do vợ chồng tự đi.
Trước khi lấy chồng, chị Bảo Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) rất quý bố mẹ chồng và muốn sống cùng 1 nhà để chăm sóc cả gia đình.
Tuy nhiên, sau khi sống chung với bố mẹ chồng được khoảng 4 năm, do quan điểm sống giữa chị và gia đình nhà chồng không hợp nhau, xảy đến hàng loạt mâu thuẫn không thể dung hoà nên chị quyết định dọn ra riêng.
Chị Ngọc thừa nhận, bố mẹ chồng chị chăm cháu rất chu đáo và khoa học. Nhưng chị đã ‘đầu hàng’ trước những xét nét từ nhà chồng.
Nước mắt ngắn dài đi thuê nhà, chị Ngọc không ngờ sau 6 tháng, chồng chị đòi về sống với bố mẹ vì chê nhà thuê bẩn, chê đồ ăn không ngon.
Những tưởng sự trở về này sẽ giúp cải thiện mối quan hệ giữa chị và bố mẹ chồng. Thế nhưng, dư âm của những mâu thuẫn từ trước khiến mối quan hệ này trở nên tồi tệ hơn.
Lần thứ 2 dứt áo ra đi, bố chồng chị còn đòi chìa khoá nhà, mặc dù chị vẫn chưa chuyển hết đồ đạc.
Chị Ngọc tâm sự, chỉ có cách ra ở riêng thì mới xoá bỏ được những xích mích giữa mình với bố mẹ chồng và ngược lại. Biết đâu, khi ra ở riêng rồi các cụ lại thương, ‘xa thơm, gần thối’.
Đều đặn hằng tuần, chị đều cho con về chơi với ông bà, mang biếu ông bà hoa quả, thức ăn. Dần dần, mối quan hệ giữa chị và bố mẹ chồng tốt đẹp lên, trong lòng không còn hậm hực nữa.
Cùng cảnh ngộ như Ngọc, 2 vợ chồng chị Vân (Long Biên, Hà Nội) dọn ra ở riêng sau 1 năm sống cùng nhà với bố mẹ chồng.
Những mâu thuẫn giữa chị và bố mẹ chồng và gia đình em chồng liên tục xảy đến cuộc sống 1 năm sau hôn nhân khiến chị Vân bị stress.
Thậm chí, đứa đầu nhà chị bị chậm phát triển hơn những đứa trẻ cùng tuổi do quá trình mang thai chị suy nghĩ quá nhiều.
Tuy nhiên, sau khi ra ở riêng ở căn chung cư gần đó, tâm lý của chị và gia đình chồng cùng được giải toả. Đôi bên vui vẻ hơn với nhau và không còn những mâu thuẫn từ sự để ý, để tứ như khi sống chung nữa.
Hài hoà cả đôi đường
Dọn ra ở riêng, không những mối quan hệ ‘dâu là con’ được cải thiện đáng kể mà 2 vợ chồng ngày càng thắm thiết hơn.
Chị Ngọc thấy người chồng của mình có chính kiến hơn từ sau khi ra ở riêng, điều mà chị luôn mong chờ ở 1 người đàn ông thành phố ‘bám váy mẹ’. Cuộc sống của 2 vợ chồng chị hiện tại luôn tràn ngập niềm vui trong sự thoải mái, tự do.
Thỉnh thoảng, 2 vợ chồng chị lại ‘hâm nóng’ tình cảm bằng những chuyến du lịch ngắn.
Không sống cùng bố mẹ, nếp sinh hoạt gia đình của 2 vợ chồng có nhiều thay đổi, phải tự lập và tự chủ hơn. Sống riêng đồng nghĩa với việc sẽ không còn nhận được nhiều sự đỡ đần từ phía bố mẹ.
Nhưng đó sẽ là lối sống lý tưởng mà 2 người thiết lập mà chỉ khi sống riêng mới thực hiện được.
Hằng ngày, chị Trang và chồng phải sắp xếp thay nhau đưa, đón 2 con đang học tiểu học. Những ngày nào bận bịu, 2 vợ chồng mới nhờ đến sự giúp đỡ của ông bà nội.
Thi thoảng bố mẹ chồng vẫn nói đùa ‘Biết thế cho 2 đứa ra ở riêng ngay từ đâu, 2 thân già này đỡ mệt’.
Sống riêng không hẳn là không quý mến gia đình chồng, chưa hẳn là ích kỉ nhưng mỗi cặp vợ chồng đều có lối sống riêng, cách sinh hoạt khác biệt.
Hơn nữa, lại là 2 thế hệ nên rất khó tìm được tiếng nói chung với mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu vốn đã nhiều định kiến. Đôi khi, sự riêng tư bị xâm phạm khiến nảy sinh các mâu thuẫn, căng thẳng trong gia đình.
Dọn ra riêng cũng là một cách hữu hiệu để chứng minh sự trưởng thành của 2 vợ chồng trong mắt bố mẹ. Khi đó, quyền riêng tư và sự tự do của 2 vợ chồng được đảm bảo tối đa.
Sống gần bố mẹ chồng, thi thoảng 2 vợ chồng đưa con về thăm ông bà, cả nhà có dịp quây quần bên mâm cơm cuối tuần.
Khi đó, các thành viên trong gia đình sẽ yêu quý và trân trọng nhau hơn, tình cảm của con dâu với bố mẹ chồng cũng tốt hơn.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Trang Nhung: 'Mẹ chồng khuyến khích tôi ở riêng'
- 4 cách dạy con ‘kỳ lạ’ của cô dâu Tây khiến mẹ chồng Việt tâm phục khẩu phục
- 10 câu nói của mẹ vợ khiến mẹ chồng phải suy ngẫm
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua