Dòng sự kiện:

Xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út: Ký ức kinh hoàng!

02:00 29/07/2015
Không mất phí, không mất tiền vé máy bay, lương cao ngất ngưởng, những lời hứa hẹn từ tổ chức môi giới khiến không ít người đổ xô sang Ả Rập Xê Út làm người giúp việc. Để rồi, họ trở về với ký ức kinh hoàng về những ngày tháng bị bạo hành, ngược đãi, thậm chí cả đối mặt với cái chết.

 

 

 

Những năm gần đây, số lượng người XKLĐ sang Ả rập Xê út tăng mạnh

Bị ngược đãi đến mức… phẫn uất tự tử

“Lúc làm hợp đồng, họ hứa trả 13.000 Ryals. Nhưng thực tế, chủ nhà bớt lại 500 Riyals, tôi chỉ được nhận nhận 12.500 Riyals (tương đương khoảng 6,3 triệu đồng tiền Việt Nam)”, chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1965, trú xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Đàn, Nghệ An) kể lại. Sau hai tháng bị vắt kiệt sức lực, chị Hồng bị bán lại cho một gia đình khác, cũng làm việc quần quật từ sáng đến tối. Để tránh việc lại  bị  “sang tay” và tiếp tục bị hành hạ dã man, chị Hồng phải dùng đến  “khổ nhục kế” là đòi lao đầu vào ô tô tự tử thì chủ nhà mới thôi đánh đập và không bán sang chủ khác. Chị Hồng được đưa vào trại tị nạn và  sau đó được công an nước bạn can thiệp, làm thủ tục cho về nước.

Trao đổi với chúng tôi ngay sau khi vừa trở về từ Ả Rập Xê Út, nhắc đến 9 tháng đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), chị Hồng vẫn chưa hết sợ hãi. Khoảng đầu tháng 9/2014, thông qua một người phụ nữ tên Tuyết (Cửa Hội, Nghi Lộc, Nghệ An), chị Hồng được công ty cổ phần XKLĐ và Thương mại du lịch (Colecto - trụ sở tại Tầng 7, Tòa nhà Âu Việt, số 1 Lê Đức Thọ, Hà Nội) tư vấn để sang Ả Rập Xê Út làm người giúp việc.

“Họ hứa hẹn lương khởi điểm là 13.000 Riyals (khoảng 7 triệu đồng), những tháng sau sẽ tăng dần đều lên 8,5 triệu, 10 triệu. Vì cần tiền nuôi con ăn học nên tôi quyết định lên đường, cứ nghĩ sau này sẽ có tiền mang về nhà trả nợ và làm ăn”, chị Hồng kể. Sau một khóa học ngoại ngữ kéo dài đúng 3 ngày, chị Hồng ký hợp đồng với Cty Colecto và chờ ngày lên đường. Ngày 17/9/2014, vừa đặt chân đến Ả rập Xê Út, chị phải đi làm ngay không được nghỉ ngơi và chuỗi ngày “hành xác” bắt đầu.

Nhắc đến những ngày tháng bị ngược đãi tại Ả rập Xê út, chị Hồng chưa hết bàng hoàng

Ngoài chị Hồng, chị Trần Thị Thu (SN 1972, trú tại xã Châu Hội, Quỳ Châu, Nghệ An) cũng phải “tháo chạy” sau nhiều tháng XKLĐ khổ sai tại Ả Rập. Tuy nhiên, còn rất nhiều người đang “mắc kẹt” ở trại tị nạn, trong đó có chị Nguyễn Thị Xuyến (Tây Ninh), chị Nguyễn Thị Nhàn (SN 1987, trú xã Diễn Thái, Diễn Châu, Nghệ An)… Cũng theo chị Hồng, có trường hợp người Việt Nam đã thắt cổ tự tử tại Ả Rập Xê Út do quá phẫn uất trước sự bóc lột tàn nhẫn, hiện gia đình vẫn chưa đưa được thi thể trở về quê nhà.

Làm gì để hạn chế rủi ro cho người XKLĐ?

Trao đổi với chúng tôi, Phó Trưởng phòng Việc làm, Lao động, Tiền lương, Bảo hiểm xã hội (Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An) Lê Huy Vinh cho biết, thời gian gần đây, số lượng nhân công XKLĐ sang Ả Rập Xê Út tăng mạnh, ngoài viễn cảnh lương cao còn do thủ tục đơn giản và không mất phí. Tuy nhiên, doanh nghiệp cung ứng lao động lại được trả phí tuyển dụng cao. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng hơn 15.000 LĐ đang làm việc tại thị trường này, trong đó giúp việc gia đình chiếm khoảng 5.000 người.

“Đặc thù của nghề giúp việc gia đình làm theo khối lượng công việc và phụ thuộc vào gia đình sử dụng lao động nên dễ dẫn đến tình trạng bị lạm dụng, phải lao động quá giờ, thậm chí có trường hợp còn bị lạm dụng tình dục”, ông Vinh cho biết. Tại Nghệ An, có khoảng 1.500 lao động đang làm việc tại Trung Đông. Trong năm 2014 cũng đã có những vụ việc phát sinh liên quan, chủ yếu là lao động giúp việc bị sa thải, ngược đãi hoặc không thích nghi với khí hậu, môi trường làm việc xin về nước trước hạn. Sở LĐTB&XH đã yêu cầu các doanh nghiệp XKLĐ phải siết chặt trong khâu tuyển chọn, cung cấp thông tin minh bạch, đầy đủ về văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán cũng như điều kiện hợp đồng cho người lao động”.

Ông Vinh cũng nhấn mạnh, theo quy định, các doanh nghiệp XKLĐ phải cử người sang nước tiếp nhận để nắm bắt tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho người đi XKLĐ. Tuy nhiên, do chi phí tốn kém nên nhiều doanh nghiệp đã “phớt lờ”, quy định này và gần như bỏ mặc người lao động phải “tự thân vận động” ở xứ người.

Ông Vinh khẳng định, để đảm bảo quyền lợi cho người đi XKLĐ cần có một chính sách rõ ràng hơn trong việc quy định nghĩa vụ của các tổ chức cung ứng nhân công. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền về những rủi ro có thể gặp phải khi đi XKLĐ tại Ả Rập Xê Út.

SÔNG THAO (tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin