Dòng sự kiện:

"Xử" thế nào khi bé coi thường bạn cùng lớp

15:36 29/01/2016
Khi trẻ có hành động coi thường và bắt nạt bạn khác, bố mẹ đừng chủ quan mà bỏ qua cho bé.

[mecloud]wSaI1KyeQu[/mecloud]

Trẻ bắt nạn hay coi thường bạn bè ở trường là cách ứng xử chưa tốt khiến bố mẹ đau đầu. Tuy nhiên, để nhận biết được con bạn có bắt nạt, coi khinh bạn hay không, bố mẹ cần nhạy cảm nếu bé không tự nói ra.

Một câu chuyện của chị L. - bà mẹ trẻ ở Hà Nội có con trai 9 tuổi chia sẻ: Một buổi chiều khi đến trường đón con, chị nghe cậu con trai nói với mấy người bạn cùng lớp đang tụm 5 tụm 7 ở giữa sân trường: "Từ mai đừng đứa nào chơi với thằng K. nữa, nó nói chuyện thì cũng đừng bắt lời". Chị đã vô cùng sững sờ khi thấy con trai rủ rê bạn bè xa lánh một người bạn cùng lớp.

Trên đường về, chị L. dò hỏi con về chuyện vừa chứng kiến, cậu bé lập tức chối bay. Tuy nhiên, sau một hồi bị mẹ trả khảo, cậu bé mới khai thật rằng không thích bạn K. học cùng lớp với lý do cậu bé K. con nhà nghèo.

Nghe những lời "thú tội" của con, chị càng sửng sốt hơn khi con mới tí tuổi đã biết phân biệt đối xử và coi khinh bạn cùng lớp chỉ vì hoàn cảnh khó khăn.

Khi trẻ có hành động coi thường và bắt nạt bạn khác, bố mẹ đừng chủ quan mà bỏ qua cho bé. Ảnh minh họa

Dù không hài lòng với cách ứng xử của con với người bạn cùng lớp, nhưng chị L. không trách mắng và đánh con, chị kiên trì giải thích cho con về hoàn cảnh của người bạn K. cùng lớp và cách ứng xử với bạn bè sao cho đúng mực.

Theo lời chị L. giải thích với con, bạn K. không có lỗi khi có hoàn cảnh khó khăn hơn các bạn cùng lớp, bởi không ai có quyền lựa chọn được sinh ra như thế nào.

Một em bé có hoàn cảnh khó khăn không có nghĩa là em bé đó xấu, nhà nghèo nhưng biết vươn lên trong học tập thì càng khiến các bạn khác nể phục. "Lẽ ra khi thấy bạn không được như mình, con càng phải thương yêu và giúp đỡ bạn nhiều hơn mới đúng mực", chị L phân tích.

Một thời gian sau khi theo dõi và thăm dò, chị L. vui mừng khi cậu con trai không còn coi khinh cậu bạn cùng lớp kia nữa. Tuy nhiên, khi về nhà, chị L. lại đau đầu khi thấy con trai đang chơi đùa với mấy đứa bạn cùng khu phố nhưng lại phớt lờ 1 đứa trẻ khác và rất lấy làm thích thú.

Thêm một lần nữa chị không mắng con mà trò chuyện với con, giúp con hiểu hơn. Chị L. tỏ ra rất buồn khi con đối xử chưa tốt với bạn.

Chị L. hỏi lại con: “Con nghĩ bạn ấy sẽ cảm thấy như thế nào khi bị con coi thường và phớt lờ?” và cho con cơ hội tự đặt mình trong hoàn cảnh của người bạn đó và suy nghĩ, nhất định con sẽ hiểu cảm xúc của người bạn đó như thế nào.

Khi trẻ có hành động coi thường và bắt nạt bạn khác, bố mẹ đừng chủ quan mà bỏ qua cho bé, bởi tất cả những yếu tố không tốt đó sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của bé sau này.

Khi phát hiện con coi thường và bắt nạt bạn khác, bố mẹ hay chỉ cho con biết đúng sai và cho con cơ hội kiểm điểm bản thân để bé có cách ứng xử tốt hơn khi tiếp xúc với bạn bè. 

Khánh Ngọc

Nguồn: Gia đình Việt Nam

>> MỜI ĐỘC GIẢ XEM VIDEO ĐANG HOT:

[mecloud]fylDaeJ18N[/mecloud]