Dòng sự kiện:

Xúc động con rể hơn 80 tuổi hết lòng chăm sóc nhạc mẫu 105 tuổi

14:00 24/01/2016
Nhiều người thường quan niệm “dâu là con, rể là khách” nhưng chuyện ông Trần Văn Chung (84 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM) hàng chục năm qua chăm mẹ vợ trên trăm tuổi khiến bao người xúc động.

 

 Người con hiếu thảo

Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng căn nhà nhỏ nằm sâu hun hút trong một con hẻm tại đường Lạc Long Quân (phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM) lúc nào cũng đầm ấm, vui vẻ và hạnh phúc. Giữa nhịp sống hối hả của phố thị Sài thành, có lẽ đây là một trong số những gia đình còn giữ được trọn vẹn nếp sống tốt đời đẹp đạo, thuận hòa.

Sinh ra và lớn lên tại Quảng Nam nhưng ông Trần Văn Chung vào TP.HCM lập nghiệp từ rất sớm. Lúc đầu ông làm nghề bỏ mối vải cho tiểu thương ở các chợ kinh doanh trên địa bàn TP.HCM. Mải mê với công việc, đến năm 41 tuổi ông mới lập gia đình cùng bà Huỳnh Thị Lai, năm nay 64 tuổi. Khi đó, bà Lai cũng làm nghề buôn bán vải. Vợ chồng ông Chung có ba con nhưng một người mất sớm. Bao năm qua, căn nhà nhỏ này là nơi ông Chung chăm sóc phụng dưỡng mẹ vợ là cụ Đặng Thị Đồng, đang ở tuổi thượng thượng thọ 105.

Kể chuyện gia đình mình cho chúng tôi nghe, bà Lai chia sẻ: “ Hồi đó, anh Chung hơn tôi 20 tuổi. Nhưng thấy anh là người chững chạc, tử tế, biết quan tâm đến người khác nên tôi quyết định gắn bó cuộc đời mình với anh ấy. Tôi không mê giàu có, chỉ thấy anh hiền lành, sống có tình nghĩa nên bỏ qua mọi lời ngăn cản. Bao nhiêu năm chung sống với nhau, anh chưa bao giờ nặng lời với vợ. Dù nghèo nhưng chúng tôi không hề xảy ra chuyện mâu thuẫn như nhiều gia đình khác.

Sau này do tôi mệt, hay đau ốm, các con thì ở xa nên mọi công việc trong gia đình đều do chồng gánh vác. Anh Chung xem mẹ tôi như là mẹ ruột của mình. Những lúc mẹ tôi đói, anh là người cho cụ uống sữa, đút từng thìa cơm rồi tắm giặt... Cử chỉ chăm sóc mẹ vợ ân cần của anh ấy khiến tôi và nhiều người rất cảm động. Tôi phải cảm ơn số phận đã cho mình gặp được người chồng như vậy”.

Ông Chung kể về mẹ vợ mình. Ảnh Lành Nguyễn.

Ngồi bên cạnh vợ, ông Chung tâm sự: “Tôi không có suy nghĩ phân biệt mẹ đẻ hay mẹ vợ. Đã gọi là mẹ thì đều phải tôn trọng, trông nom, chăm sóc. Mẹ nào cũng là mẹ. Việc chăm sóc mẹ già không chỉ là trách nhiệm nghĩa vụ của con cái mà nó còn thể hiện tình người, truyền thống hiếu đạo của người Việt. Mẹ sống lâu, để phúc cho con cháu là niềm hạnh phúc của cả gia đình. Mẹ đẻ của tôi chẳng may bị bệnh và qua đời sớm khi tôi còn nhỏ. Từ đó, tôi luôn cảm thấy khát khao có được một người mẹ để chăm sóc”.

Tạo niềm vui cho mẹ

Giải thích tại sao ông Chung lại có tình cảm và trách nhiệm với mẹ vợ như mẹ ruột của mình, ông bảo rằng, lúc còn khỏe mạnh, cụ Đồng luôn thương yêu, lo lắng cho vợ chồng ông. Cụ sống rất vui vẻ, hay giúp đỡ người khác, không hờn giận, oán trách bất cứ ai bao giờ.

“Mẹ tôi hiền lắm. Chẳng bao giờ nghe mẹ than vãn hay nói nặng lời với các con, cháu. Khi còn mạnh khỏe, mẹ cũng giúp chúng tôi chăm sóc con cái, nhà cửa. Có lẽ mẹ luôn vui vẻ, lạc quan nên mới sống lâu, sống khỏe đến tận bây giờ. Hằng ngày tôi là người pha sữa, tắm rửa cho mẹ. Vợ chồng chúng tôi thay nhau chăm sóc mẹ, nhưng tôi vẫn là người chăm sóc chính. Mẹ cũng coi tôi là con đẻ của mình. Có vấn đề gì, mẹ góp ý rất thẳng thắn, mong chúng tôi sống tốt hơn”.

Mặc dù gia đình ông Chung chỉ làm công việc may gia công quần áo, thu nhập không ổn định, nhưng họ chưa bao giờ để cụ phải than vãn nửa lời. Bà Lai kể: “Biết là mẹ không cần tiền làm gì vì mọi thứ chúng tôi đều đã lo hết, nhưng mỗi lần trên phường có người xuống cho quà, chúng tôi đều để mẹ được trực tiếp giữ, để cụ vui và biết rằng xã hội vẫn còn quan tâm đến người cao tuổi. Khi được ai đó cho quà, dù chỉ là cái bánh, cái khăn nhưng mẹ vui lắm. Có hôm chồng tôi muốn mẹ vui nên đã ghé vào tai nói cho cụ biết, hội Người cao tuổi và bạn bè biếu mẹ ít quà. Nhìn ánh mắt của mẹ, chúng tôi thấy mẹ vui lắm. Chúng tôi cũng chỉ cần có vậy, mẹ vui là cả nhà vui rồi”.

Bà Lai cho biết thêm, bà nghe người thân kể lại rằng, thời kháng chiến chống Mỹ, làng cụ Đồng bị máy bay Mỹ ném bom, rất nhiều người chết. Khi đó, bỗng nhiên cụ Đồng mất tích nhiều tháng trời nên nhiều người đã tưởng cụ đã chết. Không ngờ sau đó, cụ Đồng tự tìm về nhà. Chẳng ai ngờ được cụ có thể sống sót giữa mưa bom bão đạn trong vụ ném bom kinh hoàng đó.

Được biết, cụ Đồng luôn được người dân quanh vùng nhắc đến là người phụ nữ hiền hậu, phúc đức. Có hôm, phát hiện kẻ trộm vào sân trộm đồ nhưng cụ chỉ nhẹ nhàng cảnh báo: “Có đòn gánh để trên giàn đó con”. Nghe xong, tên trộm chạy mất hút, còn cụ lặng lẽ bước vào nhà nghỉ ngơi.

Cụ Đồng đang đi chơi ở nhà con trai, nhưng phòng ở của cụ vẫn được ông Chung dọn dẹp thơm tho. Ảnh Lành Nguyễn.

Có một thời gian, ông Chung bị bệnh tiểu đường phải nhập viện cấp cứu nên không thể chăm sóc cụ Đồng được. Người con trai thứ 4 của cụ đã đưa mẹ về nhà ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) để chăm sóc. Cụ Đồng mặc dù không còn được minh mẫn như trước nữa nhưng vẫn thường xuyên nhắn gửi lời động viên con rể đang nằm viện chữa bệnh.

“Mẹ hỏi vợ tôi rằng: “Ông bụng bự đâu rồi, khỏe chưa, đi viện về chưa?”. Tôi và mẹ chẳng bao giờ có suy nghĩ khoảng cách giữa mẹ vợ con rể cả, chỉ biết rằng chúng tôi sống cùng mái nhà bằng tình thương yêu chân thành nhất”, ông Chung xúc động nói.

Trao đổi với PV, ông Hồ Tấn Ấn, Chi hội trưởng hội Người cao tuổi khu phố 5 (phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM), nơi gia đình cụ Đồng sinh sống, khẳng định: “Nhiều lần tôi thay mặt hội Người cao tuổi khu phố đến thăm gia đình cụ Đồng và chứng kiến ông Chung chăm sóc mẹ vợ rất chu đáo. Nơi nằm nghỉ của cụ Đồng lúc nào cũng sạch sẽ thơm tho. Những cử chỉ chăm sóc chu đáo của ông Chung dành cho mẹ vợ, nếu người ngoài nhìn vào chắc chắn họ sẽ nghĩ đó là con đẻ chứ không phải con rể.

Có lần, tôi xúc động đến rơi nước mắt khi thấy ông Chung ân cần chăm sóc mẹ vợ. Sự hiếu thảo của ông từng được nhận nhiều giấy khen tuyên dương người con hiếu thảo cấp phường, quận và thành phố. Thời gian gần đây, ông Chung phải nằm viện nên người con trai thứ tư đã đưa mẹ về quận Bình Thạnh chơi và chăm sóc. Cả khu phố ai cũng quý trọng gia đình cụ Đồng”.

Một trong những người cao tuổi nhất Việt Nam

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Công Nga, Chủ tịch hội Người cao tuổi phường 10, quận Tân Bình cho biết: “Gia đình ông Chung có hai người được công nhận là người cao tuổi, đó là ông Chung và cụ Đồng. Đặc biệt, ông Chung được nhiều người dân biết đến là tấm gương người con hiếu thảo của phường từ nhiều năm nay. Chúng tôi rất tự hào khi trên địa bàn phường có nhiều cụ được phong tặng người cao tuổi. Cụ Đồng được Trung ương hội Người cao tuổi chứng nhận là một trong những người cao tuổi nhất Việt Nam. Trước đây, chúng tôi đến nhà, cụ Đồng vẫn còn minh mẫn nên rất thích trò chuyện vui vẻ với mọi người. Ở cụ toát lên vẻ phúc hậu, hiền hòa. Nhưng một vài năm trở lại đây, sức khỏe yếu hơn, cụ chỉ nói chuyện với người nhà, thân thiết với mình”.

Theo Người đưa tin

[mecloud]ZQwBJhnI5I[/mecloud]